You are here

"Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta"

Lê Diễn Đức

Vào ngày thứ Ba, 10/09/2013, trên tờ An Ninh Thủ đô đăng bài "Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta".
 
Cần phải nói rõ, không những nó không phù hợp mà rất rất không phù hợp, bởi vì thể chế chính trị của Việt Nam hiện tại, ai cũng biết, là thế chế toàn trị (totalitanism).
 
Chủ nghĩa toàn trị được định nghĩa là "sự cố gắng động viên toàn thể dân chúng trong việc hỗ trợ hệ tư tưởng của nhà nước và sự không khoan nhượng đối với những hoạt động không hướng về mục tiêu của nhà nước, trấn áp kèm theo, hoặc là sự điều khiển của nhà nước đối với công đoàn lao động, nhà thờ hoặc là các đảng phái chính trị".
 
"Các chế độ toàn trị duy trì quyền lực chính trị bằng các công cụ như cảnh sát mật, các biện pháp tuyên truyền được gieo rắc qua các phương tiện truyền thông, các quy định và các hạn chế về tự do ngôn luận, việc sử dụng sự giám sát bằng truyền thông và việc sử dụng phổ biến các chiến thuật khủng bố".
 
Thế nhưng tác giả bài viết lại đi bao biện cho thể chế chính trị này.
 
Tác giả cho hay, "lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ suý cho việc thực hiện cái gi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản... Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta".
 
Trước hết, về tam quyền phân lập cần được hiểu như sau:
 
"Tam quyền phân lập hay còn hiểu theo nghĩa phân chia quyền lực là một mô hình quản lý nhà nước với mục tiêu kiềm chế quyền lực để hạn chế lạm quyền, bảo vệ tự do và công bằng pháp luật. Mô hình và khái niệm này được biết đến từ lâu, ít nhất là từ thời La Mã cổ đại và được thể chế hóa trong hiến pháp hiện đại của rất nhiều quốc gia, trong đó có Hiến pháp Hoa Kỳ, Hiến pháp CHLB Đức. Trong mô hình này, quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được tách biệt và giao cho ba cơ quan độc lập khác nhau thực hiện và qua đó ràng buộc, kiểm tra và giám sát hoạt động lẫn nhau. Theo thể chế này, không một cơ quan hay cá nhân nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của một quốc gia.
 
Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra".
 
Cần phải xác định rằng, nhân loại đã sáng tạo ra nhiều mô hình thể chế, nhưng chưa có mô hình nào tốt đẹp hơn thể chế dân chủ tự do, trong đó người đại diện cho nhân dân nắm chính quyền, cai quản đất nước được bầu chọn qua bầu cử tự do.
 
Thể chế chính trị dân chủ được thiết lập bằng các định chế lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (toà án). Ba định chế này độc lập, cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Tại quốc hội, cơ chế đa đảng cho phép các đảng đối lập theo dõi mọi hoạt động của đảng cầm quyền, phê phán, chỉ trích các chính sách sai lầm, ngăn ngừa tối đa việc lạm quyền của hành pháp. Ngành tư pháp độc lập sẽ xét xử công minh và công bằng các trường hợp vi phạm pháp luật.
 
Tác giả bài viết rất lộng ngôn khi nói:
 
"Ở nước ta, nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước, quyền lực đó chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất dưới sự giám sát của nhân dân, chứ không thể phân chia, chia cắt, phân rã. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được bảo đảm thực hiện bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp (tức là nhân dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước) và dân chủ đại diện (tức là nhân dân phân công và ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước)".
 
"Nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị"?
 
Đúng là nói lấy được! Cơ cấu nhân sự lãnh đạo nhà nước đều do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sắp xếp, theo tinh thần "đảng cử dân bầu". Hơn 90% đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản. Trong khi đó, ĐCSVN chỉ chiếm hơn 3% dân số cả nước, tự cho mình độc quyền lãnh đạo, cai quản đất nước. Vậy đâu là quyền lực của nhân dân, đâu là "nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", đâu là sự "trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước"?
 
Không có bầu cử tự do nên nhân dân cũng không bao giờ là "dân chủ đại diện (tức là nhân dân phân công và ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước)".
 
Đến quốc hội, được gọi là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nuớc, "đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân", cũng chỉ là công cụ của ĐCSVN, chỉ làm mỗi việc hợp thức hoá, hành chính hoá các quyết định của ĐCSVN, nhất nhất mọi ý kiến đều phải tuân thủ chủ trương, đường lối của ĐCSVN.
 
Mô hình thể chế tam quyền phân lập không phải chỉ dành cho nhà nuớc tư sản (nhà nước Việt Nam hiện nay cũng là nhà nước tư sản đó thôi!) mà là dành cho mọi quốc gia tiến bộ. Nó chưa phải là mô hình hoàn hảo nhưng cho đến nay, chưa có mô hình nào hợp lý và tối ưu hơn. Cho nên “Tam quyền phân lập ”không phải "có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới" mà phù hợp với tất cả.
 
Chỉ có những kẻ theo đóm ăn tàn, sống cộng sinh trên nhà nước độc tài để hưởng lợi, khư khư giữ độc quyền, lãnh đạo, cai quản đất nước, thì mới ngụy biện bào chữa cho nó.
 
Willson Churchill, cựu Thủ tướng Anh, đã có lúc nói đùa rằng, "với nhiều hợp lý, dân chủ là mô hình tệ nhất của một chính phủ, ngoại trừ tất cả các mô hình được biết cho đến nay". Tức là, không phải hoàn hảo, nhưng là tốt nhất mà nó có thể phục vụ cho nhân loại trong lịch sử. Chỉ những ai đã sống trong hệ thống không dân chủ mới có thể hiểu biết đầy đủ các giá trị dân chủ.
 
Còn Karl R. Popper viết: "Bất kỳ ai sống trong các điều kiện của mô hình quyền lực độc tài, người đó sẽ hiểu rằng, dân chủ, dù chưa hoàn thiện, nhưng nó tạo nên một điều gì đó để chiến đấu, và vì cái gì đó cần phải chết".
 
Cho nên, tác giả bài viết chắc chắn phải là một con cừu, môt dư luận viên hạng bét, nên mới quá ấu trĩ, ngây ngô khi nói:
 
"Tôi hoàn toàn đồng tình với quy định tại Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
 
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự đã phản bội lại giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức, độc quyền tự tung tự tác, một mình một chiếu, một mình một sân, vừa đá bóng vừa thổi còi và tự kiểm soát chính mình.
 
Lập pháp, hành pháp và tư pháp chỉ là những thứ phô ra trình diễn với bàn quan thiên hạ, chịu mọi sự không chế và khuynh loát của ĐCSVN.
 
© Lê Diễn Đức - RFA Blog