Câu này mới nói rất khó nghe, mà nói lâu cũng khó nghe. Nhưng chịu khó nghe kĩ và nghe người nói giải thích một chút thì đâm ra bùi ngùi, thương cảm cho cả người nói và hoàn cảnh của người đó đang sống, hay nói xa hơn một chút là cái xã hội mà họ đang sống, đang cam chịu.
Người nói câu này cũng là một dân oan mất đất, anh có vợ và ba người con, đứa con đầu của anh vừa tốt nghiệp đại học, đang tìm việc làm. Mảnh đất rộng 500m2 của gia đình anh bị thu hồi, đền bù với giá rẻ mạt, anh không chấp nhận và nhiều lần mang xăng ra để trước ngõ để chờ người ta đến cưỡng chế thì hành động. Nhưng hai bên vẫn đang giằng co, xe ủi xe xúc vẫn đậu thường trực ngoài bờ rào nhà anh trong im lặng.
Điều này làm gia đình anh mất ngủ, đó cũng là cách khủng bố tinh thần mà nhà cầm quyền đã ‘khéo léo” dành cho gia đình anh. Nhiều đêm, giữa khuya, người ta cho xe nổ máy, rồ ga, cả nhà anh thức dậy, chuẩn bị ứng phó, họ lại cho xe tắt máy và đi ngủ. Nhiều lúc bực mình, anh muốn đổ xăng đốt chiếc xe kia nhưng vợ con anh khuyên can.
Cả mấy tháng ròng người ta làm như vậy, gia định anh trở nên hoang mang và mệt mỏi. Khi nghe tin anh Đặng Ngọc Viết đã anh dũng mang súng bắn thẳng vào đầu những quan chức có liên quan đến nhà đất và bắn thẳng vào tim mình để kết thúc cuộc đời.
Anh đưa ra nhận xét: “Viết làm như thế có thông điệp và có tính toán, suy nghĩ rất kĩ, Viết đã bắn vào những cái đầu toan tính, thủ đoạn, máu lạnh để tiêu diệt bớt tội ác cho nhân dân, và Viết bắn vào tim mình để thấy rằng trái tim yêu thương của anh đã rỉ máu vì cái chế độ hiện hành. Khi bắn vào tim, người ta phải chết chậm so với bắn vào đầu, nhưng Viết bắn vào tim, trước tượng Mẹ Quan Âm, để người lắng nghe, thấu cảm nỗi đau và cảm nghiệm được giọt máu đào đang ứa chảy dưới quốc độ Việt Nam… Viết bị báo nhà nước qui chụp tội khủng bố, nếu vậy, mình phải hét to là hoan hô khủng bố bớ làng an ninh!”.
Cách lý giải (nghe có vẻ võ đoán!?) của anh lại cho ra một ý niệm khác về cái chết của anh Đặng Ngọc Viết và mối tương quan xã hội hiện tại dưới chế độ Cộng sản.
Có thể nói rằng, mấy ngày gần đây, mặc dù báo chí trong nước nói nhăng nói cuội, qui chụp anh Đặng Ngọc Viết (cũng như anh Đoàn Văn Vươn trước đây) tội khủng bố. Nhưng người dân lại thấy vui, lại tung hô cho “kẻ khủng bố”. Có thể nói rằng hiếm có đất nước nào lại giống như Việt Nam, một đất nước mà người dân đọc báo, nghe đài (nhà nước) rằng có kẻ khủng bố, mang súng đến bắn vào đầu hàng loạt 5 người và đi tự tử…
Nhưng người dân lại tỏ ra cảm phục “kẻ khủng bố” kia và thấy thoải mái, mãn nguyện vì có 5 cán bộ nhà nước bị bắn, trong đó chết hết 2 người.
Thậm chí, người dân còn bàn tán, hỏi tại sao lại bắn trượt, để cho ba cán bộ sống sót? Cách đặt câu hỏi như thế, ở một quốc gia bình thường, có dân chủ, người ta sẽ lấy làm lạ và suy xét về nhân cách của người đặt câu hỏi.
Còn ở một nước độc tài, toàn trị, man rợ như Việt Nam thì cách đặt câu hỏi như thế, lại cho thấy họ là người có phẩm cách khác thường, có dũng khí và biết suy nghĩ.
Vì sao? Vì chỉ có một người biết suy nghĩ, biết đau đáu cho quê hương, đất nước mới có thể nhìn thấy được nỗi thống khổ của đồng bào, của dân tộc trước sự đàn áp, lấn lướt và bóc lột dưới bàn tay độc tài chuyên quyền, mới đủ thấu cảm và uất hận để thốt lên một câu nghe đầy tâm trạng như thế - hoan hô khủng bố!
Thế còn “bớ làng an ninh” là nghĩa lý gì? Điều này vô hình trung gợi nhắc giai đoạn văn hóa làng xã một thời. Cái thời mà mỗi làng nằm khuôn giới trong lũy tre, mỗi xóm nằm xúm tụm trong một lũy rào tre hoặc hàng rào keo. Cứ mỗi khi tắt lửa tối đèn, mỗi khi phải gió, trở trời, người ta cũng kêu “bớ làng, bớ xóm” sang giúp một tay. Gặp chuyện trộm cắp cũng “bớ làng bớ xóm”, vợ chồng gây gỗ, chồng đánh vợ, vợ không biết kêu ai cũng “bớ làng bớ xóm sang cứu tôi!”.
Cái thời ấy tưởng qua đã lâu, khi mà hệ thống an ninh từ thời Việt Nam Cộng Hòa của những năm trước 1975 cho đến thời an ninh Cộng sản của những năm sau 1975, có gì trục trặc, thắc mắc, gặp sự cố an ninh gia đình, người ta lại chạy đi báo an ninh, nhờ an ninh phân xử, nhà bị trộm đi báo an ninh, gặp cướp cũng đi báo an ninh…
Nói chung là an ninh đã thay thế vị trí cứu hộ cho làng xóm (mặc dù làng xóm vẫn còn chung tay giúp đỡ, giải quyết hậu quả và làm chứng…), an ninh trở thành nơi để người dân phó thác niềm tin nào đó về sự an toàn có tính cộng hưởng xã hội.
Hay nói khác đi, an ninh đảm bảo giải quyết vấn đề hơn hàng xóm, chính vì thế mà gặp cướp, người ta không còn “bớ làng” nữa mà chỉ cần truy hô “Cướp! Cướp!” thì an nình sẽ vào cuộc truy bắt.
Thế nhưng, trong thời đại mà ngành an ninh thế giới đã công nghệ hóa tận chân răng, an ninh mỗi nước đều được trang bị tối tân, người dân Việt Nam lại có câu “bớ làng an ninh” là nghĩa gì?
Nếu xét về cấu trúc câu, vế thứ nhất: “bớ làng” đóng vai trò cảm thán, cầu viện đồng minh, tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía người làng xóm.
Vế thứ hai: “an ninh” đóng vai trò đối tượng cần truy đuổi, đối tượng gây hấn, gây mất an ninh cho bản thân người truy hô.
Hay nói cách khác là thay vì người ta kêu: “Bớ làng cướp!”, thì bây giờ, người ta lại kêu “Bớ làng an ninh!”.
Như vậy, an ninh thế vị của cướp trong câu cầu khẩn này! Trong một đất nước mà ngành an ninh chỉ tập trung vào việc theo dõi, điều tra lai lịch và làm khó, thậm chí trấn áp, đàn áp, đánh đập, bắt bớ, bỏ tù những người yêu nước chân chính bằng cách gán cho họ cái tội “phản động”.
Trong khi đó, đầy rẫy tội phạm tung hoành ngang dọc ngoài đường, tội ác ngày càng gia tăng, sự man rợ làm cho con người trở nên co cụm… thì an ninh chỉ làm qua loa chiếu lệ. Thì thử hỏi, liệu người dân có còn tin vào an ninh nữa hay không? Đó là chưa muốn nhắc đến an ninh giao thông ra đứng đường, chặn xe phạt vô tội vạ chẳng khác nào cướp ngày.
Như vậy, người dân không xem an ninh là kẻ cướp thì họ biết xem là gì? Và cái câu anh bạn thốt lên nghe đầy tâm trạng: “Hoan hô khủng bố! Bớ làng an ninh!”, nghe ra không lạ chút nào trong hiện tại. Không chừng, nếu quyết định chọn con đường tiếp tục sống và đấu tranh, chống cái ác, anh Đặng Ngọc Viết sẽ trụ trong lễ đài Quán Thế Âm để cầu cứu ngài che chở, lắng nghe nỗi oan ức của anh. Và khi an ninh xuất hiện, anh lại vừa chiến đấu vừa kêu: “Bớ làng an ninh!”.
Nhưng anh đã chọn con đường quyên sinh! Bài viết này xin xem như một nén tâm nhang kính cẩn gửi đến vong linh anh Đặng Ngọc Viết - người đã going lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang ngủ quên trong tội ác và cũng là người đã châm ngòi nổ cho lòng tự trọng, bảo vệ lẽ phải đến cùng, phẩm hạnh và giá trị của tự do, tự chủ trong mỗi người!
Bài bình luận gần đây