Kami
-
Một người tử tế, khi nghe một người nói một điều giả dối thì họ sẽ có cảm giác mình bị xúc phạm và bị coi thường. Nói như thế nghĩa là người nói dối là người không tử tế và với người tử tế thì không nói dối. Nhưng cảm giác đó sẽ khác nhau, tùy theo người nói ra điều giả dối ấy họ là ai?
Nếu điều giả dối ấy là do một đứa trẻ nói ra thì chỉ là chuyện nhỏ, ta sẽ dạy bảo nó bằng những lời khuyên để nó bỏ tật nói dối. Vì với một đứa trẻ hư, từ chuyện nói dối đến chỗ có hành động ăn cắp thì chẳng là mấy. Nhưng ngược lại, người nói dối là người lớn, là quan chức và đang giữ một cương vị quan trọng thì đó là một điều khó tha thứ. Vậy mà ở Việt nam, những chuyện liên quan đến sự dối trá, đặc biệt là sự dối trá của các quan chức giờ đã thành chuyện thường ngày, chuyện bình thường. Các câu chuyện đối trá của quan chức tuy khác nhau về nội dung, song đều có chung một mẫu số. Đó là sự giả dối.
Từ sự giả dối...
Hôm vừa rồi, dư luận xã hội "giật nảy" mình khi biết ngày 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Ông Dũng cho biết, muốn khẳng định có mại dâm hay không cần phải có chứng cứ. Nhưng quá trình kiểm tra cơ quan chức năng có phát hiện các tiếp viên nhưng họ có hợp đồng lao động với các cơ sở dịch vụ nên rất khó xử lý.
Sở dĩ ai cũng giật mình vì phát biểu trên, vì chuyện tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam định) những địa điểm nghỉ mát được mệnh danh là "Thiên đường sung sướng" là thực tế quá rõ ràng không thể chối cãi. Không phải vì câu ca "không đi thì không biết Đồ sơn/ Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà" đã lưu truyền từ hàng chục năm nay kể từ khi nhà nước mở cửa kinh tế. Chuyện ấy, không phải chỉ riêng người Đồ sơn biết, người Hải phòng biết mà cả nước biết. Ngay cả báo chí nhà nước cũng nói tới chuyện nhức nhối này, mà họ dùng cụm từ "mắt nhắm mắt mở" để biện minh cho tình trạng này. Theo báo Lao động đã khẳng định "Trong “bảng tổng sắp” những điểm du lịch có “dịch vụ” mại dâm cao nhất cả nước thì Đồ Sơn (Hải Phòng) luôn giữ vị trí số 1. Chẳng một cơ quan chức năng nào thừa nhận, nhưng ai cũng biết cùng với casino Đồ Sơn thì mại dâm chính là một “sản phẩm du lịch” thu hút phần lớn khách đến với bãi biển này." .
Hãy nghe ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch TP Hải Phòng, khẳng định "Tôi đọc thông tin trên báo chí và thấy rất bất ngờ. Tôi phụ trách mảng này và khẳng định không có lãnh đạo Hải Phòng nói hay báo cáo là Đồ Sơn không có mại dâm. Chúng tôi phải nói nghiêm túc là vẫn còn mại dâm, chỉ có nhiều hay ít so với trước đây. Nếu không có mại dâm thì chúng tôi xây dựng trung tâm 05 (trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội dành cho gái bán dâm) làm gì. Như vậy, nói không có mại dâm ở Đồ Sơn là vô lý"
Chuyện sờ sờ ra như thế, ai cũng biết, người trong cuộc nói như thế vậy mà lãnh đạo cấp Cục ở một Bộ chịu trách nhiệm trước nhà nước về vấn đề tệ nạn xã hội lại phát biểu là không biết và không có thì là sao?
Cũng một chuyện nữa khiến cho dư luận xã hội phát chán không kém, đó là chuyện phát biểu tại Hội nghị sơ kết dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ ĐH tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã thuộc 63 huyện nghèo hôm nay (26/6) tại Hà Nôi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong các trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch các xã nghèo phấn đấu trở thành đảng viên. Vì theo ông Nguyễn Tấn Dũng thì "Vào Đảng không phải để lên chức mà để thực hiện lý tưởng cao đẹp, xây dựng đất nước".
Trên thực tế hiện nay, động cơ vào đảng của hầu hết các đảng viên là để tiến thân nhờ có chức có quyền. Vì theo quy định muốn làm lãnh đạo thì phải là đảng viên, đây cũng chính là lý do vì sao đảng CSVN luôn khẳng định duy trì điều 4 như một đặc quyền của Hiến pháp. Việc duy trì chế độ độc đảng là một biểu hiện của sự tham lan, ích kỷ và trái đạo lý. Mà hậu quả của nó đã làm cho mọi mặt kinh tế, xã hội của đất nước be bét ở mức chưa từng có. Vậy mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nói đến chuyện vào đảng là để thực hiện lý tưởng cao đẹp, xây dựng đất nước. Nếu nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì ngoài hơn 3 triệu đảng viên đảng CSVN thì phần còn lại của xã hội không còn ai có lý tưởng xây dựng đất nước hay sao? Đó là một điều giả dối, dối trá, mà lẽ ra ở cương vị một vị Thủ tướng không được phép nói ra điều như thế.
Vì như vậy là sự xúc phạm và coi thường những người ngoài đảng, không phải là đảng viên.
Với ông Nguyễn Tấn Dũng, bài học mà Nghệ sĩ Kim Chi dành cho ông khi phát biểu rằng "Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm.". Người có lòng tự trọng và sự dũng cảm họ đã nói như thế hẳn ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhớ? Nói như thế là sòng phẳng, xin khuyên ông Thủ tướng nên suy nghĩ vấn đề này cho nghiêm túc.
... đến sự lấp liếm và coi thường dư luận
Việc phát ngôn hay hành động của một số các quan chức và các cơ quan nhà nước không biết do sự ngẫu hứng hay trình độ hạn chế của họ. Điều đó đã khiến dư luận băn khoăn về ý thức trách nhiệm trước xã hội trong cương vị những người chịu trách nhiệm trong bộ máy điều hành nhà nước.
Khi nhà nước tổ chức trưng cầu người dân góp ý và báo chí là kênh thông tin để các cơ quan chức năng có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với luồng ý kiến, đóng góp của dư luận xã hội. Thì ông Đinh Mạnh Toàn (Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH - Bộ Công an) phát biểu tại một cuộc hội nghị của Bộ GTVT rằng “các phóng viên đó có lẽ... thiểu năng gì đó”. Hay chuyện ông Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đã “chê” dân khi cho rằng "Những người rút tiền qua thẻ ATM, là quen hít khí trời, hưởng gió biển nên thấy khó là kêu...".
Và gần đây, khi bị dư luận phê phán chuyện gian hàng triển lãm của Việt nam ở Đức có treo ảnh quảng cáo nhầm danh thắng của Trung Quốc, thì ông Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch lại nói một cách vô trách nhiệm rằng “Cái chuyện đến gian hàng nước này hỏi tour nước khác là chuyện bình thường, vì một số nước Châu Á cũng na ná giống nhau”...
Đó là các ví dụ về thái độ coi thường công luận cũng như người dân của các quan chức nhà nước, tuy những vụ việc đó phàn nào là cho mọi người bực mình. Song có lẽ cũng không bằng nhưng chuyện đại loại như chuyện này. Đó là chuyện ông Trần Đức Mậu (nguyên tổng Giám đốc Tổng công ty Thủy lợi 4, kiêm Giám đốc Ban điều hành công trình thủy điện Sông Tranh 2) đã được cơ quan tố tụng cho rằng đã mắc chứng rối loạn cảm xúc trước và sau khi vòi đối tác 500 triệu đồng "bôi trơn" là một chuyện bi hài. Cho dù Tòa đã xác định đây là một hành vi nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Được biết, trong quá trình hợp tác làm ăn, ông Mậu đã gây khó khăn cho phía đối tác khiến công ty này phải mất rất nhiều chi phí trong việc lưu kho, bảo quản hàng hóa ngay dưới chân công trình. Không những thế, tháng 8/2010, ông Mậu đơn phương chấm dứt hợp đồng, với mục đích buộc cho đối tác phải "thương lượng". Kết quả, hai bên thỏa thuận tiền "bôi trơn" là 500 triệu đồng để nối lại hợp đồng và thu hồi công nợ. Khi không thấy đối tác trả tiền "bôi trơn", tháng 10/2010, ông Mậu ra Hà Nội và gọi điện cho ông Luân, mang 300 triệu đồng đến khách sạn thì bị cảnh sát bắt quả tang.
Một vụ việc phạm tội có tính chất nghiêm trọng, bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo nhận hối lộ với giá trị tài sản lớn, nếu chiểu theo pháp luật bị cáo sẽ phải đổi mặt với bản án trừng trị nghiêm khắc. Vậy mà không hiểu sao, kết cục lại hoàn toàn khác với lý do "đã mắc chứng rối loạn cảm xúc" trước và sau khi vòi đối tác 500 triệu đồng. Đây chỉ là một trong muôn vàn các ví dụ sinh động thể hiện việc bất chấp công lý, sự lấp liếm và coi thường dư luận của các quan chức nhà nước nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung. Điều đó cho thấy, đây là một vấn nạn trầm trọng, đã làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền.
Và hậu quả của nó
Những câu chuyện nêu trên, giờ đã trở thành chuyện bình thường và phổ biến ở xã hội Việt nam. Cho dù sau hàng chục năm khi Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng nhận định rằng "Chúng ta đang ở trong tình trạng nói dối phổ biến, nhưng không ai tự nhận mình nói dối cả!" . Tuy vậy, tình trạng trên cũng không hề có sự thay đổi mà hình như còn ngày càng trầm trọng hơn. Đó là hậu quả của việc, khi sự giả dối lên ngôi, khi quyền lực nhà nước nằm trong tay một phường cơ hội, của những kẻ dốt nát, bất tài và láu cá. Mà họ không biết rằng, họ đã đánh mất một cái lớn nhất của người dân đối với họ. Đó là lòng tin. Điều này, ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thừa biết, vì phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Sigapore vừa rồi ông ta tuyên bố “Nếu không có lòng tin thì không thể thành công, việc càng khó càng cần có niềm tin”. Không có lẽ khi nói điều này ông ta cũng nói dối?
Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng, bây giờ chính quyền nói người dân không tin, nhưng họ lại tin vào những tin đồn thổi. Đó chính là điều đã khiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa phải thú nhận rằng "Không lẽ để vài ngọn gió từ các trang mạng làm lung lay?". Trong khi nhà nước nắm độc quyền truyền thông và báo chí trong tay. Đó cũng là lý do lý giải vì sao trong vụ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực trong hơn ba tuần vừa qua, cho dù truyền thông nhà nước bằng mọi cách lý giải và phản bác nhưng dân chúng vẫn không tin. Cho dù có hình ảnh Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cầm trong tay tờ báo Nhân dân số ra ngày thứ năm 13.06.2013, nhưng cũng không thuyết phục được ai.
Hay một hiện tượng đáng buồn mà không thể không nhắc đến, đó là cho dù chính quyền nhà nước độc quyền thông tin, với số lượng hơn 700 tờ báo in, báo mạng, báo hình, báo tiếng... Song những tờ báo hàng đầu về tầm quan trọng, đó là báo Nhân dân tiếng nói của đảng CSVN, hay báo Hà nội mới tiếng nói của Thành Ủy Đảng cộng sản Việt Nam - Thành phố Hà Nội v.v... hiện nay không có mặt trên các sạp báo bởi không có người đọc.
Tất cả là bởi người dân đã rút ra một chân lý rằng: dối trá, đặt điều là bản chất của chính quyền Việt nam hiện nay ở mọi lúc, mọi nơi và mọi chỗ và không bao giờ họ nói sự thật. Vì công khai và minh bạch là điều luôn khiến họ sợ hãi.
Đây là những hậu quả hết sức đáng lo ngại, thể hiện sự mất lòng tin của người dân đối với chính quyền. Điều này buộc chính quyền nhà nước phải nhìn nhận và có các giải pháp khắc phục một cách nghiêm túc, chứ không thể xem thường.
Kết
Một khi sự giả dối bao trùm trong tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, khi các công bộc của dân quen thói nói vậy mà không phải vậy. Điều này không chỉ thể hiện sự coi thường quần chúng nhân dân cũng như dư luận xã hội, đây là suy nghĩ hết sức sai lầm của giai cấp thống trị. Họ ỷ thế mạnh mà bất chấp sự thật, bất chấp luân thường đạo lý và bất chấp cả công lý. Khi sự giả dối lên ngôi cũng chính là lúc biết bao nguy cơ tiềm ẩn đã và đang hình thành, dần tích tụ và chờ cơ hội để bùng phát. Nên nhớ, việc quản trị một nhà nước cũng cần phải có nguyên tắc đó là coi trọng sự thật, đạo lý và công lý. Thiếu ba điều đó thì không thể có một chế độ nào có thể tồn tại dài lâu và phát triển. Ở Việt nam chúng ta thường nghe nói các thế lực thù địch một cách mơ hồ, không ai biết cụ thể nó là ai, hình hài ra sao. Mà ít ai biết rằng các thế lực thù địch chỉ đơn giản là sự thật, đạo lý và công lý. Điều này ta thấy nó hiện hữu ở các quốc gia văn minh và phát triển, nơi mà đời sống người dân có phúc lợi xã hội cao và quyền con người được tôn trọng.
Còn nhớ, ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội đã từng phát biểu rằng "Cơ chế hiện nay đang tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của của Nhà nước. Không tham nhũng mới là lạ! Nhưng cái mà chúng ta mất lớn nhất lại không phải là mất tiền, mất của, dù số tiền đó là hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ. Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống."
Không biết đến bao giờ mới hết nghịch lý ấy ở Việt nam?
Ngày 04 tháng 07 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây