You are here

Tiếng kêu từ đại hồng thuỷ miền Trung

Lê Diễn Đức

Vị thế địa lý đã mang lại cho miền Trung Việt Nam nhiều bất hạnh. Như cơ thể oằn lưng hứng mọi cơn bão từ biển Đông tràn vào, năm này qua năm khác.
 
Miền Trung lại là xứ nghèo, thiên nhiên chẳng ưu đãi gì nhiều về vật chất. Kiếp nghèo lại nghèo thêm vì thiên tai. Nhưng "nhân tai" từ mấy năm nay cũng tạo ra nhiều bi kịch.
 
"Sự phát triển ồ ạt của các nhà máy thủy điện tại miền Trung đã bắt đầu có những tác động tiêu cực đến môi trường, dân sinh... Suốt dọc các tỉnh miền Trung, ở đâu cũng thấy những “túi nước” khổng lồ có thể “dội” vào đầu hàng triệu người dân bất kỳ lúc nào, nhất là mùa mưa, lũ. Ðiển hình là 4 tỉnh gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Kontum và Ðắc Nông có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã, đang và sẽ triển khai, tờ Tin Mới Online ngày 9/9/2011 viết.
 
Báo Mới nói ông Lê La Sơn, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi Quảng Trị phát biểu rằng, “Tôi thấy, cứ ở đâu có nhà máy thủy điện là người dân đều khổ. Ðó là người dân mất đất, nhà nước mất rừng. Ðời sống nơi tái định cư thiếu thốn đủ thứ, kể cả điện chiếu sáng. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa lũ thì chính họ cũng là người hứng chịu những ‘túi nước’ do chính các nhà máy thủy điện xả xuống”.
 
Năm ngoái đã có vài đập chắn thủy điện bị vỡ cuốn trôi hàng chục tấn hoa màu, thiệt hại khoảng hàng chục tỷ đồng.
 
Trong lúc bão lụt ở Philippines hàng ngàn người chết, hàng triệu người bơ vơ không nhà của, không còn điều kiện sinh sống, các chiến dịch cứu trợ được phát động trên thế giới, thì ở miền Trung Việt Nam cũng ngập tràn trong cơn đại hồng thuỷ.
 
Tính đến hết ngày 16/11, tại 6 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã phải gánh chịu cơn áp suất thấp nhiệt đới, hậu bão số 15, tạo nên trận lũ lịch sử từ trước đến nay, làm 41 người chết, 5 người mất tích, hàng trăm ngàn ngôi nhà bị nhấn chìm, giao thông chia cắt...
 
Bài "Ai chịu trách nhiệm về việc xả lũ vào dân?" trên tờ Đất Việt Online ngày 18/11/2013, mô tả cảnh màn trời, chiếu nước của dân chúng miền Trung: "thương thay miền Trung, vừa thoát bão thì nay lại lũ ập xuống đầu...".
 
Tờ báo cũng cho hay, nguyên do mà trong đó "phần chính là nước từ 15 hồ thủy điện đồng loạt xả tràn" và đặt câu hỏi "Chết người, mất tài sản, ai phải chịu trách nhiệm?".
 
Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã khẳng định "các hồ chứa nước thủy điện xả lũ mà báo trước quá gấp nên dân trở tay không kịp, nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân mà không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước".
 
Trong cuộc chất vấn tại Quốc hội ngày 19/11, đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhắc lại thực tế, khi kỳ họp khai mạc, người dân miền Trung đang phải đối phó với bão lũ và giờ phút này "bà con ở Nam Trung Bộ đang khốn khổ vì ngập lụt".
 
"Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết. Phải điều tra, xử lý hình sự, không thể để hàng chục người chết như thế, bao nhiêu tài sản bị thiệt hại mà không ai bị xử lý", ông Phúc nói, và thẳng thắn và đề nghị cần điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng và làm nhà tránh lũ cho người dân.
 
Còn ông Đỗ Văn Đương xót xa, khi Quốc hội ngồi họp thì đồng bào miền Trung ngập tràn trong lũ, được cho là do thủy điện gây ra, mong chờ câu trả lời từ Bộ trưởng Công thương. Thế nhưng, lỗi được Bộ Công thương đá qua cho Bộ Nông nghiệp. Cấp Bộ đổ lỗi cho cấp địa phương phê duyệt quy hoạch, nhưng cấp địa phương lại phản pháo cho rằng không lãnh đạo địa phương nào dám đặt bút ký quy hoạch thủy điện của địa phương mình nếu không có sự đồng thuận của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
 
Cả hệ thống chính trị vô cảm và hững hờ trước cảnh nước lũ mênh mông nhấn chìm nhà cửa, dân chúng bồng bế nhau di tản, "rối ren như kiến chạy mưa".
 
Không thấy một cán bộ cao cấp nào tới hiện trường quan sát vào lúc lũ tràn. Không trực thăng, tàu thuyền, xe lội nước cứu trợ, những thứ mà trong cuộc diễn tập chống "tụ tập đông người" chống nhân dân đã có đầy đủ. Dân chúng chỉ còn biết tự thân chịu đựng, nỗ lực chống lại cái chết, đói và cầu nguyện may mắn.
 
Tôi vẫn nhớ trận lụt năm 2010 tại Ba Lan, vào tháng 8, khi các đại biểu quốc hội Ba Lan trong mùa nghỉ phép đã đi nghỉ ở khắp nơi trên thế giới. Những nhân viên các câu lạc bộ của quốc hội đã gọi điện thoại gọi từng người một, thậm chí cả từ những nơi xa tận Á Châu như Thái Lan, đề nghị họ trở về Ba Lan để họp thông qua một đạo luật đặc biệt nhằm khắc phục hậu quả lụt và giúp đỡ người bị thiệt hại vì lụt.
 
Nghĩ đến đồng bào đang gặp khó khăn, cùng với tinh thần trách nhiệm của một người đại biểu khi dân cần đến, các đại biểu đã quy tụ về thủ đô đủ cơ số để bỏ phiếu.
 
Ấy là vì Ba Lan là nước dân chủ, quốc hội do dân lựa chọn trực tiếp qua bầu cử tự do. Bất kỳ sự sao nhãng, tắc trách nào cũng đồng nghĩa với việc mất đi lá phiếu của người dân trong kỳ bầu cử tiếp theo. Quyền lực do dân tạo dựng và vì quyền lợi của dân, cơ quan đại diện là quốc hội phải gánh vác kịp thời vào những lúc cần thiết.
 
Ở Việt Nam hiện nay, quốc hội được xem là cơ quan quyền lực cao nhất, đều do đảng cử, dân bầu (lấy lệ), chỉ làm một việc duy nhất là hợp thức hoá, hành chính hoá các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
 
Toàn bộ thực quyền nằm trong tay một nhóm lãnh đạo của ĐCSVN, họ vung tay phê duyệt các quy hoạch ở cấp Bộ, nơi mà lẽ ra phải có những người trách nhiệm kiểm tra chấn chỉnh hoạt động của thủy điện tại các địa phương. Thế nhưng, cùng trong băng nhóm lợi ích, trung ương và địa phương đã ngoắc nhau trục lợi. Chẳng cần phải tính đền tầm dài hạn của một dự án, những hệ lụy nghiêm trọng của nó với môi trường và cuộc sống an lành của dân chúng.
 
Văn hoá từ chức là sự xa xỉ, thậm chí chưa bao giờ có, của hệ thống chính trị hiện hành. Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng tự khen mình chưa kỷ luật ai, còn ông Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói kỷ luật hết thì lấy ai làm việc. Vả lại, nếu hiếm hoi xảy ra với một vài Bộ trưởng, thì cũng chỉ là hình thức, bởi vì những người đứng đầu nhà nước, quốc hội, chính phủ vẫn nguyên vẹn. Vị trí của họ do ĐCSVN ấn định, có cần dân bầu bán gì đâu. Cái ghế của họ chẳng hề suy chuyển và có khi còn tiếp tục cao hơn nữa. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc trong điều hành quản lý. Vô trách nhiệm trở thành chuyện thường ngày, chẳng gây ra ảnh hưởng gì đáng kể. Mấy chục người đã chết và bao nhiêu người mất tích, sẽ chẳng có ai kết luận vì sao họ chết và trách nhiệm tại ai?
 
Tờ báo Đất Việt bức xúc:
 
"Thật sợ hãi biết bao khi trước những tai họa mà người dân đang hàng ngày gánh chịu, những người chịu trách nhiệm là đại-biểu-của-dân, để bảo vệ quyền lợi của dân lại im lặng, thờ ơ, vô cảm thế này.


Sự thờ ơ, nín câm, vô cảm này đang gây ra “nhân tai” cho chính chúng ta, và cái thứ “nhân tai” này mới đáng sợ làm sao, ghê rợn hơn nhiều “thiên tai” khi nó đến từ sự dốt nát và lạnh lùng của chính con người".

   
Sự bức xúc của tờ Đất Việt chỉ đúng một phần. Xả lũ không thèm báo trước, gây nên cái chết cho hàng chục người là một tội ác tàn nhẫn, là tội phạm hình sự. Không mấy khó khăn để xác định ai là người ra lệnh, ai là người thực hiện mệnh lệnh. Phải đưa họ ra trước toà án và phải bồi thường thiệt hại về người và của cho dân chúng, nếu như còn có một cái gì đó được gọi là luật pháp.
 
Ở đây cần nhấn mạnh rằng, không phải là "sự dốt nát và lạnh lùng" của những con người cụ thể, như tờ báo viết, mà là hậu quả đau lòng tất yếu từ hệ thống chính trị. Một hệ thống mà trong đó, quyền và tiền đã làm mờ ảo, bất chấp mọi giá trị nhân văn. Còn hệ thống chính trị này, dân nghèo còn khổ và không bao giờ hết được cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" và còn chịu đựng cả thiên tai và "nhân tai".
 
Mất mùa bởi tại thiên tai
Chết người cũng bởi... "thiên tài" đảng ta!
 
Nhưng đáng buồn hơn là không hề thấy sự phản kháng nào của người dân. Có vẻ như mọi thứ chỉ dừng lại ở sự ca thán, bực dọc, phẫn nộ. Tinh thần phản kháng đã tắt lịm trong nỗi thống khổ bị đè nén hàng chục năm và sự cam chịu của thân phận nô lệ. Dường như người nông dân lao động không hiểu thế nào là hạnh phúc và công bằng xã hội. Tiếng kêu của họ từ cơn hồng thuỷ chỉ vọng vào đêm tối của lợi ích quyền-tiền, nơi mà lũ ma quỷ mang mặt người thi nhau nhảy múa.
 
© Lê Diễn Đức - RFA