Trong khi Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa chấm dứt thì người dân Hà Nội cảm thấy như có điều gì đó giống như một cuộc đảo chánh của chế độ đối với biến cố tang lễ của ông. Trưa ngày 13 tháng 10 khi xe chở linh cửu đại tướng chưa ra tới phi trường Nội Bài để lên chuyên cơ mang số AVN103 về Quảng Trạch, Quảng Bình để cử hành nghi lễ chôn cất thì công an Hà nội cùng dân phòng đi tới từng nhà người dân yêu cầu hạ cờ tổ quốc xuống ngay lập tức mà không một lời giải thích.
Hành động kém cỏi đặt ra nhiều câu hỏi cho tới khi hàng trăm trang mạng xã hội mang hình ảnh một công văn từ Cục Lễ tân của Bộ Ngoại giao gửi cho UBND thành phố Hà Nội thì người theo dõi câu chuyện mới biết lý do lột cờ một cách thô bạo này của công an Hà Nội: Đón ông Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường!
Nhiều người không vội vã tin vào bức tấm hình chụp lại của công văn mặc dù nó đóng dấu khẩn, người thì cho rằng công văn giả, người thì cố chờ thêm để có thể xác định là đúng hay sai...cho tới khi một công văn khác xuất hiện trên Cổng Thông tin Chính phủ thì nội dung của công văn do Cục Lễ tân đưa ra mới được kiểm chứng. Công văn này có nội dung như sau:
Bộ Ngoại giao Cục Lễ tân Nhà nước.
Số 822 LT-LNĐN ngày 10 tháng 10/2013
Về việc: Đón doàn Thủ tướng Trung quốc Lý Khắc Cường thăm Việt Nam.
Kính gửi UBND Thành phố Hà Nội
Từ 13 tới 15 tháng 10/2013, Cục Lễ tân Nhà nước kiến nghị: vì thời gian đoàn đến sân bay quốc tế Nội Bài vào lúc 12 giờ 50 ngày Chù Nhật 13 tháng 10 /2013 (chỉ sau thời gian kết thúc lễ tang đại tướng Võ Nguyên Giáp 50 phút) để đảm bảo thực hiện đúng nghi lễ nhà nước trong việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế cấp cao đề nghị UBND/TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn Hà nội hạ cờ rủ trước 12 giờ 30 ngày 13 tháng 10/2013.
Cục trưởng Cao Chính Thiện.
Ngay sau đó, công văn trả lời của UBND thành phố Hà Nội trên Cổng Thông tin Chính phủ có nội dung:
UBND thành phố Hà Nội.
Số 5684/VP/VX về việc đón đoàn Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Việt Nam
Kính gửi sở Ngoại Vụ
UBND Thành phố Hà Nội đã nhận được công văn số 822 LT-LNĐN ngày 10 tháng 10/2013 của Cục Lễ tân Nhà nước Bộ Ngoại giao về việc đón đoàn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cưởng thăm Việt Nam trong đó có nội dung đề nghị các cơ quan chỉ đạo có liên quan trên địa bàn Hà Nội hạ cờ rủ trước 12 giờ 30 ngày 13 tháng 10/2013 (Xin gửi bản chụp kèm theo)
Về việc này đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó chủ tịch UBND thành phố HN có ý kiến chỉ đạo như sau:
Giao Sở Ngọai vụ hướng dẫn các cơ quan đơn vị có liên quan thực hiện theo quy định.
Người ký: ông Đỗ Đình Hồng, Phó chánh văn phòng.
Câu chuyện hạ cờ rủ như chúng ta thấy là có thật và lý do chính là chuyến đi của ông Lý Khắc Cường tới Việt Nam. Tuy nhiên có mấy việc cho thấy ngoại giao của nước ta chưa thoát được vòng kim cô từ phương Bắc khiến mọi cử động, tuyên bố, hay xử sự ngay trong nước nếu dính líu tới yếu tố Trung Quốc đều như gà mắc thóc, không đủ sáng suốt của một Bộ mang tên là Ngoại giao, bộ phận quan trọng bậc nhất của một quốc gia chỉ sau Bộ Quốc phòng trong thời chiến.
Rõ ràng là chuyến công du Việt Nam của ông Lý Khắc Cường đã được lên lịch trước đó từ lâu, trước khi đại tướng qua đời và trước khi Bộ chính trị quyết định ngày treo cờ rủ tưởng nhớ đại tướng. Lịch đưa ra khít khao với lúc ông Lý hạ cánh đến nỗi Cục Lễ tân tới giờ chót mới phát hiện ra và gửi công văn kêu cứu với UBND thành phố. Đây là một việc khó thể chấp nhận trong thời đại mà mọi sự có thể tính trước từng phút trong mọi nghi thức.
Bộ Ngoại giao sơ sót hay Bộ Chính trị chủ quan? và khả năng làm rối này là vô tình hay có chủ đích? Khó mà biện luận hay suy đoán khi cuộc đời của vị danh tướng đang nằm đó vẫn dính chặt tới nhiều câu hỏi mà qua nhiều đời Bộ chính trị vẫn chưa chịu trả lời.
Thêm nữa, buổi sáng đưa đám tang, VTV không trực tiếp truyền hình như đã được chỉ thị của Ban tổ chức lễ tang, và buổi chiều hôm ấy sau khi cờ rủ được kéo lên thì VTV tiếp tục đưa tin, truyền hình cho dân chúng. Phải chăng trong khoảng thời gian im lặng này VTV đang chờ một cú phôn cho phép nào đó khi ông Lý Khắc Cường đã được xe chở về dinh Thủ tướng ngang qua Quảng trường Ba Đình nơi mà ông Cường sẽ không cảm thấy khó chịu vì lá cờ không còn rủ nữa?
Những nghi vấn ấy không kết luận điều gì ngoài sự sợ hãi của cả một hệ thống từ trung ương tới địa phương. Sợ hãi một cách khó hiểu và làm tăng "uy tín" về sự độc đoán, ức hiếp mà Trung Quốc luôn áp đặt lên người anh em Việt Nam. Thủ tướng Lý Khắc Cướng chưa chắc đã biết gì về ngày giờ tang lễ để mà hạnh họe nếu ông ta có tư cách của một bà hàng xén. Ngoại giao vốn lấy chữ sợ làm gốc nên thấy đâu cũng đầy những sai lầm có thể khiến nước bạn phật lòng.
Giống như nhà đang có tang, khách phương xa tới thăm thay vì hướng dẫn người ta vào đốt một nén nhang thì lại la hét người nhà cuống quýt dọn dẹp, phi tang những hình ảnh đau buồn của đám tang ấy.
Ngay cả khi Trung Quốc không có một lời chia buồn nào đối với Việt Nam thì cũng không nên lấy làm sợ hãi. Bộ Ngoại Giao nên lấy đó làm kim chỉ nam khi đối phó với một nước lớn nhưng tâm tính quá nhỏ để có cung cách hành xử của một kẻ tiểu nhân.
Liệu kẻ tiểu nhân ấy khi đưa ra đề nghị thành lập những Viện Khổng Tử tại Hà Nội thì phía sau nó có gì mà người Việt cần phải cảnh giác?
Nhanh với người ngoài đến nỗi bất kể sự phán xét của nhân dân đang khóc lóc tiễn đưa đại tướng cho thấy phần nào bức tranh kém cỏi của Bộ ngoại giao trong cách ứng xử được gọi là Lễ tân ấy.
Chữ Lễ phải bắt đầu bằng sự kính trọng người chết chứ không phải chỉ kéo nhanh chiếc màn tang chế che đậy một nghi lễ ngoại giao mà không nói cũng biết đầy những ranh ma quỷ quái.
. . . . . .
Bỏ chuyện cờ rủ, quay lại một chút với lễ tang.
Một người quen khi đọc bài cảm tạ của anh Võ Điện Biên đã tự viết lại theo cách của ông. Mình nghĩ, đây cũng là chia sẻ của người dân trước những gì đang diễn ra trên chính quê hương Quảng Bình của tác giả, nếu ông là Võ thiếu gia thì bài cám ơn sẽ như thế này:
-Kính thưa quý bậc trưởng thượng khắp nơi đang hướng về linh cửu Đại tướng.
-Kính thưa các bậc đồng chí, đồng đội đã và đang hướng về Đại tướng.
-Kính thưa quý vị lãnh đạo chính phủ, quý bậc lão thành cách mạng đã cùng đồng cam cộng khổ với Đại tướng trong gần một thế kỷ qua.
Hôm nay chúng tôi xin đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kính cúi đầu trước quý vị, cám ơn sự thương tiếc, đau lòng qua việc ra đi của Đại tướng. Gia đình chúng tôi tin rằng Đại tướng đang cùng với đồng chí, đồng đội của ông ngồi lắng nghe gia đình chúng tôi than khóc, trong khi đáng ra chúng tôi phải vui mừng vì thân xác Đại tướng đã tan vào miên viễn, chỉ còn lại một linh hồn trong veo như những ngày đầu tiên cùng cả nước tiến vào vùng rừng núi Điện Biên.
Đại tướng đã thực sự thoát ra khỏi những gì mà cuộc đời một danh tướng bị ràng buộc. Đại tướng của gia đình chúng tôi và nhiều người nữa chưa bao giờ mất sự tự hào mà ông dành được trong suốt cuộc đời của ông.
Đại tướng và gia đình chúng tôi cùng chia sẻ với nhau những vinh quang cũng như buồn bã, nhất là trong hơn 1.500 ngày ông chiến đấu một mình với thần chết nhưng không bao giờ đầu hàng như ông từng chiến đấu cho chính số phận của dân tộc và của riêng ông. Ông ra đi thanh thản và những người chung quanh ông chứng kiến sự thanh thản ấy vào lúc 18 giờ 09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013.
Đại tướng Võ Nguyên của gia đình chúng tôi và của nhiều người đã được lịch sử ghi chép, và ông sẽ tiếp tục được ghi chép những chương về sau. Những gì còn thiếu, còn mơ hồ sẽ được viết lại về một quãng thời gian dài ông vắng mặt trong từng bước chân lịch sử của đất nước và con người chung quanh ông.
Đại tướng của chúng tôi và của nhiều người sẽ vô cùng biết ơn nếu ngay trong giờ phút cuối cùng này đừng ai nhắc gì tới những chiến công của riêng ông, mà hãy tiễn đưa ông như một đồng chí thật sự, một người bạn chân thành và một người thầy đơn sơ như ông đã từng.
Cuối cùng của bài cảm tạ hôm nay, chúng tôi xin đại diện gia đình cúi đầu trước tất cả quý vị có mặt tại đây và khắp nơi đang nhìn vào buổi lễ này. Xin được cám ơn từng nén nhang đơn sơ, cám ơn từng tiếng khóc ngập ngừng hay tiếng thờ dài não nuột của mọi người khắp nơi đang hướng về Hà Nội, tất cả đã cùng cộng hưởng giúp cho gia đình chúng tôi một niềm an ủi lớn lao bù đắp lại quãng thời gian dài, rất dài xót xa chờ đợi sự ra đi êm ái của ông.
Xin kính lạy.
Bài bình luận gần đây