Năm nay lại như mọi năm, các thi sĩ (nhà thơ), ngâm sĩ (nhà nghâm thơ) và thổi sĩ (nhà thổi sáo) lại náo nức chờ mùa Nguyên Tiêu, chờ ngày Thơ Việt Nam, để rồi… nhậu!
Chuyện này giống như cái bao tử, nó hoạt động đều đặn, nhịp nhàng, muốn hay không muốn nó vẫn cứ chạy và đôi khi réo ong óc, đôi khi quằn quại, đôi khi lao nhao… Vì nó là một hệ thống phục vụ và nhận chỉ đạo từ một hệ thống đã cho nó ăn, nuôi nó lớn, xoa đầu và vỗ béo nó bằng nhiều cách.
Một đằng, các nhà thơ xóm, thơ làng, thơ phường, thơ xã, thơ thị trấn, thơ huyện lị, thơ tỉnh lị cũng chẳng có cơ hội để người ta biết mình là nghệ sĩ nhớn, mình cũng biết trình diễn, đọc thơ trên sân khấu, cũng biết viết những tác phẩm thơ đầy nỗi niềm hiện thực xã hội chủ nghĩa… Làm gì có cơ hội mà xuất hiện? Chỉ có ngày Thơ Việt Nam, nhờ ơn đảng, ơn nhà nước mà có cái sân khấu để thể hiện cái tầm, cái tâm… thơ!
Phần khác, nhà nước và đảng cũng chẳng có mấy dịp được ca tụng, đượng nâng bi nếu không tự tuyên truyền và tự ca ngợi về cái gọi là thiên tài to thật là to bự thật là bự đã lãnh đạo đất nước đi từ chỗ nghèo đói đến chỗ nợ nần chồng chất, từ chỗ không có gì để ăn đến chỗ trộm cắp, cướp giật tràn lan (vì nếu không có cái gì thì lấy gì mà trộm cắp? Có trộm cắp tức là phải giàu có, đất nước càng giàu có thì trộm cắp, cướp giật càng tràn ngập… Vậy đích thị là đất nước mình giàu đẹp, văn minh rồi chứ còn gì nữa!).
Nên chi, một buổi tối cũng thắp hương đèn, cũng làm lễ, cũng mời lãnh đạo lên đánh trống khai mạc, sau đó các thi sĩ lại tha hồ đọc hoặc ngồi uống rượu nghe các ngâm sĩ ư ử giọng Sa Mạc, giọng Nam Bình bài thơ của mình, các thổi sĩ thì gồng gân, uốn mình phiêu diêu cùng làn điệu khói hương trầm bổng… Có gì mà sướng bằng. Kẻ nào cũng được sướng, cán bộ lãnh đạo được công kênh, được ngồi bàn danh dự, được lên sân khấu nhận định về văn chương, đôi lời về tư tưởng, định hướng và chỉ đạo nghệ thuật cho năm mới. Văn sĩ, ngâm sĩ và thổi sĩ thì được ngồi gần lãnh đạo, được bắt tay lãnh đạo, được ăn nhậu cùng lãnh đạo. Sướng! Sướng rân bà rần ngày thơ Việt Nam! Còn gì sướng hơn, còn gì đẹp mặt hơn?
Suy cho cùng là sướng, cái sướng vốn dĩ nằm trong huyết quản từ con cừu cho đến con cáo, con cọp, con beo, con hổ, con voi, con nai, con khỉ, con tinh tinh và cả con người. Cũng có khi con người mang cái sướng của con cọp, cũng có lúc là cái sướng của con sư tử, mà cũng có nhiều người vốn quen với cái sướng của con cừu, mong được ăn ngon, được vuốt ve, được vỗ béo mặc dù thi thoảng bị vặt lông đau đớn, nhưng dẫu sao cũng sướng vì được vỗ béo.
Cũng có cái sướng theo kiểu con cáo, léo hánh, giảo hoạt, ma lanh, mặc dù vẫn ăn của người ta, vẫn không từ bất kì món nào trên mâm nhưng cách ngồi, cách ăn và kiểu bu lu boa loa thì lại nghe ra rất liêm khiết, rất đáng kính.
Năm nào cũng thế, thử đi dạo một vòng quanh các sân thơ, chiếu thơ nguyên tiêu trên cả nước thì dễ nhận ra nơi nào cũng giống nơi nào, đêm thơ chia làm ba chiếu rõ ràng: Chiếu của cọp; chiếu của cáo và; Chiếu của cừu.
Xin mở ngoặc, cách phân chia này chỉ giới hạn trong sân thơ đêm thơ Việt Nam mà thôi, chứ với bên ngoài, ba cái chiếu này chẳng có tí mảy may ý nghĩa nào.
Ở chiếu của cọp, đương nhiên là có các quan chức ngồi chễm chệ nghe thơ, vừa uống rượu vừa quan sát, mặt mày đăm chiêu ra vẻ uyên bác, hiểu biết về nghệ thuật và rất có thể, “cọp” sẽ phán một câu nào đó làm cho cừu xanh mặt xanh mày, cáo thì nhảy đựng và giở bài bép xép.
Ở chiếu của cừu, thì các thi sĩ, ngâm sĩ, thổi sĩ chiếm cứ đa phần, vừa hăng say đọc thơ dưới vòm thiên đường xã hội chủ nghĩa, lại có dịp nâng bi các quan chức để năm nay mình được chiếu cố hơn năm ngoái.
Riêng ở chiếu của cáo là khó lường nhất, vì rất có thể cáo nhảy tót lên chiếu cọp ngồi bất kì giờ nào mà cũng có thể cáo léo hánh, chửi cọp không tiếc lời. Thường thì trong đêm thơ, chịu khó quan sát, sẽ có một bàn nhậu ngồi cách xa sân khấu, có khi ra tận phía ngoài cổng sân khấu, các thi sĩ, văn sĩ vừa uống rượu, vừa văng tục chửi cọp mất dạy, vô liêm sỉ, chửi cừu ngu đần, dốt nát…
Nhưng nếu có cọp xuất hiện, các cáo chuyển đề tài ca ngợi đảng, ca ngợi nền thi ca Việt Nam truyền thống và chửi đổng không tiếc lời mấy cái gọi là Hậu Hiện Đại, Tân Hình Thức hoặc Cách Tân, ngoại vi gì đó. Và trong những lúc như thế, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy… được mang ra làm mồi nhậu ngon lành!
Lại nhớ một câu chuyện về cáo: Trong một buổi sinh nhật của cọp, cọp vốn là chúa tể rừng xanh, gầm lên một tiếng báo hiệu muôn thú về dự sinh nhật của nó. Vậy là muôn thú run rẩy, khúm núm mang quà sinh nhật đến. Mà hang cọp thì biết rồi, tử khí tanh tưởi, xác chết hôi thối không thể chịu được. Đang buổi sinh nhật, cọp thèm thịt tươi, nhưng ngại ăn thịt ngay lú này thì lần sinh nhật sau sẽ không có con nào dám mang xác đến mừng cho mình nữa, nên tìm cớ hỏi bắt bí để hành sự.
Cọp hỏi: “Các ngươi thấy cái hang của ta như thế nào?”. Nai vốn thật thà, thưa ngay: “Dạ hang của đại vương thối quá, thối hết chịu được rồi!”. Cọp tát nai một phát, nai hộc máu nằm lăn ra hấp hối. Cọp nói: “Lịch sự và biết điều bao giờ cũng đáng quí, ngươi dám bươi móc cái xấu của ta nên ngươi phải chết!”. Nai nhắm mắt tắt thở, mỉm cười mãn nguyện sau khi nhận được bài học đáng quí của đại vương.
Đến lượt cừu, vì thấy nai bị chết vì nói thật, cừu xun xoe: “Dạ, hang của đại vương thơm hơn cả một triệu đóa hoa hồng, sáng tựa thiên đường, lung linh và đẹp như mơ!”. Cọp tát một cái rõ mạnh, cừu lăn ra hấp hối. Cọp bảo: “Sự thật thà bao giờ cũng là kim chỉ Nam, người đã không thật thà, ngươi phải chết!”. Cừu nhắm mắt, nhe răng cảm tạ lời chỉ giáo của cọp rồi tắt thở.
Các con vật khác run như điện giật, không con nào dám trả lời, và tổ chức rút thăm trong tích tắc để bầu ra con chịu chết. Phiếu thăm trúng ngay cáo. Cáo chui vào hốc đá đái cho đỡ run và quay ra quì mọp xuống trước cọp: “Lạy ngài, hôm nay con bị cảm cúm, tư duy nghệ thuật của con bị rối loạn nên không thể nhận xét đẹp xấu được. Con đau đầu sổ mũi nên chẳng biết thơm hôi! Thôi ngài cho con hẹn sinh nhật sau của ngài con trả lời!”.
Nghe vậy, cọp tha cho cáo và nghĩ: “Ông ăn hai con này là đủ rồi, mày có một nắm thịt, để đó tính sau!”. Còn cáo sau khi được tha, lại nghĩ: “Hừm, còn lâu mới có sinh nhật sau, vì tuổi thọ mày sắp hết rồi cọp ơi, ông chỉ cần mày cho ông chỗ đất ông sống, mày hôi hay thơm gì kệ mẹ mày, ông chỉ cần có cái ăn thôi!”.
Chuyện của cáo, cọp, nai, cừu vô tình lại rất giống chuyện văn thơ Việt Nam ở các hội đoàn nhà nước hiện tại. Và cái sân chơi thơ ca nguyên tiêu nghe ra cũng bốc mùi không kém cái hang cọp trong câu chuyện trên đây! Hôi thối, tanh tưởi và đầy mùi mồ hôi, nước mắt, máu dân, kể cả mùi mồ hôi nách của dân lao động nghèo phải chắt chiu từng đồng trong các khoản thuế từ bó rau, con cá, hạt gạo, bình thuốc trừ sâu cho đến cái quần lót… Tất cả phức hợp mùi này bốc lên ngùn ngụt trong bữa tiệc nhậu của quan chức và các văn nghệ sĩ liên hoan sau đêm thơ. Dzô… dzô… dzô…!
Bài bình luận gần đây