Song Chi.
Nguyên nhân vì sao?
Không phải đến bây giờ ngành Y tế VN mới xảy ra những vụ bê bối. Nhưng với mức độ dày đặc, liên tiếp hết vụ này đến vụ khác, xảy ra ở nơi này nơi kia, vụ việc sau tồi tệ hơn vụ trước…khiến người dân không khỏi bàng hoàng tự hỏi vì sao ngành Y lại đổ đốn đến vậy.
Cái gì cũng có quá trình cả. Mọi lĩnh vực ở VN bây giờ, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội, y tế, giáo dục…đều mang những “căn bệnh” nghiêm trọng trong cơ chế tồn tại của nó, chẳng khác nào ung thư. Nếu khi gốc rễ của “căn bệnh” không được xử lý, chữa trị đến nơi đến chốn mà chỉ “bôi thuốc” qua loa ngoài da, thì chỉ càng ngày càng trầm trọng, bục phát khắp nơi, đủ kiểu. Ngành Y cũng vậy.
Có những nguyên nhân dễ nhìn thấy như sự yếu kém về trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ. Ngành Y ở nước nào cũng là một ngành đòi hỏi cao về tay nghề, “đầu vào” thường được tuyển chọn gắt gao hơn một số ngành khác, thời gian đào tạo lâu dài. Bác sĩ chuyên khoa phải vừa học vừa thực tập cả chục năm mới được công nhận bằng cấp. Nhưng ở VN trong thời gian qua, vấn đề đào tạo của ngành Y lại có những lổ hổng “chết người”.
Báo chí đưa tin “Bộ Y tế kiện Bộ giáo dục” (báo Người Lao Động) vì cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát, tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế. “Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này.
Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.”
Ngay chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng “thừa nhận tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành Y.” Rằng trên thực tế có những cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành, chất lượng đào tạo rất kém v.v…
Chuyện các trường đại học, cao đẳng được cấp giấy phép mở tràn lan, chủ yếu để kinh doanh là chuyện không mới, nhưng có những ngành như Sư Phạm hay Y tế mà cũng cho “đào tạo đại trà” thì hậu quả như thế nào nay đã rõ. Trong việc này trách nhiệm thuộc về cả hai Bộ Y tế và Bộ Giáo dục phải phối hợp với nhau để giám sát chất lượng đào tạo nhân lực ngành Y.
Không những chất lượng đào tạo kém, nhiều bác sĩ, quan chức trong ngành Y còn xải bằng giả, chạy chức chạy bằng để kiếm “ghế” nên chuyên môn nghiệp vụ lắm lúc chưa đạt đến mức của bằng cấp, địa vị mà họ có. Ví dụ như vụ một chuyên viên thanh tra thuộc Phòng thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả (“Thanh tra Sở Y tế…xài bằng giả”, VietnamNet), “Quảng Bình: Hàng chục nhân viên y tế sử dụng bằng giả” (Dân trí)…
Đỉnh cao là vụ ông Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khai gian học vị tiến sĩ tại trường Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhưng thật ra “trường đại học Uppsala Thụy Điển đã cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ không phải văn bằng” (“Thứ trưởng Bộ Y tế khai gian học vị tiến sĩ”, VNExpress). Theo quy định của trường Uppsala, chứng chỉ nói trên cần phải đạt được để tham dự khóa học tiến sĩ.
Không những thế, nhân vật này còn bị phanh phui nhiều vụ bê bối khác. Trên VTC News có cả loạt bài về “Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và những tai tiếng”. Người ta tự hỏi không biết trong số các ông bà quan chức của ngành Y hiện nay có những người nào xài bằng giả, khai gian học vị mà chưa bị lộ chăng?
Như đã chỉ ra ở trên, những sai sót trong ngành Y ở VN không chỉ do yếu kém về chuyên môn mà còn do cung cách phục vụ, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp, nói chung là y đức của nhiều y bác sĩ quá kém và ngày càng tụt dốc.
Ai đã từng bước chân vào các Trung tâm Y tế, bệnh viện công lớn nhỏ ở VN thì đều có lần trải qua kinh nghiệm không lấy gì làm vui vẻ này. Trong khi ở nhiều quốc gia dân chủ tiến bộ, người bệnh khi vào bệnh viện điều trị vừa được hoàn toàn miễn phí mà còn được chăm sóc phục vụ đến nơi đến chốn, đúng nghĩa “bệnh nhân là thượng đế”, từ nhân viên, y tá, điều dưỡng, bác sĩ…lúc nào cũng nụ cười trên môi, nói năng nhẹ nhàng, ân cần chu đáo…
Còn ở VN, bệnh nhân luôn có cảm giác ngược lại là mình đang cầu cạnh, nhờ vả các y bác sĩ, nhẹ nhất thì cũng là nét mặt lạnh lùng, hỏi không muốn trả lời, hoặc tệ hơn còn quát nạt, mắng chửi bệnh nhân. Và như “luật bất thành văn”, người bệnh muốn được cư xử, chăm sóc tốt, điểu trị nhanh chóng thì phải đưa “phong bì”, gặp đâu dúi đó, từ trên xuống dưới, có tiền là thái độ cung cách phục vụ sẽ khác. Nạn “phong bì” đã tồn tại từ nhiểu năm nay trong ngành, như một căn bệnh mãn tính.
Tuy nhiên, nếu chỉ có thế cũng đã là may, rằng chỉ cần đút lót tiền thì sẽ được chữa trị tốt. Đằng này lòng tham của nhiều cán bộ nhân viên y tế đã không còn giới hạn, nên mới có những vụ động trời như “nhân bản” phiếu xét nghiệm hay tráo thủy tinh thể, chỉ vì tiền, bất chấp hậu quả xảy ra cho bệnh nhân.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho các sai phạm trong ngành Y càng ngày càng lan rộng, với mức độ kinh khủng hơn là do xử lý vẫn còn quá nhẹ. Khi xảy ra chết người, cách đối phó thường gặp ở các bệnh viện là tìm cách bao che cho nhân viên, loanh quanh che giấu nguyên nhân thật sự dẫn đến tử vong, khi không thể che dấu được nữa thì xử lý hành chính, kiểm điểm, kỷ luật, ngưng công tác một thời gian hoặc cùng lắm là buộc thôi việc.
Nhưng đó là với y bác sĩ, còn Phó Giám Đốc, Giám đốc BV, quan chức cấp cao trong ngành Y bị xử lý nặng rất hiếm. Có khi, chỉ là chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, ngang bằng hoặc cao hơn, như trường hợp bà Giám đốc BV Răng hàm mặt trung ương TP.HCM Lâm Hoài Phương bị thôi chức vì có rất nhiều sai phạm như lộng quyền, tự lợi, gian dối nhưng lại được chuyển qua… giảng dạy ở trường Đại học Y Dược TP.HCM!
Trong khi có những vụ như “nhân bản” phiếu xét nghiệm hay tráo thủy tinh thể nói trên rõ ràng là tội ác, phải xử lý hình sự chứ không còn là sai sót chuyên môn, kiểm điểm, xử lý hành chính nữa. Nếu áp dụng luật pháp mạnh tay, cứ sai sót nghiêm trọng là phải cách chức, bỏ tù thì có lẽ những kẻ tham lam, vô lương tâm cũng chùn tay bớt.
Chính vì pháp luật chưa xử lý nghiêm nên người dân tức giận, gần đây cứ lâu lâu chúng ta lại đọc thấy thông tin ở một trung tâm y tế hay bệnh viện nào đó có người bệnh bị chết oan ức do sai sót, tắc trách của bệnh viện hoặc không rõ lý do, khiến người nhà bức xúc bao vây đập phá bệnh viện, đuổi đánh cả y bác sĩ…Pháp luật không xử thì dân tự xử, thế thôi.
Còn những chuyện như tự nguyện từ chức thì càng…không bao giờ. Ở VN trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, dường như khái niệm “văn hóa từ chức”, sự liêm sỉ hay lòng tự trọng đều là những món xa xỉ, quý hiếm. Ngành Y cũng vậy.
Đứng đầu ngành hiện nay là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong các quan chức đạt số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất, tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh của Quốc hội vào tháng Sáu, 2013 vừa qua. Đồng thời cũng là một trong các quan chức mà người dân mất lòng tin, thiếu thiện cảm nhất, cùng với “Ông Giao thông” Đinh La Thăng hay “Ông Giáo dục” Phạm Hữu Luận.
Thứ nhất vì từ khi bà Tiến tại vị cho đến nay, những sai phạm trong ngành cứ càng ngày càng nhiều, càng trầm trọng. Bản thân bà Tiến thì lại có rất nhiều câu phát ngôn hoặc việc làm khiến dư luận sửng sốt vì rất …bản năng, theo kiểu nói mà không nghĩ, hoặc rất vô cảm, thiếu trách nhiệm. Nếu muốn liệt kê cho hết những câu nói, việc làm như vậy của bà Bộ trưởng Y tế, e rằng bài viết này sẽ dài…gấp đôi, gấp ba!
Sự bất bình của người dân đối với bà Bộ trưởng Y tế càng lúc càng dâng cao từ cách xử lý của bà qua hàng loạt vụ việc. Từ vụ dịch “tay chân miệng” tràn lan tại 63 địa phương trên cả nước vào năm 2011, trong đó, 20 tỉnh, thành có ca bệnh tử vong với con số 119 người, thì tại buổi gặp mặt giữa Bộ Y tế và báo chí, bà Bộ trưởng vẫn tuyên bố “chưa đến mức phải công bố dịch”; cho tới hàng loạt vụ sản phụ tử vong rồi trẻ em tử vong vì tiêm vaccine nhưng bà Bộ trưởng với trách nhiệm của người đứng đầu ngành không hề có một lời chia sẻ với gia đình các bệnh nhân, hoặc ngỏ lời xin lỗi…
Nhất là khi 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hôm 20 tháng Bảy, thì ngày 21 tháng Bảy bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại dẫn đầu đoàn công tác đi dâng hương, dâng hoa trong lễ khởi công xây dựng Nhà tháp chuông Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, cả hai đều thuộc tỉnh Quảng Trị mà không hề ghé thăm gia đình 3 em bé vừa mới tử vong để an ủi họ một lời.
Và khi báo chí hỏi thì bà bảo “Lịch trình, chuyến bay... đã được bố trí kín lịch. Do vậy, bà không thể bố trí thời gian đi thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong.
“Bộ Y tế cũng đã có đoàn công tác tại Quảng Trị thăm hỏi, chứ tôi không thể trực tiếp đi”, bà Tiến nói.” (“Bộ trưởng Y tế lý giải việc đến Quảng Trị nhưng không thăm 3 trẻ tử vong”, Tiền Phong).
Người dân phẫn nộ, đã có những bài viết, kiến nghị yêu cầu bà Tiến từ chức trên các blog, báo “lề dân”, thậm chí trên facebook đã lập ra hẳn một trang blog “Bộ trưởng Bộ Y tế hãy từ chức” với mục tiêu 10.000 người ký tên đề nghị bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức, hiện tại, ngày 30 tháng Chín, 2013, đã có 9.452 người tham gia.
Nhưng tất nhiên bà Tiến sẽ không từ chức. Ở nước này nếu chưa bị cách chức thì người ta vẫn cứ tiếp tục tại vị, làm gì được nhau nào?
Hệ quả của một chế độ không có dân chủ, người dân không được tự do bầu chọn người xứng đáng vào các cương vị từ thấp đến cao trong bộ máy chính quyền cũng không có quyền “đuổi” những kẻ bất tài, kém đức đi là vậy.
Nguyên nhân sâu xa hơn, xã hội VN trong mô hình thể chế chính trị độc tài dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản VN, luôn tự hào lấy tư tưởng Mác Lênin làm học thuyết chủ đạo, là một xã hội không coi trọng, thậm chí khinh rẻ con người. Sinh mạng con người quá rẻ, bao nhiêu cái chết oan ức do đủ thứ nguyên nhân trời ơi gây ra, chẳng riêng gì trong ngành Y.
Cái xấu cái ác sự không tử tế, bất công tràn lan, diễn ra hàng ngày khiến con người lâu dần chai sạn, tình người ngày càng hiếm hoi. Đó mới là lý do chính vì sao con người đối xử với nhau nói chung và các cán bộ nhân viên y bác sĩ đối xử với bệnh nhân nói riêng, như vậy.
Trong bất cứ quốc gia nào thì giáo dục và y tế cũng rất quan trọng, gắn bó với đời sống người dân. Người dân trong suốt cuộc đời mình rồi cuộc đời của con cái, không thể nào không dính dáng đến trường lớp, bệnh viện, đi học, đi khám bệnh…Có thể không tin vào công an, vào chính quyền cũng chả sao, nhưng nếu đến thầy cô giáo hay bác sĩ mà cũng không thể đặt niềm tin vào nữa thì quả là bi kịch!
Bài bình luận
Đại họa của dân tộc
Ngành y thời Sản