You are here

Lịch-sử-của-những-cái-cớ

Hoàng Ngọc-Tuấn (12.03.2013)
Trong bài “‘Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện’ là cái quái gì vậy?”, tôi đã vạch ra rằng cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” chỉ là một cái cớ để Đảng Cộng Sản Việt Nam lừa đảo người dân, bắt người dân phải tiếp tục hy sinh xương máu cho tham vọng quyền lực vô hạn của tập đoàn thống trị.
Phải nói ngay rằng lịch sử của tất cả những chế độ độc tài Cộng Sản từ Tây sang Đông, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đều là lịch-sử-của-những-cái-cớ, nghĩa là các chế độ độc tài Cộng Sản đã tồn tại trên chính những cái cớ mà họ tạo ra — từ những cái cớ hoàn toàn trừu tượng mang tính lý thuyết, chẳng hạn "xây dựng chủ nghĩa xã hội trong một nước", "xây dựng chủ nghĩa xã hội hoàn thiện", v.v. đến những cái cớ có vẻ như cụ thể, chẳng hạn "để chống lại âm mưu diễn biến hòa bình", "để bảo vệ thành quả cách mạng", "để xoá bỏ sự phân biệt giai cấp", "để xây dựng kinh tế mới", v.v.
Thật vậy, sự tồn tại của các chế độ độc tài Cộng Sản chỉ dựa trên những cái cớ và xoay quanh những cái cớ. Đằng sau những cái cớ, chỉ là những tham vọng quyền lực vô hạn.
Để mô tả và phân tích rành mạch cho hết những cái cớ của tất cả những chế độ độc tài Cộng Sản từ Tây sang Đông, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, chắc hẳn các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị sẽ phải viết hàng trăm pho sách dày cộm thì mới xuể.
Tuy nhiên, những ai đã sống dưới chế độ Cộng Sản (ngoại trừ những kẻ hoàn toàn bị tẩy não hay hoàn toàn bị bưng bít về thông tin) thì ít nhất cũng có thể phát hiện ra thực chất của một vài cái cớ này hay một vài cái cớ nọ mà Đảng Cộng Sản đã tạo ra. Ngay cả những người cả tin, bị đánh lừa bởi sự tuyên truyền của Đảng, và không thể thấy được thực chất của những cái cớ ngay trong thời gian những cớ ấy được ban hành, thì một thời gian sau đó, khi tỉnh táo nhìn lại, cũng có thể thấy được ít nhiều thực chất của những cái cớ ấy và cái giá mà bản thân họ đã phải trả.
Nhìn lại những gì đã xảy ra trong suốt hơn nửa thế kỷ qua dưới chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam (ở miền Bắc trước 30/4/1975, và cả nước từ sau 30/4/1975 đến nay), chúng ta có thể thấy rõ tất cả những diễn biến chính trị ở Việt Nam đều dựa trên những cái cớ và xoay quanh những cái cớ. Chúng ta thấy rõ, nhưng không dễ mà tóm gọn tất cả những điều ấy trong một bài viết. Hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có một sử gia Việt Nam viết một pho sách tỉ mỉ và rành mạch về tất cả những điều ấy.
Hôm nay, tôi xin tạm thời mời các bạn đọc một đoản văn của Eduardo Galeano có nhan đề "Những cái cớ" ["Coartadas"]. Với cách viết ngắn gọn và sắc sảo của một nhà văn (chứ không phải của một sử gia), ông trình bày cho chúng ta thấy một số "những cái cớ" dưới chế độ Cộng Sản của Stalin ở Liên Xô.
NHỮNG CÁI CỚ
Họ đã nói, họ vẫn nói: những cuộc cách mạng xã hội, trong lúc đang bị đe doạ bởi những xung đột từ bên trong và bị tấn công bởi những thế lực thù địch của bọn đế quốc từ bên ngoài, thì sự tự do là điều xa xỉ không thể kham nổi.
Thế nhưng, chính trong những năm đầu tiên của cuộc Cách Mạng Nga, khi nó đang phải đương đầu với sự quấy nhiễu của kẻ thù, nội chiến, và ngoại xâm, thì năng lực sáng tạo của nó lại tuôn tràn một cách tự do nhất.
Thế rồi, trong những thời điểm khả quan hơn, khi người Cộng Sản đã kiểm soát cả đất nước, thì guồng máy độc tài quan liêu lại khống chế tất cả bằng một thứ sự thật duy nhất do nó đề ra, và nó kết án mọi quan điểm khác là tà thuyết bất khả dung tha.
Các hoạ sĩ Marc Chagall và Wassily Kandinsky bỏ nước ra đi và không bao giờ trở lại.
Thi sĩ Vladimir Maiakovsky bắn một viên đạn xuyên qua tim mình.
Một thi sĩ khác, Sergei Esenin, tự thắt cổ.
Văn sĩ Isaac Babel bị bắn chết.
Vsevolod Meyerhold, người đã tạo nên một cuộc cách mạng kịch nghệ trên những sân khấu không phông màn, cũng bị bắn chết.
Nikolai Bukharin, Grigory Zinoviev, và Lev Kamenev, những nhà lãnh đạo cách mạng từ thuở ban đầu, cũng bị bắn chết, trong khi đó thì Leon Trotsky, người sáng lập Hồng Quân, bị đuổi theo ám sát trên đường lưu vong.
Trong hàng ngũ những người khởi đầu cuộc cách mạng, không còn một ai sót lại. Tất cả đều bị thanh trừng: họ bị chôn sống, bị bắt giam, hay bị trục xuất. Và họ bị xoá bỏ khỏi những bức ảnh chính thức và những cuốn sách viết về lịch sử.
Cuộc cách mạng đã tôn vinh lên ngai vàng kẻ thô lậu nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của nó.
Stalin giết hết những người mà hắn không thấy vừa lòng, những người nói “không”, những người không nói “dạ”, những người mà hắn thấy nguy hiểm cho hôm nay, và những người mà hắn thấy có thể sẽ trở nên nguy hiểm cho ngày mai, hắn giết họ vì những gì họ đã làm và những gì mà họ có thể sẽ làm, hắn giết để trừng phạt, hay để phòng ngừa.
***
Qua đoản văn trên, chúng ta có thể thấy rằng, đằng sau những cái cớ do chế độ độc tài Cộng Sản đề ra, thì thực chất chỉ là những tham vọng quyền lực vô hạn; và những tham vọng quyền lực vô hạn ấy đòi hỏi sự hy sinh xương máu vô hạn của nhân dân dưới bàn tay sắt của chế độ.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)