You are here

Nếu mọi tín đồ tôn giáo đều “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”...

Hoàng Ngọc-Tuấn

Nhân dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, đại diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tới thăm, chia vui với Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Trong lời chúc Giáng Sinh, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đã luôn lặp đi lặp lại lời yêu cầu rằng Tổng Giám mục, các chức sắc Công giáo, cũng như Hội Thánh Tin lành và các tín hữu đạo Tin lành, hãy “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”.

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/248/0/4510/Ba_Ha_Thi_Khiet_Bi...

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng đã gửi thư chúc mừng các vị giáo phẩm, chức sắc, tu sĩ, cùng toàn thể đồng bào Kitô hữu Việt Nam. Trong đó, ông cũng yêu cầu đồng bào Công giáo và đồng bào theo đạo Tin Lành cả nước... “thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng”.

http://cadn.com.vn/news/102_107418_thu-chu-c-mu-ng-nhan-le-gia-ng-sinh-n...

Thế nhưng, “chủ trương, chính sách của Đảng” đối với tôn giáo là gì?

Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa Cộng Sản, đã khẳng định ngay từ đầu rằng: “Chủ nghĩa Cộng Sản bắt đầu nơi chủ nghĩa vô thần bắt đầu”,[1] và trong cuốn Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie (1843) ông ta đã tuyên bố: “Tôn giáo... là thuốc phiện của quần chúng” (Die Religion... ist das Opium des Volkes), và ông ta nói rõ rằng để có thể tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản thì phải tiêu diệt mọi tôn giáo.

Còn Lenin thì khẳng định: “Chúng ta không tin vào Thượng Đế”, và “mọi sự thờ phượng đối với thần thánh đều chỉ là một loại tử thi dục” [necrophilia = làm tình với xác người chết]. Ông ta còn dùng cả những lời lẽ như thế này: “Bất cứ một ý tưởng tôn giáo nào, bất cứ một ý tưởng nào về bất cứ một Thượng Đế nào, thậm chí bất cứ một sự ve vãn nào đối với một ông Thượng Đế nào đó, thì cũng chỉ là một sự ngu xuẩn không thể tả nổi... một sự ngu xuẩn nguy hiểm nhất, một “bệnh truyền nhiễm” nhục nhã nhất.”[2] Trong một bức thư gửi cho Maxim Gorky vào tháng Giêng năm 1913, Lenin viết: “Không có gì ghê tởm hơn tôn giáo.”[3] Và trong ngày Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 1919, Lenin ra lệnh: “Nghỉ lễ ‘Nikola’ là điều ngu xuẩn -- toàn bộ lực lượng công an mật Cheka phải cảnh giác theo dõi và bắn bỏ bất cứ kẻ nào không đến sở làm việc vì tự ý nghỉ lễ ‘Nikola.’“[4] Lenin còn thành lập những nhóm chống tôn giáo, mệnh danh là “Hội Vô Thần”, “Liên Đoàn Vũ Trang Vô Thần”..., chuyên tuyên truyền chống tôn giáo.[5]

Ở Liên Xô, ngay sau “Cách Mạng tháng Mười” thì chiến dịch tiêu diệt tôn giáo đã bắt đầu và kéo dài cho đến khi Liên Xô tan rã. Chỉ riêng ở Liên Xô, số nạn nhân bị giết vì lý do tôn giáo đã lên đến khoảng từ 12 triệu đến 20 triệu người.[6]

Chiến dịch tiêu diệt tôn giáo cũng đã được thực hiện ở tất cả các nước dưới chế độ Cộng Sản, và số nạn nhân đã bị giết chóc, tù đày, tra tấn, hành hạ... chắc chắn là một con số khổng lồ, vượt khỏi óc tưởng tượng của chúng ta.

*

Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa chúc mừng Giáng Sinh, vừa yêu cầu tất cả tín đồ tôn giáo hãy “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”, thì chúng ta phải hiểu như thế nào?

1/ “Chúc mừng Giáng Sinh”

Nếu chủ nghĩa Marx-Lenin chủ trương tiêu diệt mọi tôn giáo, thì tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam (luôn luôn giương gao khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”) bây giờ lại chúc mừng Giáng Sinh? Điều này thì quá dễ hiểu. Khi họ mạnh, thì họ ra sức siết cổ. Khi họ yếu, thì họ đóng kịch cởi mở.

Hãy hồi tưởng lại mùa Giáng Sinh năm 1975, khi ấy, với khí thế của “kẻ thắng cuộc”, họ đâu có chúc mừng! Trong đêm Giáng Sinh 1975, công an mang vũ khí lăm lăm đứng gác ở các ngả đường gần các nhà thờ và gác trước cổng các nhà thờ, khiến đa số giáo dân không dám đi lễ. Trước ngày Giáng Sinh, tất cả học sinh và sinh viên đều đã bị Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và Hội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh khuyến cáo rằng không được đến nhà thở để dự lễ Giáng Sinh... Rồi suốt cả một thập kỷ sau 1975, bao nhiêu chức sắc tôn giáo và tu sĩ đã bị bắt giam, bị đưa đi “cải tạo”... Cho đến sau khi Liên Xô và khổi Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam mới bắt đầu đóng kịch cởi mở hơn. Từ đó đến nay, họ càng ngày càng lâm vào vô số vấn đề khủng hoảng, nên càng ngày càng yếu, vì thế họ càng ngày càng đóng kịch cởi mở, để làm giảm bớt sự chống đối của nhân dân. Nghĩa là, nếu một ngày nào đó họ củng cố được sức mạnh, thì họ lại tiếp tục siết cổ.

Cái trò đểu cáng này chẳng có gì là mới mẻ. Từ năm 1905, Lenin đã vận dụng trò đểu cáng này. Trong bài viết “Chủ Nghĩa Xã Hội và Tôn Giáo” đăng trên tờ “Novaya Zhizn” của Đảng Lao Động Xã Hội Dân Chủ (tiến thân của Đảng Cộng Sản Liên Xô), Lenin đã nhai lại câu “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của Marx và khẳng định quyết tâm tiêu diệt tôn giáo. Tuy nhiên, ông ta lại quyết định rằng Đảng Lao Động Xã Hội Dân Chủ không công khai tuyên bố là vô thần, và Đảng vẫn thu nhận những người vô sản đang có tôn giáo. Lý do là lúc ấy Đảng còn yếu, cần tập trung sự đoàn kết của nhiều người. Đến khi nào cuộc cách mạng vô sản thành công thì mới công khai tuyên bố chủ trương của Đảng là vô thần.[7]

2/ “Thực hiện tốt chủ trương của Đảng”

Đảng Cộng Sản Việt Nam yêu cầu tất cả tín đồ tôn giáo hãy “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”, mà chủ trương của Đảng là quyết tâm theo “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”, mà cái “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!” này lại quyết tâm tiêu diệt tôn giáo! Như thế thì hoá ra là Đảng Cộng Sản Việt Nam đang yêu cầu tất cả tín đồ tôn giáo hãy góp sức tiêu diệt tôn giáo đấy thôi. Khéo léo đến thế đấy! Còn cái “quyền tự do tôn giáo” được ghi ở điều 70 trong bản Hiến Pháp của nước CHXHCN Việt Nam thì có khác gì cái “quyền tự do tôn giáo” được ghi  ở điều 124 trong bản Hiến Pháp của Liên Xô năm 1936? Họ ghi vào bản Hiến Pháp như thế là để lừa bịp nhân dân và thế giới. Họ ghi, nhưng họ sẽ không bao giờ tôn trọng và thực hiện, vì nếu họ thật sự tôn trọng và thực hiện “quyền tự do tôn giáo”, thì làm sao họ có thể tiêu diệt tôn giáo như đã khẳng định trong cương lĩnh của “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”?

*

Để đáp lại lời chúc Giáng Sinh của đại diện Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn “bày tỏ lòng cảm ơn chân thành trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương. Tổng Giám mục khẳng định sẽ tiếp tục vận động các chức sắc công giáo, bà con giáo dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng...” Còn Mục sư Hội trưởng Nguyễn Hữu Mạc thì thay mặt Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) gửi lời “cảm ơn chân thành đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thành viên trong đoàn đã dành tình cảm sâu sắc cho đồng bào theo đạo Tin lành.”

http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/248/0/4510/Ba_Ha_Thi_Khiet_Bi...

Tôi tự hỏi: không hiểu Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn và Mục sư Hội trưởng Nguyễn Hữu Mạc có biết rằng mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo chỉ là làm sao để tiêu diệt tôn giáo, và nếu các chức sắc tôn giáo mà góp sức “thực hiện tốt chủ trương của Đảng” thì có nghĩa là họ đang góp sức để tự tiêu diệt tôn giáo của chính mình?

Hoàng Ngọc-Tuấn, Sydney, Australia.

============
[1] Fulton J. Sheen, Communism and the Conscience of the West (Indianapolis and NY: Bobbs-Merrill, 1948, tr.69). Chuyển dẫn từ Paul Kengor, “The War on Religion”, trên trang http://www.globalmuseumoncommunism.org/features/war_on_religion

[2] James Thrower, God’s Commissar: Marxism-Leninism as the Civil Religion of Soviet Society (Lewiston, NY: Edwin Mellen Press, 1992), p. 39. Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.

[3] J. M. Bochenski, “Marxism-Leninism and Religion,” trong B. R. Bociurkiw et al, eds., Religion and Atheism in the USSR and Eastern Europe (London: MacMillan, 1975), tr.11. Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.

[4] Alexander N. Yakovlev, A Century of Violence in Soviet Russia (New Haven and London: Yale University Press, 2002), tr.157. Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.

[5] Daniel Peris, Storming the Heavens: The Soviet League of the Militant Godless (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1998). Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Persecution_of_Christians_in_the_Soviet_Union

[7] V.I. Lenin, Collected Works, Volume 10  (Moscow, Progress Publishers, 1965) tr.83-87.