You are here

Hội nghị TW 7: Có tạo được bước ngoặt trong việc sửa đổi Hiến Pháp?

 


Kami
-
Thường ở Việt nam khởi đầu mùa hè là vào khoảng cuối tháng tư hàng năm, song năm nay do sẽ có rất nhiều sự kiện chính trị lớn diễn ra vào tháng 5 này. Tháng mà người ta dự báo sẽ là một tháng năm "đỏ lửa". Tháng 5.2013 được mở màn bằng Hội nghị TW 7 - Khóa XI vào đầu tháng và tiếp sau sẽ là Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, với rất nhiều công việc quan trọng liên quan đến chính trị còn chưa có lời giải.

 Phải thừa nhận không khí chính trị ở Việt nam trong những ngày này, thời gian trước Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI hết sức ngột ngat và căng thẳng. Trong bối cảnh ngoài xã hội sự chống đối ngày càng mạnh và sự bất mãn của người dân cao hơn bao giờ hết, cộng với một nền kinh tế suy thoái đã và đang mang đến cho người dân biết bao nhiêu hệ lụy. Đây cũng là thời điểm mà đảng CSVN đang đối diện với các nguy cơ mang tính thách thức, nói theo GS. Tương Lai là ‘sẽ tự sụp đổ nếu không chỉnh đốn’. Năm 2012, đảng CSVN với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành cái gọi là công cuộc chỉnh đốn đảng, mà đỉnh cao là cuộc tắm rửa đối với cá nhân người đứng đầu cơ quan hành pháp. Ông Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng chính phủ, người được cho là đã mắc nhiều sai lầm trong quản lý dẫn tới việc sụp đổ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dẫn tới thất thoát lớn về tài chính tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Song đáng tiếc cuộc chỉnh đốn đó đã thất bại, do không tiến hành kỷ luật được bất kỳ lãnh đạo cao cấp nào của đảng. Việc này đã làm cho dư luận hết sức bất bình, từ chỗ lòng tin của đảng CSVN trong nhân dân đã ở mức thấp nhất chưa từng có thì đến nay số lượng những người không còn niềm tin vào đảng đang gia tăng ở mức rất cao.

Việc sửa đổi Hiến pháp cũng vậy, theo dự kiến ban đầu, việc góp ý và sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ kéo dài trong vòng 03 tháng và sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 3.2013. Song việc sửa đổi Hiến pháp lần này không diễn ra suôn sẻ như đảng và chính quyền dự kiến. Mà ngược lại nó đã vấp phải sự phản đối sâu rộng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự phản đối mang tính tập thể có tổ chức. Thời gian đầu, trong thời gian khoảng gần hai tháng, việc tuyên truyền cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992 được truyền thông nhà nước cổ súy rầm rộ. Mọi loại hình truyền thông của nhà nước được huy động tối đa phục vụ cho chiến dịch sửa đổi Hiến pháp này theo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh giành thắng lợi tuyệt đối. Với mục đich cuối cùng khẩn trương đưa vào sử dụng một bản Hiến pháp mới "hợp lòng dân", ra đời trên ý nguyện của dân chúng hòng khẳng định tính chính danh của bộ máy nhà nước do đảng CSVN lãnh đạo toàn diện.
Song thời gian hiện nay, thời gian đang cận kề Hội nghị TW 7 bỗng đột nhiên công việc sửa đổi Hiến pháp 1992 bỗng chìm xuống. Nếu như không nhắc đến, thì chắc không ai nhớ là đang có sự kiện trọng đại này đang diễn ra ở Việt nam. Truyền thông nhà nước cũng hoàn toàn không hề đả động đến vấn đề mà chỉ mấy tuần trước còn đang là công tác điểm, đặc biệt quan trọng. Phải chăng hình như họ quên hay còn những lý do nào đó. Thay vào đó là các tin tức về trận chiến giữa các phe nhóm trong nội bộ lãnh đạo cao cấp đảng và chính quyền. Ví dụ Ngân hàng Nhà nước rửa vàng bằng cơ chế để hưởng lợi bất chính mấy trăm triệu đô la, hay tin ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM vừa cảnh báo "Tội phạm đang chi phối một số cơ quan chức năng!". Hoặc tin ông Nguyễn Bá Thanh có 60 tỷ USD gửi ở nhà bank nước ngoài v.v... Đây là những tin không mới về thủ đoạn, song nó cũng là một trong những lời cảnh báo bất thường trong hoàn cảnh không bình thường trước ngưỡng của Hội nghị TW 7.
Thông qua 03 bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng, hay ý kiến của Chính phủ, Chủ tịch nước vừa qua, đã cho ta thấy ba xu hướng của các phe nhóm trong đảng với các xu hướng khác nhau. Nhưng đánh giá thật khách quan những diến biến của  sẽ cho thấy sự xung đột về tư duy chính trị của các nhóm thế lực khác nhau trong đảng, đối với vấn đề vai trò quyền lực chính trị thực sự của nhân dân. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bản đầu tiên) chứa đựng tất cả những gì phải có của tư duy giáo điều, khép kín mang nặng học thuyết chuyên chính vô sản. Nó chứng tỏ nhóm thế lực lãnh đạo quyền thế nhưng bảo thủ trong Đảng khi ấy đang mạnh. Đó chính là lý do để họ có quyền cố tình lơ đi trước tiếng nói người dân, tiếng nói của lực lượng trí thức. Nhưng ở các Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thứ 2 và thứ 3, thì người ta đã thấy những ý kiến của phía Chủ tịch nước và phía Thủ tướng đã dần được thể hiện và bước đầu đã có xu hướng lấn át những ý kiến ban đầu của phe bảo thủ. Mọi người đều có chung một nhận xét rằng, hình như bắt đầu đã có cái gì mới so với bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên, mà bằng chứng là các khu vực cấm, các khu vực được cho là nhạy cảm nhạy cảm  đang co lại để nhường chỗ cho các ý kiến mang tính đột phá và phù hợp với lòng dân. Việc này ngoài sự ghi nhận được cho là sự tiếp thu của những người lãnh đạo, thì có lẽ là hệ quả từ sự phản ứng của các tầng lớp dân chúng. Và chính vì thế nên nó lại có tác dụng khuyến khích người dân mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ ý kiến. Điều đó chứng tỏ cho thấy nội dung hay xu hướng tiến bộ của bản Hiến pháp mới được công bố sẽ không còn là tiếng nói thống nhất của ban lãnh đạo đảng CSVN. Mà nó là tiếng nói, là quan điểm của một vài các phe nhóm trong đảng đang nắm thế thượng phong vào thời điểm đó. Cụ thể là Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tới đây sẽ thể hiện quan điểm của phe giành thắng lợi trong Hội nghị TW 7 - Khóa 11 sắp nhóm họp vào đầu tháng 5.2012 sẽ diễn ra ở Hà nội trong những ngày sắp tới.
Khi bài viết sắp kết thúc, trước khi bước vào Hội nghị TW 7 - Khóa 11, thì cũng là lúc có một số thông tin khá quan trọng của TTXVN về cả nội dung lẫn hình thức khi đưa tin. Đó là việc đưa tin TQ đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Phải chăng điều đó cho thấy sự thất thế của phe bảo thủ chủ trương thân Trung quốc trong nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tin tức vỉa hè tại Hà nội đồn đoán rằng có nhiều khả năng người đứng đầu phe bảo thủ có chủ trương thân Trung quốc là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ động xin nghỉ giữa nhiệm kỳ để mở đường cho một Tổng Bí thư mới kiêm Chủ tịch nước. Nếu đúng như vậy thì kết quả này sẽ là một tín hiệu tốt có liên quan đến không chỉ kết quả của Hội nghị TW 7, mà nó còn quyết định đến những nội dung quan trọng khác của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần sắp tới? Có nghĩa là kết quả của Hội nghị TW 7 - Khóa 11 ra sao, sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến công việc tiếp theo của cơ quan lập pháp trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Tại kỳ họp này,  ngoài nội dung quan trọng là các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tin nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp do dân cử, thì còn có việc Quốc hội thông qua những vấn đề quan trọng còn chưa dứt khoát trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Điều đó cho thấy, nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lần sắp tới sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả đạt được của Hội nghị TW 7 - Khóa 11.

Ngày 02 tháng 5 năm 2013

© Kami

————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA