Song Chi.
Ai dám bảo quan chức VN vô cảm? Báo chí đưa tin: “Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi “rất đau đớn, rất xót xa” (Báo Lao động), “Bộ trưởng Y tế: Tôi choáng váng” (Tin tức online),“Sau khi cuộc họp báo kết thúc, Bộ trưởng Vũ Đức Đam bật khóc khi được phóng viên hỏi quan điểm về vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân” (“Không phải việc xảy ra là nghĩ ngay từ chức”, VietnamNet).
Trước đó thì “Bộ trưởng Vũ Đức Đam đau xót về vụ nhân bản xét nghiệm” (Báo Mới), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “Thấy những lĩnh vực của đất nước còn yếu kém thì xót xa, xấu hổ lắm”(Giáo dục Việt Nam)…Riêng ông Trương Tấn Sang còn nhiều lần phát biểu những câu đầy “day dứt, ưu tư” khác nữa.
Như vậy, ngược lại với định kiến của nhiều người, chính khách, quan chức VN tỏ ra rất…dồi dào tình cảm, và rất chịu khó bộc lộ các cung bậc cảm xúc khác nhau khi cần thiết, trước những sự kiện, vấn đề nóng của xã hội.
Vấn đề là…sau những đau đớn, xót xa, phẫn nộ, choáng…đó rồi thì sao? Họ sẽ làm gì?
Báo Tin tức Online có bài “Bộ trưởng dễ rơi nước mắt, khó quy trách nhiệm”, cũng lại nói về bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhân vật khiến dư luận phải đề cập đến nhiều nhất trong năm qua vì những sai phạm, tiêu cực nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong ngành Y, nhưng đáng nói hơn là thái độ, phát ngôn, cách xử lý của bà Bộ trưởng sau mỗi vụ việc.
Ngay trong vụ một bác sĩ thẩm mỹ làm chết người rồi ném xác xuống sông Hồng để phi tang mới đây cũng vậy. Khi sự việc xảy ra thì bà Bộ trưởng đang đi công tác dài ngày ở nước ngoài và bà Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã phải ký văn bản thay mặt ngành y tế chia buồn với gia đình nạn nhân đồng thời xin lỗi toàn thể nhân dân.
Một hành động được cho là hiếm có (!) của những người có trách nhiệm trong ngành Y, nhưng nếu bà Bộ trưởng ở nhà thì chưa chắc đã có lời xin lỗi ấy. Bằng chứng là sau khi bà Bộ trưởng về, báo chí bám lấy để hỏi ý kiến về vụ việc nhưng bà…xua tay từ chối trả lời, sau đó tìm cách trốn báo chí cho tới khi lên tiếng chính thức…bằng văn bản!
Trước câu hỏi về việc Bộ Y tế nên xin lỗi, bà Bộ trưởng đã trả lời tránh đi rằng: “Luật pháp quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là những người từ 18 tuổi trở lên nếu có lỗi, họ phải xin lỗi, nếu phạm luật, họ sẽ bị pháp luật trừng trị.” Trong một bài báo khác, báo VietnamNet giật tít: “Bộ trưởng Y tế: quy định có rồi, ai sai người đó chịu”. Thế là rõ rồi nhé. Thế là hòa cả làng nhé.
Chưa hết. Trong phần lý giải về trách nhiệm quản lý nhà nước xung quanh vụ việc, bà Bộ trưởng đã đẩy cả rổ trách nhiệm ấy sang cấp dưới là chính quyền địa phương, lãnh đạo bệnh viện, thanh tra Sở Y tế… vì đã để xảy ra sự việc trong địa phương của mình. Cuối cùng bà trách ngược “truyền thông yếu kém”: “Dẫn đến tình trạng những việc làm được thì không được nêu nhưng khi có “sự cố”, có sai sót thì bị dư luận phản ứng, không phân định rõ nhiệm vụ nào của người trực tiếp gây ra, nhiệm vụ nào là của giám đốc bệnh viện, nhiệm vụ nào là của giám đốc sở, nhiệm vụ nào là của chính quyền địa phương, nhiệm vụ nào của bộ y tế và các sở ban ngành liên quan, dẫn đến bức xúc.” (“Bộ trưởng Y tế: quy định có rồi, ai sai người đó chịu”).
Trước đó trong những vụ như hàng loạt trẻ em tử vong sau khi tiêm vaccine hay vụ “nhân bản phiếu xét nghiệm”, bà Bộ trưởng Y tế cũng xử sự y như vậy, nghĩa là chỉ tìm cách quanh co, đổ trách nhiệm sang chỗ khác, hoặc cho cấp dưới, hoặc cho cá nhân gây ra sự việc, hoặc đẩy sang cho ngành công an điều tra (vụ 3 trẻ tử vong) và nhất định không xin lỗi! Thậm chí như báo chí tường thuật, bà còn quay sang “lên lớp” báo chí vì nói quá nhiều đến chuyện tiêu cực, chắc là ngầm ý trách báo chí lâu nay moi móc ngành Y hơi nhiều? (“Bộ trưởng Y tế lạc đề”, Người Lao Động).
Không bao giờ trong đầu con người chỉ biết lo cho cái ghế, cho “danh tiếng” của mình ấy nghĩ được rằng ở các nước khác thì người đứng đầu ngành phải làm gì khi có chuyện xảy ra, hay tình trạng bê bết của ngành Y Việt Nam hiện tại là kết quả của cả một quá trình dài, là “lỗi hệ thống”và muốn sửa thì phải sửa tận gốc.
Và lần đầu tiên trong lịch sử báo chí của đảng và nhà nước cộng sản VN, tờ Petrotimes đã phải lên tiếng yêu cầu bà Bộ trưởng Y tế từ chức! (“Bộ trưởng Y tế nên từ chức”).
Tuy nhiên, đó là điều không bao giở có trong suy nghĩ của các quan chức VN, không riêng gì bà Tiến. Không những thế, họ còn đỡ đòn cho nhau, như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khi được hỏi về việc này, đã nói:
“Cá nhân tôi không nghĩ rằng, cứ mỗi sự việc cụ thể thì Bộ trưởng nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Mà điều đầu tiên nghĩ tại sao tình hình như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan, do thời kỳ mình chỉ đạo, hay do nhiều thời kỳ dồn lại, quan trọng phải có một quyết tâm, lộ trình, kế hoạch làm sao tình hình tốt hơn với trách nhiệm của mình”. (“Người phát ngôn CP trả lởi câu hỏi “Bộ trưởng Y tế có nên từ chức?”, Người Lao Động).
Có thể có người sẽ nói rằng yêu cầu một cá nhân như bà Tiến từ chức thì cũng chẳng giải quyết được gì. Bởi, với quy trình chọn lựa nhân sự theo kiểu con ông cháu cha, thân thế, quan hệ hoặc chạy tiền chạy chức như lâu nay thì dễ hiểu tại sao quá nhiều người kém tài kém đức lại leo được lên cao, hoặc cho dù có khá hơn một chút thì trong cái cơ chế ấy, guồng máy ấy, người đó cũng chẳng làm được gì bao nhiêu.
Có thể đúng như vậy. Nhưng vì sao khi người dân làm sai thì bị luật pháp trừng phạt, còn quan chức thì được đặc ân không bị gì? Vả lại, phải phạt nặng, phải cách chức ít ra cũng dăm bảy chục người từ trên xuống dưới thì may ra những người khác mới nhìn vào đó mà bớt tham lam, vô trách nhiệm đi. Xã hội mới có thể dần dần xây dựng lại cái văn hóa xin lỗi, văn hóa từ chức, lòng tự trọng… vốn đã biến mất từ lâu trong tự điển của quan chức xứ này và “lây lan” sang cả cách hành xử của người dân.
Về phía nhà cầm quyền, trước sự bức xúc, căm phẫn bị dồn nén căng như dây đàn của xã hội, việc “hy sinh” một số khuôn mặt nổi cộm đang bị dư luận chĩa mũi dùi nhiều nhất, lại là một biện pháp khôn ngoan để làm giảm bớt nỗi oán giận của mọi người.
Lại có ý kiến cho rằng lỗi không hẳn hoàn toàn thuộc về một mình bà Tiến, phải xóa bỏ cả cái cơ chế này thì mọi chuyện mới khá lên được. Ai có lòng với tình trạng hiện tại của đất nước cũng đều mong muốn như vậy. Nhưng việc thay đổi, xóa bỏ cả một chế độ không phải là chuyện ngày một ngày hai, và với một đảng cộng sản đã quá dày kinh nghiệm sau gần 7 thập kỷ cầm quyền như ở VN, lại càng không thể sốt ruột.
So sánh giữa Trung Quốc và VN, hai quốc gia có mô hình kinh tế chính trị xã hội như nhau, cùng do hai đảng cộng sản lãnh đạo và về nhiều mặt, các thế hệ lãnh đạo VN đã tự nguyện làm “học trò” của các thế hệ lãnh đạo TQ, nhất nhất rập khuôn theo TQ. Nhưng thật ra, đường đi của hai nước vẫn rất khác, một phần do cái tầm, cách hành xử của các thế hệ lãnh đạo của mỗi bên.
Các nhà lãnh đạo TQ có tầm nhìn xa hơn, trong mọi mối quan hệ với nước khác họ biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên, trong khi các lãnh đạo VN, đặc biệt là vài thế hệ gần đây, không làm được như vậy. TQ cũng rắn hơn, mạnh tay hơn khi xử lý sai phạm của các quan chức.
Những năm qua TQ đã dám tử hình hoặc kết án chung thân hàng chục, hàng trăm quan tham, dâm quan cao cấp, cỡ Cục trưởng, Bộ trưởng, Thị trưởng hay Bí thư một thành phố. Trong đó có cặp vợ chồng quyền lực ngất trời một thời Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh và vợ, Cốc Khai Lai trong vụ án thế kỷ chấn động dư luận TQ và thế giới…
Chưa kể, TQ còn đang “điều tra đặc biệt” cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Chưa kể, con cái người thân của các quan chức nếu có tội cũng bị lôi ra như Lý Thiên Nhất, con trai một viên tướng trong quân đội đã bị kết án 10 năm tù vì tội hiếp dâm.
Chưa kể, hàng loạt quan chức “ngã ngựa”, bị cách chức, bị tù vì liên quan đến gái, bồ nhí, nhiều quan khác bị “sờ gáy” bắt đầu từ một hành vi, lời nói sai trái của họ bị lọt vào mắt công chúng và bị chụp hình, quay video clip làm bằng chứng.
Trong khi đó VN hầu như không có quan to nào bị xử lý nặng tới mức đó. Tất nhiên chẳng phải vì chính khách, quan chức VN trong sạch hơn.
Không biết điều đó có phải một phần xuất phát từ văn hoá của mỗi nước? Văn hóa người Việt dường như hay cả nể, xuê xoa, “chín bỏ làm mười”, “vuốt mặt nể mũi”, ít khi muốn xử nhau “cạn tàu ráo máng”?
Có thể văn hóa, tính cách chung của người Việt là như vậy, nhưng với người cộng sản, với nhà nước cộng sản thì chưa chắc.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy đảng cộng sản sẵn sàng mạnh tay, tàn bạo với kẻ thù như Pháp, Mỹ và những người ở phía “bên thua cuộc” trong cuộc chiến hai miền Nam Bắc trước kia cho tới tất cả những ai họ cho là đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Từ các chính khách thuộc các đảng phái đối lập thời kỳ đầu, những nhà hoạt động dân chủ, những người bất đồng chính kiến, kể cả người dân bình thường nếu dám lên tiếng chỉ trích nhà nước…đều bị xử nặng, rất nặng.
Nhưng với “đồng chí” với nhau thì họ có cách xử khác. Họ có thể chơi nhau sát ván, kể cả tiêu diệt nhau trong bóng tối hậu trường chính trị, nhưng bên ngoài trước bàn dân thiên hạ thì họ bao che cho nhau, thà cùng chết chung một xuồng còn hơn để cho nhân dân và thế giới thấy sự thối nát của nhau.
Nhớ lại trước Hội nghị TƯ 6 năm 2012, dư luận bên ngoài râm ran đồn nhau chuyến này thế nào ông Thủ tướng nhẹ nhất cũng bị cách chức, toàn những sai phạm to đùng thế kia, nhưng cuối cùng, kết quả là huề cả làng: “Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” . (Trích phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hànhTrung ương Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng.
Khi đọc bài phát biểu này, người ta thấy ông Tổng có lúc nghẹn ngào suýt khóc, không biết có phải vì cảm thấy bất lực, không xử lý được ông Thủ tướng, hay vì…lo lắng, xót xa cho sự tồn vong của đảng, của chế độ?)
Và “bài thuốc” chung để xử lý mọi sai phạm dù nghiêm trọng tới đâu của ông Tổng Bí thư đối với “đồng chí mình” vẫn là “phê và tự phê”:
“Từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo là giữ đúng nguyên tắc, có tình đoàn kết, thương yêu đồng chí; vừa có lý, có tình, vừa phải xử lý nghiêm minh những trường hợp có khuyết điểm, vi phạm, theo phương châm "trị bệnh cứu người", giúp nhau cùng tiến bộ.”
Bên cạnh đó, đảng cộng sản TQ thời nào cũng có được một, hai gương mặt chính khách nổi trội, tạo dấu ấn cá nhân từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình…cho tới Tập Cận Bình bây giờ, đồng thời hệ thống chính trị sau này của TQ cho phép quyền hành lớn nhất tập trung vào tay nhân vật Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, thứ hai là Thủ tướng.
Trong khi đó từ nhiều năm nay trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước cộng sản VN, thiếu vắng một khuôn mặt nổi trội hơn nhờ uy tín hoặc ít nhất, nhờ năng lực để có thể tập trung quyền hành vào tay mình, xử lý mọi việc như Hồ Chí Minh giai đoạn đầu hay Lê Duẩn giai đoạn tiếp theo. Sự làng nhàng như nhau cộng với hệ thống chính trị VN khiến người ngoài nhìn vào không biết rõ ai là người thực sự lèo lái đất nước. Tiếng là 3 người cao nhất, thay vì quyền hành được phân chia rõ ràng, thì lại tạo ra tình trạng không ai chịu trách nhiệm vì trách nhiệm là…của chung.
Sự bạc nhược, tâm lý bao che cho nhau khiến không có một cá nhân nào khi đã leo lên khá cao bị xử lý nặng.
Nên đừng trách gì bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không từ chức, bà ấy sẽ trả lời Thủ tướng sai phạm tùm lum, còn nhất định không từ chức nói gỉ đến tôi, hoặc bao nhiêu người bất tài, có ra gì đâu cũng chưa từ chức vậy tại sao lại là tôi? Và chua chát là điều đó đúng sự thật!
Bài bình luận gần đây