Có thể nói ngắn gọn là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong phiên tòa xử Trương Duy Nhất dù đứng trên góc độ nào. Nhưng có hai điểm thất bại rất lớn mà thiết nghĩ, có thể nó nằm trong một chủ trương sâu xa nào đó của một nhân vật quyền thế A, B, C nào đó trong bộ sậu Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam: Thất bại về mặt truyền thông và; Thất bại về Nhân quyền.
Lẽ ra phải đặt vấn đề thất bại về mặt nhân quyền ở vế trước, tuy nhiên, thất bại này tuy lộ rõ nhưng xét cho cùng, trong phiên tòa xử blogger Trương Duy Nhất, thất bại về mặt truyền thông sẽ kéo theo hàng xâu chuỗi những thất bại khác để rồi vấn đề thất bại Nhân Quyền giống như hệ quả tất yếu.
Thật ra, chủ trương mở phiên tòa xét xử ông Trương Duy Nhất tại Đà Nẵng có cái hợp lý và sự vô lý của nó ngay từ trứng nước. Thử nghĩ, Đà Nẵng cũng có trại giam, nhiều nữa là khác, cũng có mọi thứ vì đây là thành phố trực thuộc trung ương. Thế tại sao công an phải bắt và đưa thẳng ông Nhất ra Hà Nội, tạm giam ở Hà Nội một cách bí mật để rồi lại chuyển ngược vào Đà nẵng để mở phiên tòa?
Có hai lý do: Thứ nhất, hiện tại, nếu xử ông Nhất và ghép tội theo điều 258 tại Hà Nội, một lần nữa cái điều luật đầy tính nực cười này lại làm dấy lên cơn sóng những người đấu tranh, bảo vệ dân chủ. Và ngoài lực lượng đấu tranh dân chủ hùng hậu ở phía Bắc đến ủng hộ ông Nhất, sẽ có thêm lực lượng trí thức từ miền Trung, miền Nam ra tham dự phiên tòa, công an lại phải rào chắn đón trước đón sau.
Nhưng hiện tại, chuyện rào chắn không cho người tham dự phiên tòa giữa thủ đô Hà Nội, nơi có cả những người đang là đại diện nhà nước Việt Nam tham gia làm việc tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nếu để báo chí quốc tế phản ánh một lần nữa, chẳng khác nào tự mình vả vào mồm mình. Thế nên giải pháp “làm nguội” tốt nhất là đưa ông Nhất về Đà Nẵng để xử.
Khi đưa ông Nhất về Đà Nẵng xử án, có hai cái lợi: Hạn chế được lực lượng đấu tranh nhân quyền phía Bắc; Tránh né tránh nhiệm Nhân Quyền dễ dàng nếu như cho công an và chó săn tham gia “bảo vệ” phiên tòa.
Nhưng chắc chắn hai cái lợi trên quá thấp so với nhiều cái hại cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Mà trong đó, có hai mối nguy hiểm lớn nhất (chắc chắn họ cũng nhìn thấy nhưng không hiểu vì lý do nào họ vẫn làm?!), đó là khuấy động phong trào phản biện đang tiềm ẩn trong nhân dân và hiệu ứng đô mi nô ở miền Trung, đặc biệt là giới sinh viên.
Thật ra, dải đất miền Trung eo óc nắng và gió, mưa chang nắng cháy, thiên tai lũ lụt liên miên, đặc biệt là vài năm trở lại đây, nhân họa do những tài phiệt đỏ làm thủy điện gây ra đã làm cho lòng dân oán thán, thậm chí căm phẫn nhà cầm quyền vô trách nhiệm. Người dân biết, nhìn thấy và hiểu rõ mọi thứ sai trái của nhà cầm quyền, nhưng họ chưa lên tiếng, chưa nói gì.
Chưa nói không phải là không nói, vấn đề là bao giờ nói và nói như thế nào. Điều này cũng nên xét lại mọi cuộc cách mạng và những phong trào canh tân trong lịch sử. Có vẻ như người miền Trung ít nói nhưng lại có con số nhà cách mạng và những cuộc nổi dậy áp đảo so với nhiều vùng miền khác.
Có lẽ do tố chất cần cù, ham làm cộng với sức chịu đựng thiên nhiên khốc liệt đã tạo riêng một cơ địa miền Trung mà trong đó, tố chất quyết liệt và xả thân là đặc trưng nổi trội.
Cũng xin nói thêm, ngoài những vấn đề nhân họa liên quan đến nhóm lợi ích đỏ, vấn đề biển Đông, Trường Sa – Hoàng sa, biên giới phía Bắc và người Trung Quốc xuất hiện đầy rẫy ở duyên hải miền Trung, thêm chuyện thu hồi đền bù đất bất minh cũng là nỗi nhức nhối lớn đối với người dân miền Trung.
Mọi chuyện tưởng đã được ém nhẹm và làm nguội bằng mọi cách, ai dè, đùng một cái, Đà Nẵng có một phiên tòa xử người cầm bút liên quan đến những vấn đề mà nhân dân đang trăn trở, ray rứt. Đương nhiên, phiên tòa những tưởng là sẽ răn đe được nhân dân này lại trở thành cú châm ngòi để hàng loạt trái phá đi vào hoạt động.
Khó có thể lường được sau phiên tòa xử ông Trương Duy Nhất, sẽ có hiệu ứng như thế nào, đặc biệt, khi mà ông Nhất vốn đã là biểu tượng phản biện của giới sinh viên tại Đà nẵng. Một khi đẩy ông Nhất vào tù, e rằng mức độ quan tâm về chính trị và hàng loạt câu hỏi về ông Nhất lại phát sinh. Mà một khi những câu hỏi này phát sinh, guồng máy dân chủ Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung lại khởi sự hoạt động theo cách mà lịch sử mách bảo.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Nhà nước Cộng sản chọn Đà Nẵng để mởi phiên tòa xử Trương Duy Nhất có phải là một chủ ý tốt nhằm kích hoạt bầu nhiệt huyết đấu tranh vốn tiềm ẩn trong nhân dân? Và xét về quyền lợi phe nhóm, ai sẽ được lợi trong ván bài có tên “phiên tòa xét xử Trương Duy Nhất” này? Phải chăng trong nội bộ trung ương Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện cao thủ lật thế cờ?
Hãy đợi xem những màn tiếp theo! Không bao lâu nữa đâu!
Bài bình luận gần đây