Song Chi.
Trở lại vụ scandal ồn ào về những lời nhận xét thẳng thừng của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đối với giọng hát, phong cách hát của một số ca sĩ ngôi sao hiện nay và phản ứng thái quá của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gần đây, chúng ta có dịp giật mình nhìn lại một vấn đề cũ mèm, đã tồn tại từ lâu: sự thiếu vắng những lời phê bình thẳng thắn, có trách nhiệm, thiếu vắng những cây bút lý luận phê bình có tâm, có nghề trong môi trường âm nhạc.
Và không chỉ có âm nhạc. Điện ảnh, hội họa, sân khấu, điêu khắc…cũng vậy. Có thể chỉ riêng văn học là thỉnh thoảng còn có những cuộc tranh luận mang tính chuyên môn, học thuật của những người trong nghề với nhau.
Bởi vì so với chuyên ngành sáng tác, biểu diễn, những ngành lý luận phê bình thường có số lượng người học và chuyên tâm làm nghề ít hơn hẳn.
Trong bài “Chỉ khen, không được chê” đăng trên blog RFA, người viết cũng đã nhắc lại một thực tế là những nhà báo đi viết về những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không phải ai cũng là nhà lý luận phê bình, được học hành bài bản, hoặc làm trong những lĩnh vực này để có hiểu biết đúng về chuyên môn.
Tình trạng này cũng được chỉ ra trong bài “Phê bình điện ảnh và chuyện “Ai bảo anh chê con tôi xấu”, trên báo Dân Trí:
Lẽ ra, lý luận phê bình phải là nền tảng, là “xương sống” của một nền điện ảnh. Nhưng, điện ảnh Việt Nam đang “thả nổi”, đang tồn tại mà không có bất kỳ nền tảng lý luận phê bình nào.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã giải thích cho “bi kịch” này bằng một hiện trạng… đau xót. “Năm nay, khoa Lý luận Phê bình của Đại học Sân khấu Điện ảnh không nhận được hồ sơ nào đăng ký dự thi. Hai năm khoa mới tuyển sinh một lần. Gần như chẳng có ai theo học. Nếu có, khi ra trường- hơn 90% sinh viên lý luận phê bình điện ảnh chuyển nghề. Họ làm việc khác. Không ai có thể kiếm sống bằng nghề viết lý luận phê bình điện ảnh cả!”.
Không chỉ riêng ngành lý luận phê bình, trong xã hội VN lâu nay đang có một tình trạng mất cân đối trong việc chọn ngành nghề để học, để làm, dẫn đến những hệ quả lệch lạc khá rõ.
Sự mất cân đối bắt đầu từ khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường bậc trung học. Từ sau 30.4.1975, trải qua mấy đợt “thử nghiệm” những cách phân ban khác nhau, hệ thống phân ban bậc trung học phổ thông (lớp 10,11,12) ở VN hiện tại như sau: ban Khoa học Tự nhiên, trong đó các môn phải học nhiều, học nâng cao là Toán-Lý-Hóa-Sinh, ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, các môn phải học nhiều là Văn-Sử-Địa, và ban Cơ bản, các môn học nhiều là Toán-Văn-Ngoại ngữ.
Việc phân ban này chủ yếu nhằm phục vụ cho việc thi vào Đại học, được chia thành các khối A (Toán, Lý, Hóa), khối B (Toán, Hóa, Sinh), khối C (Văn, Sử, Địa), khối D (Toán,Văn, Ngoại ngữ).
Trên thực tế, số lượng học sinh chọn vào ban Cơ bản, còn gọi là ban không phân ban, thường cao nhất. Nguyên do chính có lẽ do các em chưa chắc chắn sẽ thi đại học ngành nào, thuộc khối nào. Trong khi đó ban Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn luôn có số học sinh ít nhất.
Trích bài “Phân ban THPT thất bại!” (báo Gia đình):
“Từ năm học 2008-2009, cả nước có gần 84% học sinh lớp 10 học Ban Cơ bản, chỉ hơn 14% học sinh học Ban Khoa học Tự nhiên, xấp xỉ 2% học sinh học Ban Khoa học Xã hội & Nhân văn.”
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chương trình phân ban như vậy là không thành công.
Đến khi thi đại học, số học sinh chọn thi vào khối C (Văn, Sử, Địa) lại càng ít. Vì cơ hội nghề nghiệp ít. Ngay cả nếu cùng thi vào trường đại học Sư phạm hay đại học Tổng hợp, các chuyên ngành Toán-Lý-Hóa-Sinh hay Ngoại ngữ vẫn được thí sinh chuộng hơn Văn-Sử-Địa.
Còn một nguyên khác, sâu xa hơn: các môn học Văn-Sử-Địa được dạy ở trường trung học phổ thông lâu nay thường nặng tính chính trị, tính tuyên truyền, khiến học sinh đâm ra chán ngán, không hứng thú học.
Môn Văn chủ yếu học văn trong nước mà nhiều nhất là văn học cách mạng, và chỉ học truyện ngắn, thơ, còn tiểu thuyết thì học trích đoạn nên nếu em nào lười, không tự đọc trọn tác phẩm thì sẽ không hiểu hết, cảm hết cái hay của tác phẩm, rồi lại dạy theo kiểu đọc-chép, làm các em chán. Môn Sử thì cũng học lịch sử của đảng cộng sản VN là chính, nặng tuyên truyền, thiếu khách quan, thiếu tính cập nhật những gì đang diễn ra trong nước và trên thế giới…
Hệ quả thứ nhất, thường chỉ có sinh viên học yếu các môn khác mới chọn các ngành Văn, Sử, Địa (!). Chất lượng “đầu vào” như vậy, làm sao chất lượng “đầu ra” khá được?
Hệ quả thứ hai, các ngành khoa học xã hội nhân văn ngày càng thiếu người. Những chuyên ngành như Triết học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh…còn hạ giá hơn. Từ năm 2013, hai chuyên ngành này được đưa vào danh sách miễn học phí 100% cho sinh viên, nhưng cho dù miễn phí, cũng chưa chắc đã khuyến khích được sinh viên chọn vì những ngành này khi ra trường, nghề nghiệp không đảm bảo được đời sống.
Trích “Bổ sung đối tượng được miễn học phí” (Dân trí):
Theo Nghị định 74/2013/NĐ-CP mới bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí gồm: sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh - sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh…
Ở các nước khác, nhìn chung những ngành nghề hái ra tiền và được trọng vọng như Y, Dược, Luật, Kinh tế, Truyền thông (Media)…cũng có số người theo học đông hơn những ngành như Sư phạm Văn, Sử, Địa, Tâm lý học, Triết học…Nhưng vẫn không đến nỗi lệch hẳn, bị đa số học sinh chán không muốn theo học như ở VN.
Chỉ cần so sánh với miền Nam trước năm 1975, Văn khoa, Luật khoa, Triết vẫn là những ngành được ngưỡng mộ, dưới cái nhìn của xã hội những ai theo học các ngành này thường có tâm hồn, sâu sắc hoặc sắc sảo (như luật sư). Học Triết hồi đó là được học đủ các trường phái triết học đông tây kim cổ, chứ không chỉ có mỗi triết học Mác Lênin như bây giờ, thú vị hơn là phải. Giáo sư Văn khoa, giáo sư Triết vẫn sống khá như giáo sư các bộ môn khác, nhờ đồng lương không đến nỗi thấp.
Như vậy vấn đề không phải tại môn học, tại ngành nghề mà là các môn học đó được dạy ở nước ta ra sao, các ngành đó dưới cái nhìn và trong nhu cầu của xã hội như thế nào.
Và một vấn đề hết sức thực tế nữa là thu nhập của các ngành nghề. Ở VN, tâm lý của sinh viên khi không chọn một ngành, nghề nào đó trước hết là do không kiếm được nhiều tiền, thậm chí không đủ sống.
Một nghịch lý to lớn trong xã hội VN là phần đông chúng ta vẫn không sống được bằng mức lương chính thức, chỉ trừ các quan chức lãnh đạo cao cấp, những ông Giám đốc lương “khủng” của các công ty dịch vụ công ích như Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty thoát nước Đô thị TP.HCM, Công ty Công trình Giao thông Sài Gòn, Công ty Công viên cây xanh, mà báo chí dư luận vừa mới mổ xẻ, Giám đốc một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)…
Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác cũng có mức lương rất cao như Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than-khoáng sản (TKV), tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ngành ngân hàng…Tại những nơi này, sự chênh lệch về mức lương giữa giám đốc và công nhân, giữa quản lý và lao động giản đơn thường rất lớn, gấp hàng chục, vài chục lần, dẫn đến sự bất công xã hội.
Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp khối ngoài quốc doanh nếu ăn nên làm ra thì mức lương của các Giám đốc, CEO cũng rất cao, nhưng vì họ hầu hết là người sáng lập, đã cùng công ty vượt qua những thăng trầm trong thời gian dài, ngoài ra họ còn là cổ đông lớn trong công ty, nên việc họ có mức thu nhập cao không làm cho dư luận phải thắc mắc.
Đối với quan chức lãnh đạo ở VN, ngoài mức lương chính thức họ còn có “bổng, lộc” và đây mới là phần thu nhập khổng lồ, không tính được. Còn đối với phần đông người dân, do mức lương chính thức không đủ sống, nên phải sống bằng nghề tay trái hoặc kiếm thêm thu nhập từ nghề chính. Do vậy, những ngành nghề nào không thể đi làm thêm, chỉ có thể sống bằng mức lương chính thức bèo bọt thì ai mà muốn chọn?
Bao giờ VN cũng giống như nhiều nước khác, có cách tính lương đúng đắn, dù làm nghề gì cũng phải đảm bảo được những như cầu tối thiểu của cuộc sống, thì người dân sẽ không cần phải bôn ba chân trong chân ngoài kiếm thêm (tất nhiên, người nào muốn làm giàu, tranh thủ làm một lúc 2,3 job thì tùy).
Và điều quan trọng hơn là thang bậc, tiêu chuẩn đánh giá nghề nghiệp của xã hội. Khi thang bậc đánh giá bị lệch sẽ dẫn đến việc mất cân đối trong lựa chọn ngành nghề.
Một xã hội mà những ngành khoa học xã hội nhân văn vốn dính dáng tới tâm hồn con người bị rẻ rúng, chỉ chuộng những ngành kiếm ra tiền là một xã hội lệch lạc, khập khiễng trong nhận thức, đánh giá về nghề nghiệp. Điều đó sẽ tác động đến nhận thức, quan điểm của từng cá nhân khi bên trọng, bên khinh ngành này, nghề khác.
Bài bình luận gần đây