You are here

Thái lan: Sai lầm và hậu quả của chính sách thu mua lúa gạo

Vấn đề khủng hoảng chính trị triền miên của Thái lan đã khiến cho báo chí tốn không ít giấy mực. Điều đã khiến nhiều nhà phân tích chính trị có uy tín đã tỏ ra mất kiên nhẫn và tỏ vẻ hoài nghi về cái gọi là dân chủ ở Thái lan, một xứ sở dân chủ có nền tự do hiếm hoi ở Đông Nam Á. Nơi mà quyền chính trị của người dân được khuyến khích và luật pháp bảo hộ, cho dù những quyền ấy bị lợi dụng trong việc tranh giành quyền lực giữa các phe phái.

Cũng cần phải nói, các cuộc biểu tình của các tổ chức Áo Vàng, Áo Đỏ...ủng hộ cho các xu hướng hay các đảng chính trị diễn ra hầu như triền miên trong nhiều năm qua có chung một mục đích như nhau là gây sức ép, nhằm buộc người đứng đầu chính phủ phải giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử hoặc cải cách chính trị. Tới mức có ý kiến thấy rằng cần sửa đổi Hiến pháp Thái lan, để rút thời gian giữa hai kỳ bầu cử xuống còn lại 2 hoặc 3 năm, thay vì là 4 năm một lần như hiện nay, nhằm tránh xung đột chính trị. Tuy nhiên một điều cũng cần phải nhắc lại, khủng hoảng chính trị ở Thái lan đến thời điểm này hoàn toàn không tạo ra bất ổn như truyền thông của nhà nước Việt nam từ xưa vẫn thường phê phán mặt trái của dân chủ. Nghĩa là mọi sinh hoạt thường ngày vẫn diễn ra bình thường, ngay cả ở những khu vực trung tâm của các cuộc biểu tình. Hình như người dân Thái lan đã có thói quen việc ai người ấy làm. Họ không bực tức và tỏ ra khó chịu khi những người đồng bào của họ sử dụng quyền của mình đã được luật pháp bảo hộ.
Những ngày này, khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái lan lần này đã bước sang tháng thứ 4 và các hoạt động của lực lượng biểu tình chống chính phủ cũng chìm xuống. Từ 6 địa điểm biểu tình lớn án ngữ ở các vị trí giao thông huyết mạch trong thủ đô Bangkok, rút xuống còn 4 địa điểm và hoạt động của các địa điểm biểu tinh còn lại cũng dần tẻ nhạt. Trừ địa điểm trung tâm ở khu vực Maboonkrong và Suon Lumpini vẫn được duy trì một cách ổn định. Nhưng thay vào đó là một cuộc biểu tình mới của những người nông dân ở tất cả các tỉnh miền Trung Thái lan về Bangkok biểu tình phản đối chính phủ mua lúa của nông dân trên toàn quốc, vì đã 4-5 tháng sau khi mua lúa của nông dân nhưng chính phủ không chịu trả tiền cho họ. Ước chừng với số nợ của chính phủ đổi với nông dân lên đến khoảng hơn 4 tỷ USD và lãnh đạo nông dân biểu tình khẳng định họ không liên quan đến cuộc biểu tình chống chính phủ của ông Suthep Thuogsuban. Nhưng đáng ngạc nhiên là trong những ngày này, các hoạt động của cuộc biểu tình chống chính phủ của ông Suthep Thuogsuban chủ yếu là tổ chức tuần hành trên đường phố trung tâm Bangkok để hô hào người dân ủng hộ tiền bạc để cho nông dân duy trì biểu tình. Với mục tiêu số tiền ủng hộ cho nông dân sẽ vào khoảng 14 triệu baht (450.000 USD), và trong 2 ngày gần đây họ đã thu nhận được gần 10 triệu baht tiền ủng hộ của người dân Bangkok để chuyển cho nông dân.
Điều này hình như cũng đã bắt đầu hé lộ kịch bản cho hồi kết của chính phủ của bà Yingluck Shinnawatra, khi có liên quan đến cáo buộc tham nhũng một cách có tổ chức của chính phủ liên quan đến chính sách thu mua lúa gạo của nông dân. Điều này đã được Ủy ban bài trừ Tham nhũng Nhà nước - một cơ quan điều tra độc lập của nhà nước đã khẳng định là có cơ sở và Ủy ban này cũng đang ráo riết hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị truy tố. Nên nhớ, chỉ cần khi  Ủy ban bài trừ Tham nhũng Nhà nước có quyết định điều tra chính thức thì lập tức bà Thủ tướng cùng toàn thể nội các phải ngừng hoạt động.
Được biết, trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2011 vừa qua, đảng Phue Thai (Vì nước Thái) của bà Yingluck Shinnawatra, em gái của cựu Thủ tướng Shinnawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài vì bị cáo buộc tham nhũng, đã thắng lợi áp đảo nhờ chính sách nhà nước thu mua lúa của nông dân. Nhờ chính sách nhà nước thu mua lúa của nông dân, không quan tâm đến chất lượng với hai loại giá 15.000 baht/tấn đối với gạo thường và 20.000 baht/tấn đối với gạo thơm. Gía này cao hơn nhiều so với giá thị trường và cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Thái lan sút giảm nghiêm trọng do giá bán ra cao hơn các quốc gia khác như Việt nam, Ấn độ... Phải nói với chính sách mang tính dân túy này đã nâng cao thu nhập của người nông dân, từ chỗ làm ruộng luôn lỗ đến chỗ làm ruộng có lãi nên chính sách này được đa số người dân ủng hộ. Mà ít ai biết rằng đây là một hành động biến tướng, dùng tiền của ngân sách để trục lợi, nhằm lôi kéo một bộ phận cử tri để giành quyền lực nhà nước thông qua bầu cử. Việc đó dẫn tới hậu quả lượng lúa tồn kho hiện tại của Thái lan còn lại khoảng 18 triệu tấn, trong lúc giá lúa ở Thái lan tại thời điểm này chỉ còn khoảng 5.800 -5.900 baht/tấn đối với gạo thường. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu bán lúa vào thời điểm này thì toàn bộ giá trị tiền thu nợ không đủ trả nợ nông dân. Nhưng quan trọng hơn nó sẽ mang lại một con số sự thật chính sách thu mua lúa gạo đã làm thất thoát của ngân sách bao nhiêu tiền. Đó là lý do chính vì sao chính phủ Thái lan không bán lúa trong kho để lấy tiền trả nợ cho nông dân.
Cũng do trước đây chính sách của đảng cầm quyền là cấp thẻ tín dụng cho nông dân để mua các loại vật tư cho sản xuất nông nghiệp và khoản tiền này sẽ được nông dân hoàn trả sau khi thu hoạch. Bây giờ do nhà nước không trả tiền thu mua lúa dẫn tới nông dân cũng không thanh toán được các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng. Nguy hiểm hơn là người nông dân không có vốn để tái sản xuất cho vụ mùa kế tiếp, nhiều khu vực phải bỏ hoang ruộng đất. Ngoài ra do không có tiền để duy trì cuộc sống bình thường, đa số các hộ nông dân phải đi vay nặng lãi hoặc bán các máy móc nông cụ để trả nợ. Tình trạng nông dân tự tử vì thiếu nợ xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây.
Khỏan nợ nông dân khoảng 130.000 triệu baht của chính phủ Thái lan hiện nay xảy ra vào đúng thời điểm chính phủ của bà Yingluck Shinnawatra chỉ giữ vai trò tạm nắm quyền, vì Thái lan lúc này đang ở giữa giai đoạn đang tiến hành bầu cử Quốc hội mới. Mà theo quy định thì, trong thời gian tạm quyền cấm chính phủ có các quyết định vay mượn các khoản tiền để thực hiện các công việc mang tính chất mua chuộc cử tri. Hơn nữa cuộc bầu cử quốc hội Thái lan đã diễn ra trong hoàn cảnh chưa từng có vì gặp phải sự ngăn cản của lực lượng chống chính phủ, đã khiến cho nhiều tỉnh ở khu vực miền Nam Thái lan không tổ chức dược bầu cử. Và cuộc bầu cử này có đánh giá cho rằng sẽ là vô hiệu, nghĩa là sẽ chưa có một chính phủ mới trong vòng ít nhất nhiều tháng tới. Đồng nghĩa với việc nhà nước nợ nông dân sẽ còn kéo dài nếu chính phủ tạm quyền của bà Yingluck Shinnawatra không tự ra đi hoặc bị buộc phải ra đi.
Điều đó đã khiến chính phủ Thái lan đã tính đến phải bán một số công sản để lấy tiền trả nợ cho nông dân, vì các tổ chức tài chính tín dụng đều quay lưng lại với các đề nghị vay tiền của chính phủ Thái lan. Với lý do họ không muốn chuốc nợ vì đề nghị này pháp luật không cho phép. Hơn nữa nông dân các tỉnh miền Bắc và miền Đông Bắc Thái lan, vốn là địa bàn của đảng Phue Thai (Vì nước Thái) đến hôm nay vẫn án binh bất động không tham gia biểu tình để ủng hộ chính phủ. Song họ cũng cảnh báo nếu chính phủ không khẩn trương trả hết nợ cho nông dân thì họ cũng sẽ ra tay trong một ngày gần đây.
Tình hình không ủng hộ chính phủ cầm quyền ở Thái lan về mọi mặt, trong lúc quyền lực của chỉnh phủ bị bó hẹp, các áp lực chính trị ngày một lớn. Cho dù bà Thủ tướng Yingluck Shinnawatra nói rằng bà không thể ra đi vì luật pháp không cho phép Thủ tướng tạm quyền từ chức. Song lời giải của mọi vấn đề của chính trị Thái lan sẽ phụ thuộc vào quyết định Ủy ban bài trừ Tham nhũng Nhà nước, vấn đề chỉ là sớm hay muộn và cái thòng lọng đang từ từ siết chặt với chính phủ tạm quyền của Thái lan. Đó sẽ là một hồi kết âm thầm, một cuộc lật đổ không có sự can thiệp của quân đội. Điều mà bất kể ai ai, từ chính trị gia hay các tướng lĩnh đều không mong muốn, vì họ hiểu cái giá phải trả của một chính quyền độc tài, không được sinh ra từ lá phiếu của người dân đối với cộng đồng thế giới.
Việt nam có nhiều đỉểm tương đồng với Thái lan, không chỉ là cả hai cùng là nước nông nghiệp xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Mà văn hóa, con người, lịch sử cũng có sự gần gũi và chính trị cũng sẽ như vậy. Trong tương lai, một khi Việt nam thay đổi về thể chế chính trị đi chăng nữa, thì một số bài học kinh nghiệm của Thái lan cũng nên được lưu tâm. Nên biết gạn đục, khơi trong để tránh các nhược điểm mà họ mắc phải là một điều nên làm.
Đó là việc sử dụng cách thủ đoạn chính trị thì cần phải tính toán và cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Ngày 12 tháng 02 năm 2014
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA