Lịch sử sẽ ghi dấu tháng Năm này, tháng của những con người còn rất trẻ, những sinh viên, họ đã ung dung bước ra tòa và điềm nhiên nói lên tiếng nói của mình, một tiếng nói mang hơi thở và nhiệt huyết của thế hệ, của dân tộc, tiếng nói yêu nước, yêu tự do và tuyệt nhiên không vì bất kì một đảng phái hay chủ thuyết chính trị nào.
Nguyễn Phương Uyên, Đoàn Nguyên Kha, hai người bạn trẻ đã lãnh bản án tổng cộng 14 năm tù giam và sáu năm “thử thách” từ tòa án của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại. Một cái án mà theo dư luận từ nhân dân và theo nhận định của các nhà trí thức là nó quá dã man, nó thể hiện ý đồ răn đe, hù dọa nhưng bạn trẻ nhiều hơn là thực thi công lý.
Vì thực ra, không có bất kì vị thần công lý nào bước vào phiên tòa xử hai bạn trẻ ngoài những kẻ đại diện cho bạo quyền độc tài, những kẻ này tự bày trò pháp đình để trấn áp, bịp bợm giam hãm tự do người yêu nước. Một phiên tòa gợi cho con người cảm giác mình đang sống ở thời Trung Cổ hơn là hiện đại.
Có lẽ cũng không cần nhắc thêm về nguyên nhân và trình tự dẫn đến bản án vô lý này. Vấn đề cần nói ở đây là hành động, thái độ và tư thế của những nhà yêu nước trẻ mà có thể tạm gọi họ là những chí sĩ của thế kỷ 21. Nếu như trước đây, trong các phiên tòa xử những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền, hoặc là người theo dõi nhìn thấy một cuộc khủng bố tinh thần trước đó được biểu hiện qua sự “thỏa hiệp” ít nhiều nhằm giảm tội, hoặc là người theo dõi bắt gặp cảm giác thất vọng, buồn và hụt hẫng, ít nhiều mất lửa đấu tranh trong chính mình bởi những nhà tiên phong khi đứng trước phiên tòa cũng trở nên yếu ớt, cầu an và thậm chí có người đầu hàng để được yên thân mà đợi ngày phục vị.
Nói chung, chưa bao giờ người theo dõi các phiên tòa yêu nước lại bắt gặp những hình ảnh chí sĩ yêu nước đầy đủ, phong độ và viên mãn như phiên tòa xử hai bạn trẻ Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên trong tháng Năm năm 2013 này!
Hình ảnh của hai bạn trẻ gợi nhắc về huyền thoại Thánh Gióng, một cậu bé sinh ra trong một gia đình thường dân, đến ba tuổi vẫn chưa biết nói cười, người mẹ cảm thấy lo âu, sợ rằng con mình bị một dị tật nào đó. Thế rồi giặc Ân đến phá xóm làng, đốt nhà, giết tróc từ trẻ con cho đến người lớn, đất nước xơ xác và tuyệt vọng vì chưa tìm ra hiền tài cứu quốc. Cậu bé bỗng dưng nói cười khác thường, bảo mẹ hãy báo cho sứ giả biết là cậu sẽ đứng ra đánh giặc.
Ban đầu, người mẹ không tin, nhưng rồi bà cũng bị con thuyết phục, đến báo sứ giả, sứ giả đến, nhìn thấy cậu bé, cũng ngỡ ngàng lúc đầu, sau đó, nghe cậu bé nói những yêu cầu của mình gồm bảy nong cơm, ba nong cà, ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt để đánh giặc… Sứ giả lại về báo nhà vua, nhà vua thực hiện đúng yêu cầu cậu bé, đương nhiên là có sự tham gia của các bô lão, thợ đúc và nhiều người dân đã góp gạo, ăn nhín uống nhịn để nhường cơm cho cậu bé, vì trong thời giặc giã như thế, khó có ai thoát khỏi thiếu thốn và đói kém.
Kết quả, cậu bé làng Gióng đã ăn “bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông”, vươn mình đứng dậy, khoác áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt và cầm roi sắt, thẳng tiến về phía quân giặc, đánh đuổi chúng khỏi bờ cõi nước Nam. Đánh xong, cậu cởi bỏ giáp sắt, cưỡi ngựa bay về trời (nhưng không “vui thú điền viên” như ông Nguyễn Minh Triết nói tại lễ hội làng Gióng nhân dịp Ngàn năm Thằng Long – Hà Nội!).
Câu chuyện là một huyền thoại mang triết lý về dân tộc tính của người Việt – một dân tộc biết hy sinh, giải trừ định kiến không đáng có và biết lắng nguyện vọng của nghe lớp trẻ, kể cả trẻ con. Biết cởi bỏ kiến chấp để vun vén, góp sức cho sự nghiệp chung. Và câu chuyện cũng là lời nhắn nhủ, nhắc khéo của tiền nhân gửi đến người sau về sự tỉnh thức, đừng bao giờ tự mãn, đừng bao giờ cố chấp và bảo thủ rằng mình đã làm nên lịch sử, mình phải độc tài…
Một dân tộc tiến bộ phải là một dân tộc phải biết lắng nghe nguyện vọng của người trẻ, phải biết hy sinh vì sự nghiệp của tương lai, vì chính lớp trẻ là chủ nhân của tương lai, lịch sử có mới mẽ hay không, có điểm đặc biệt và có tiến theo chiều hướng tiến bộ hay không, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người trẻ.
Nếu đặt ngược vấn đề, lúc đó, người Việt không đủ tin tưởng nhau và ai cũng cố chấp bảo rằng một thằng bé ba năm chưa biết nói, mở miệng được thì đòi đi đánh giặc, bắt gà đã được chưa mà đòi bắt giặc, có giỏi lắm thì nó lừa được bà mẹ già của nó chứ, những người vai u, thịt bắp, đúc được cả ngựa sắt mà còn chưa ăn thua gì bởi thế giặc mạnh như vũ bão…
Và, nếu giữ kiến chấp như vậy, người Việt sẽ chẳng bao giờ thoát được vòng nô lệ, kẻ thù sẽ từ từ đồng hóa, tẩy não, xóa sổ dân tộc. Nhưng không, dân tộc Việt đã biết lắng nghe tiếng nói của cậu bé làng Gióng, đã hy sinh vì sự nghiệp chung để đánh đuổi quân thù. Dân tộc được độc lập, ít nhất là trong thời đại, trong thế hệ của ông bà ta lúc bấy giờ, đây là bước tiến bộ vượt bậc.
Trở lại thời hiện đại, hiện tượng cô bé sinh viên hai mươi tuổi tròn và chàng thanh niên chưa đầy ba mươi tuổi, xét về độ tuổi thì cả hai bạn trẻ này đều nằm gọn trong quá trình tẩy não của chủ nghĩa độc tài tại Việt Nam. Những người trẻ này đã đầy đủ ý thức về tự do, nhân quyền và độc lập dân tộc, quốc gia, họ đã đấu tranh vì điều này, và họ bị tù đày, bị nhà cầm quyền hành hạ, nhục mạ bằng nhiều cách, trong đó có cả đánh đập, răn đe. Trước phiên tòa, phần đông người theo dõi đoán rằng họ sẽ ra tòa với tư thế mệt mỏi, xanh xao, yếu ớt và lo sợ một bản án mang nhiều ẩn số xấu.
Nhưng không, hai bạn trẻ đã ung dung bước ra tòa, điềm nhiên trả lời trước tòa và ngạo nghễ khí phách tuổi đôi mươi nói lên tiếng nói yêu dân tộc, yêu hòa bình, yêu con người của mình. Hình ảnh, chân dung của họ đã khảm vào tâm thức người theo dõi/chứng kiến một dấu ấn khó phai về tinh thần quật khởi, trí tuệ bao dung và ý chí bất khuất của người Việt Nam. Họ như một huyền thoại giữa đời thường! Nhất là trong một đời thường thời độc tài ám đen đất nước!
Hình ảnh của họ cũng gợi ra câu hỏi: Đến bao giờ người Việt Nam trở lại được bản lai diện mục của mình – một bản lai diện mục mà ở đó, lòng bao dung, sự hy sinh và biết lắng nghe tuổi trẻ cũng như biết giải trừ kiến chấp để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước, đưa đất nước đến độc lập, tự do và tiến bộ? Và bao giờ những Thánh Gióng thời hiện đại này được nhân dân mở lòng, tin yêu và mang cho giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt, ân cần nuôi lớn bằng “bảy nong cơm ba nong cà” để vươn mình lớn dậy, xua tan quân thù, xua tan bóng đêm độc tài?
Có lẽ, câu trả lời đã nằm sẵn trong mọi người, vấn đề là bao giờ và thực hiện như thế nào mà thôi!
Bài bình luận
Thôi các vị đừng có thổi