You are here

Cơ hội để làm dịu vùng lãnh hải nhiều xáo trộn

Nguyễn An, phóng viên RFA
2008-11-21
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/good-time-to-calm-troubled-waters...

Tầu chiến Trịnh Hoà của Trung quốc hiện đang bỏ neo tại cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm hữu nghị Vịêt Nam dự định kéo dài 5 ngày kể từ thứ ba 18 tháng 11 năm 2008.
Đây là lần đầu tiên một chiến hạm Trung quốc ghé Việt Nam trong bẩy năm qua, sau khi lãnh đạo hai nước thoả thuận sẽ giải quyết những bất đồng tồn tại từ lâu về lãnh hải tại biển Đông, khi gặp nhau hồi tháng trước.
Dưới nhan đề “Cơ hội để làm dịu đi vùng lãnh hải nhiều xáo trộn,” tác giả Michael Richardson có bài viết phân tích tình hình phức tạp trong bang giao Việt Trung hiện nay trên báo The Straits Times phát hành tại Singapore.

Hiện tình bang giao
Mặc dù thể chế giống nhau là cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo, bang giao Việt Trung thật ra rất căng thẳng. Hai nước hiện lại phải đối phó với sự trì chậm của nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, do ảnh hửơng của cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.
Để giảm bớt chiều hướng suy thóai ấy, hai nước đã quyết định dành ưu tiên cho việc tăng cường giao thương cũng như đầu tư qua lại.
Trong bản thông cáo chung được đưa ra khi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung quốc hồi tháng trước, điều được nhấn mạnh là hai nước tin rằng sự hợp tác chiến lược song phương trong hoàn cảnh kinh tế và chính trị phức tạp và luôn thay đổi của thế giới là lợi ích căn bản của hai nước, hai đảng và hai dân tộc.
Theo kế họach đã được thoả thuận vào dịp ấy, thì các công ty Việt Trung được khuyến khích dấn thân vào dự án quy mô lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như các lãnh vực khác, từ công nghiệp hóa chất, vận tải, cung ứng điện đến xây nhà.
Các dự án này dự trù tập trung trong các tỉnh vùng nam Trung quốc và Bắc Việt Nam.
Việc này có thực sự giúp tăng cường giao thương và đầu tư qua lại hay không thì còn phải chờ xem sao, nhưng rõ ràng là việc kinh tế hai nước có gắn bó được với nhau hay không thì tùy thuộc vào việc giải quyết những bất đồng âm ỉ từ lâu liên quan đến tranh chấp đất đai vùng biên giới.
Mặc dù vậy, hai nước đã xác quyết là sẽ hoàn tất cắm mốc trên 1.350km biên giới chung trên đất liền nội trong năm nay, như đã được lên kế họach từ gần 10 năm trước.

Nhiều tranh chấp
Điều được coi là mới trong bản thông cáo chung là hai nước đồng ý bắt đầu nghiên cứu và vẽ bản đồ vùng lãnh hải cũng đang tranh chấp tại vịnh Bắc bộ, cũng như hứa hẹn sẽ cùng khai thác vùng ranh lãnh hải vốn giàu khả năng ngư nghiệp cũng như dầu khí.
Tác giả Michael Richardson nhận định rằng thật ra, vùng biển tranh chấp nặng nhất giữa hai nước Trung quốc và Việt Nam nằm kế tiếp vịnh Bắc Bộ về phía nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoàng Sa thì đã bị Trung quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hoà hồi năm 1974, khi Bắc Kinh và Hà nội là đồng minh trong cuộc chiến chống lại Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà tức miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Từ đó đến nay, Trung quốc không ngừng củng cố phần lãnh thổ đã chiếm được với các căn cứ quân sự. Điều này gần như ai cũng biết, nhưng Hà nội mới chỉ xác nhận gần đây, khi Đại sứ Lê Công Phụng trả lời nhà báo Lý Kiến Trúc:
“Chúng ta là những người đầu tiên đến đó. Cho đến mãi cuối những năm 60 thì cái đội Hòang Sa của chúng ta, do chính quyền phía Nam, vẫn còn quản lý. Và quân đội của chính quyền miền Nam vẫn còn quản lý. Việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa thì tham vọng của họ thì ai cũng biết…”
Trường Sa nằm xa hơn về phía nam, trên hải trình nối eo biển Malacca và Singapore với Trung quốc, Nhật và Nam Hàn. Kiểm sóat được Trường Sa chẳng những có thể xây dựng các căn cứ quân sự, mà còn có thể khẳng định quyền đánh bắt hải sản cũng như khai thác dầu khí ở vùng biển nhiều tài nguyên này.
Hiện nay thì cả Trung quốc lẫn Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, nhưng Trung quốc đòi hỏi nhiều nhất. Họ cho là họ có chủ quyền trên hầu hết biển Đông, cũng là biển Nam Trung hoa.
Ngoài ba nước vừa nói, thì Malaysia, Philippin và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, găng nhất vẫn là Trung quốc và Vịêt Nam.
Năm 1988, hải quân hai nước đã đụng độ nhau tại khu vực tranh chấp. Kết quả là hơn 70 bộ đội hải quân của Việt Nam thương vong cùng nhiều chiến thuyền bị đánh đắm.
Năm 2002, một bản quy định hành xử được các nước ASEAN và Trung quốc ký kết, trong khi đó thì một cuộc hợp tác nghiên cứu của các công ty dầu khí ba nước Trung quốc, Việt Nam và Philippin về tài nguyên Hydrocarbon bắt đầu từ năm 2005, hết hạn hồi tháng bẩy năm ngóai đã không được tái tục.

Cơ hội và Giải pháp?
Cũng trong bản tuyên bố chung ngày 25 tháng 10 vừa qua, hai nước thoả thuận sẽ tìm kiếm một giải pháp dài hạn cho vấn đề biển Đông, nhưng không một chi tiết nào được tiết lộ cho thấy làm thế nào có được giải pháp ấy, ngọai trừ một điểm, là nó sẽ phù hợp với công ước về luật biển năm 1982 của Liên Hiệp quốc.
Trong khi đó, thì hai nước có thể cùng nhau tôn trọng bản quy định hành xử và tránh mọi động thái có thể khiến xung đột leo thang. Trung quốc và Việt Nam cũng có thể tìm cách cùng nhau hợp tác thăm dò dầu khí.
Để bắt đầu từ những bước đi dễ thực hiện, hai nước đã đồng thuận cùng nghiên cứu đại dương, bảo vệ môi trường, dự báo thời tiết và trao đổi thông tin về quân đội.
Cũng trong chuyến thăm Trung quốc của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một thoả thuận hợp tác chiến lược cũng đã được ký giữa Công Ty Quốc Gia Dầu Khí Ngoài Khơi của Trung quốc và đối tác phía Việt Nam là PetroVietnam.
Tất cả những thoả thuận đạt được giữa hai phía Việt Trung đều là quan trọng trong quá trình xây dựng lòng tin tửơng lẫn nhau nếu như cả hai phía đều tôn trọng những điều đã nói ra. Đây vốn là điều từ trước đến nay chưa có giữa hai nước về những gì liên quan đến biển Đông.
Dẫu sao chăng nữa thì ngày nay khác với ngày trước ở nhiều điểm. Bắc Kinh rõ ràng muốn các nước Á Châu bớt quan ngại vào khi sức mạnh quân sự của họ đang phát triển.
Về sức mạnh đang tăng lên của hải quân Trung quốc, thì giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc khoa Sử đại học Maine, trong một cuộc phỏng vấn dành cho RFA đã nhận định như sau:
“Lực lượng Hải quân của Trung Quốc càng ngày càng mạnh, nhất là đội tàu ngầm. Họ đang xây dựng hai hạm đội hàng không mẫu hạm đổ bến tại Hải Nam. Họ muốn phô trương với các nước xung quanh và dân họ; nhất là trong lúc kinh tế khó khăn lớn mà họ muốn che giấu khi làm cho dân hãnh diện về lực lượng quân sự.”
Trong tình hình ấy, tác giả Michael Richardson kết luận rằng biển Đông, tức là biển Nam Trung hoa với những vấn đề nhậy cảm của nó chính là nơi để tất cả các bên liên quan trông vào và chờ đợi.

Theo dòng thời sự:
Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc (phần 1)
Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc (phần 2)
Đại sứ VN tại Mỹ trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với TQ (phần 3)
Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc (phần 4)
Đại sứ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn về vấn đề biên giới lãnh hải với Trung Quốc (phần 5)

Mời Bạn tham gia thảo luận về chủ đề này. Hãy bấm vào dòng "Add new comment".