You are here

Người Mỹ nói thẳng: Gián điệp mạng là Trung Quốc

 
M. Zawadzki từ Washington- Lê Diễn Đức dịch

Chính phủ Mỹ lần đầu tiên đã nói một cách công khai: Theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc tin tặc đã bí mật theo dõi và ăn cắp trên internet có hệ thống với quy mô lớn.
 
Trong báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng cho các dân biểu quốc hội được công bố vào ngày thứ Hai (6/5) không còn gì nữa để nói "tin tặc đã tấn công từ khu vực của Trung Quốc".
 
Kiểu nói này thường được sử dụng cho đến nay trong các tài liệu chính thức, bởi vì mặc dù từ lâu nghi ngờ rằng việc ăn cắp trên Internet là những tin tặc hành động theo lệnh chính phủ ở Bắc Kinh, nhưng rất khó tìm thấy bằng chứng rõ ràng. Giờ đây, các nhà phân tích của Lầu Năm Góc thừa nhận rằng họ đã thu thập được khá đầy đủ.
 
"Trong năm 2012, nhiều hệ thống thông tin trên toàn thế giới, bao gồm cả của chính phủ Mỹ, là mục tiêu của cuộc tấn công, mà có vẻ như các thủ phạm trực tiếp là, chính phủ Trung Quốc và quân đội" - Bản báo cáo với Quốc hội về Trung Quốc cho biết.
 
Mặc dù chủ đề chính vẫn là trộm ăn cắp công nghệ mới nhất, nhưng cũng có hệ thống hoạt động gián điệp cổ điển - thu thập dữ liệu quân sự, của cả các chính trị gia Mỹ, các nhà ngoại giao và các phương pháp trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước. Chúng cố gắng phản ánh và hiểu nước Mỹ để tận dụng,  theo như gợi ý của các tác giả báo cáo, trong trường hợp xung đột.
 
Tất nhiên, tất cả đều là gián điệp của nhau trên internet - nhưng trong trường hợp cụ thể này, quy mô của nó là không thể tưởng tượng được. Trong tháng Tư, hãng viễn thông khổng lồ của Mỹ Verizon đã kiểm tra 1.476 trường hợp trộm cắp trên mạng của Mỹ trong hai năm qua. Hóa ra là 96 phần trăm được thực hiện từ khu vực của Trung Quốc.
 
Trong ngày thứ Ba, 7/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông báo bác bỏ thông thường: "Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ phản đối bất kỳ cuộc tấn công của tin tặc. Chúng tôi mở cửa đối thoại xây dựng với Mỹ về an ninh trong mạng. Chúng tôi chống lại những lời buộc tội bất công và suy đoán làm hỏng bầu không khí đối thoại và hợp tác...".
 
Tuy nhiên, những tuyên bố tương tự ở Mỹ không ai tin nữa. Vào tháng Hai năm nay, hãng an ninh mạng Mandiant đã công bố những bằng chứng chi tiết nhất cho đến nay về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Các chuyên gia phát hiện ra rằng dấu vết của hầu hết các cuộc tấn công xuất phát từ một tòa nhà ở ngoại ô Thượng Hải. Đó là một đơn vị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mang số 61 398. Xét kích thước toà nhà được xây dựng vào năm 2007 và được bảo vệ bởi các binh sĩ, thì có từ vài trăm đến một nghìn người làm việc.
 
Trung Quốc theo dõi Mỹ trên quy mô lớn không chỉ nhờ tin tặc. Họ sử dụng mạng của quan hệ thương mại và con người dày đặc giữa hai nước hơn bao giờ hết - các công ty liên doanh hoặc các nhà khoa học Trung Quốc làm việc trong các trường đại học Mỹ. Mục tiêu là không chỉ là chính phủ, mà còn là công ty lớn - đặc biệt là những công ty thực hiện các hợp đồng của chính phủ Mỹ.
 
Bị tấn công từ Trung Quốc là Lockheed Martin, nhà sản xuất lớn nhất của vũ khí cho quân đội Mỹ, và RSA, một công ty chuyên về mật mã và bảo mật mạng. Nhưng cũng có cả, ví dụ, Coca-Cola, năm 2009 muốn mua một hãng sản xuất nước trái cây Trung Quốc "Huiyuan Juice Group". Tin tặc Trung Quốc đã đột nhập vào hệ thống email của Coca-Cola nên đã có cái nhìn đầy đủ các email trong vấn đề đàm phán để gửi về cho người đứng đầu và cán bộ quản lý của tập đoàn. Điều này là có thể bởi vì một trong những nhân viên của Coca-Cola đã mở tập tin đính kèm email có chương trình gián điệp, sau đó đã dò soát mạng nội bộ.
 
Nếu nói về mặt kia của chiếc mề đay, tức là các hoạt động tấn công của Mỹ trên mạng, chúng ta không biết nhiều. Trong quân đội Mỹ có một đơn vị đặc biệt chiến đấu trên không gian mạng, ngân sách được tính tới hàng tỷ USD, nhưng chính phủ ở Washington đã không tiết lộ những trường hợp tấn công của tin tặc đối với các chính phủ nước ngoài nào là hợp lý.
 
Trường hợp nổi tiếng nhất là virus Stuxnet, rất có thể được tạo ra bởi người Mỹ và Israel, gây hư hỏng máy ly tâm dùng để làm giàu uranium ở Iran, hầu làm chậm chương trình hạt nhân. Theo "The New York Times", nói chuyện với các cố vấn của mình, Tổng thống Barack Obama bày tỏ lo ngại rằng các nước khác sẽ có các cuộc tấn công tương tự với phương châm: nếu người Mỹ cho phép, tại sao chúng tôi lại không?
 
Tiết lộ về đơn vị 61 398 là tiếng chuông báo thức người Mỹ. Một năm trước, báo cáo của ủy ban thượng viện đã gây chú ý là trong việc trang bị vũ khí của Mỹ có hàng triệu phụ tùng giả tại Trung Quốc, trong đó có trong máy bay trực thăng, máy bay vận chuyển và quan sát.
 
Tội của tình trạng này chủ yếu là các nhà cung cấp Mỹ, những người bị cám dỗ để mua phụ tùng thay thế giá rẻ. Bởi vì cơ chế thực hiện hợp đồng qua một số khâu - chính phủ thuê nhà thầu, nhà thầu thuê nhà thầu phụ, nhà thầu phụ thuê một nhà thầu phụ nữa, v.v. - hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc vào quân sự của Mỹ thật khó mà thoát khỏi.
 
Bấy giờ người ta lo ngại tất cả các bộ phận làm giả giá rẻ từ Trung Quốc có thể là tồi tệ, sẽ gây phương hại cho binh sĩ Mỹ. Nhưng có thể tưởng tượng rằng, các cấu kiện điện tử, theo tín hiệu từ Bắc Kinh sẽ ngừng hoạt động và làm tê liệt các thiết bị mà chúng được gắn kết.
 
Trong báo cáo hôm thứ Hai cũng nói rằng tham vọng của Trung Quốc là, ví dụ, làm tê liệt các vệ tinh gián điệp Mỹ - nếu có nhu cầu.
 
Ngoài ra còn có sự tăng cường vũ khí thông thường của Bắc Kinh. Trung Quốc đã trở thành - khi nói đến đầu tư - sức mạnh quân sự thứ hai trên thế giới và đang có kế hoạch xây dựng một số tàu sân bay trong vòng 15 năm. Tuy nhiên, hiện nay bội thế của Mỹ có vẻ không nguy hại. Chỉ cần so sánh ngân sách quốc phòng của hai nước - Mỹ lớn hơn so với Trung Quốc bốn lần.
 
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức - RFA Blog

 
-----------------------------------------------------
Dịch từ tiếng Ba Lan, bài đăng trên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 8/5 tại link: http://wyborcza.pl/1,75477,13867373,Amerykanie_wprost_oskarzaja__Cyberszpieg_to_Chiny.html