Lê Diễn Đức
Với Võ Hải - Ảnh: LDĐ
Cuộc đời của người cầm bút đôi khi có những bất ngờ thú vị. Bỗng dưng bị nhận diện. Và thế là thân thiện, như đã quen bao ngày. Những niềm vui thật khó tả.
Chiều thứ 7, cậu chủ nhà mời nhậu và cho biết có thêm bốn vị khách nữa. Khách đến, ra mở cửa, nhìn thấy tôi, một vị khách nhìn tôi và hỏi: "Anh có phải là Lê Diễn Đức?". Tôi gật đầu và cảm thấy hơi bối rối vì sao vị khách lại biết mình.
Vị khách tên là Võ Hải, khoảng 50 tuổi nhưng trông trẻ hơn. Thì ra chúng tôi là bạn của nhau trên Facebook đã lâu. Anh vẫn theo dõi các bài viết của tôi. Và bây giờ thì gặp nhau trong một hoàn cảnh tình cờ.
Chiều thứ Bảy Houston mưa khủng khiếp. Nước tiêu không kịp, xe đậu phía ngoài nhà ngập lên cả ống bô. Cuối tháng Tư rồi mà vẫn lành lạnh, dường như là điều ngoại lệ của thời tiết năm nay. Mưa to càng làm cho không khí buổi nhậu thêm ấm áp. Ngoài cậu chủ nhà, Võ Hải còn 3 người nữa, anh Hùng, anh Dũng và Hoà, người Việt gốc Hoa.
Đây là những con người bình dị, họ đều đi làm ở hãng Mỹ, gọi là đi cày. Họ cày mỗi ngày 10-12 tiếng, cuối tuần cho phép mình nghỉ ngơi, ăn nhậu, hoặc đi mua sắm với gia đình. Ít ai có thời gian vào Internet, trừ mỗi anh Hải. Anh Hải xem Internet như một sự giải trí. Anh cũng muốn qua Internet biết được tình hình thời cuộc và mong muốn VIệt Nam có dân chủ, tự do.
Chúng tôi nói đủ thứ chuyện, về cuộc chiến tranh, về ngày 30/4, về những ngày khó khăn phải ăn bo bo ở Sài Gòn năm 78-79, về chuyện vượt biên, chuyện đi về Việt Nam... Mỗi người đều có một lịch sử, một ký ức của riêng mình, nhưng tất thảy đều thấy mình đã may mắn tới đuợc nước Mỹ tự do. Ở bang Texas, tìm việc làm không khó, đặc biệt với những người đã lớn tuổi, trên 50, 60, mới từ Việt Nam qua. Chỉ cần có sức khoẻ, người ta trả lương thấp một tý, thì mình cày thêm giờ, cũng chẳng mệt nhọc gì lắm, anh Hùng nói. Không có chuyên môn và tiếng Anh lõm bõm thì đành vậy chứ sao. Tuy nhiên, mỗi tuần cũng kiếm được 500-600 USD, là điều không tưởng ở Việt Nam.
Chuyện đang râm ran tự nhiên dẫn dắt tới ông Hoàng Duy Hùng, Nghị viên thành phố Houston, khá sôi nổi. Trên báo Thanh Niên, ông Hùng nói:
"Tôi thấy Việt Nam đang phát triển vùn vụt, dầu còn thua Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Hàn Quốc, nhưng quả thật đang thay da đổi thịt, đang phát triển thật sự. Sài Gòn nay đã phát triển thành một khu vực đô thị với nhiều nhà chọc trời, và khu vực đô thị hóa của Sài Gòn bây giờ rộng có lẽ gấp 10 lần trước năm 1975".
Tôi nói, 38 năm hoà bình, với hàng trăm tỷ USD đầu tư công, vốn phát triển DOA, vốn đầu tư trực tiếp FDI và tiền của bà con ở nước ngoài gửi về đã lên tới 10 tỷ USD/năm, không thay đổi như thế thì mới là lạ. 38 năm, nếu như cuộc xây dựng đất nước không bị hệ thống đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, tham nhũng chi phối, không bị rút ruột công trình, trong xây dựng tới 30-40%, thì Việt nam còn phát triển hơn gấp nhiều lần so với hiện tại. Nghị viên Hùng đã vội vã, mới nhìn thấy cái bên ngoài mà đã không hiểu rõ bản chất.
Nghị viên Hoàng Duy Hùng còn nói về Cồn Dầu:
"Tôi tiếp xúc với Đức cha Châu Ngọc Tri của Đà Nẵng và linh mục Vũ Dần là lãnh đạo của Giáo xứ Cồn Dầu thì tôi được thông tin không có vấn đề đàn áp tôn giáo trong vụ Cồn Dầu mà chỉ là tranh chấp giá cả đền bù đất đai. Thông tin này rất quan trọng đối với tôi vì Houston kết nghĩa với Đà Nẵng mà thành phố kết nghĩa lại có đàn áp tôn giáo thì còn mặt mũi nào cho Houston".
Đây là một cách nhìn sai lệch. Đúng là tranh chấp đất đai, nhưng đất đai này của bà con giáo dân từ lâu đời. Đặc biệt là nghĩa trang Cồn Dầu, tồn tại 100 năm nay, có nguy cơ bị xoá số, trong khi nhiều giáo dân có chủ quyền sở hữu. Đàn áp, cưỡng chế, thu hồi đất đai, buộc những người giáo dân phải lìa bỏ mảnh đất của họ ra đi, không phải là đàn áp tôn giáo ư?
Về hoà hợp hoà giải dân tộc, Hoàng Duy Hùng nói:
"Đúng, cuộc chiến đã chấm dứt năm 1975, gần 4 thập niên rồi, nhưng lòng người vẫn không thống nhất. Điều cản trở người ta không mở lòng ra với nhau vì ai cũng cho rằng mình đúng, mình có chính nghĩa, bên kia sai, và bên kia không có chính nghĩa. Thật ra, cuộc chiến Quốc - Cộng là một tai nạn đau thương trên mảnh đất hình chữ S của Việt Nam và đã đến lúc chúng ta cần tìm một giải pháp để khép lại chương sử đau thương đó".
"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cả hai nên nói chuyện để tìm ra một giải pháp dung hòa, và phe chống đối không nên chỉ khai thác tối đa mặt trái mà không chịu công nhận những giá trị tích cực khác của đảng cầm quyền. Nếu phe chống đối cứ tiếp tục con đường đó thì tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền sẽ không bao giờ chịu nhường bước đối thoại vì họ đang ở thế mạnh nên nhu cầu để đối thoại với người bất đồng không có là bao. Phe chống đối nói rằng đã thế thì họ cứ chống và tìm cách lật đổ. Câu hỏi được đặt ra đó là có lật đổ nổi không? Cả Việt Nam Cộng hòa được Mỹ hỗ trợ đàng sau cũng không làm nổi, huống chi tình thế thay đổi và Mỹ lại hỗ trợ cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay! Giai đoạn 1975-1993 là thời gian Việt Nam chưa phát triển và còn bị bao vây tứ bề, dân ở trong nước có gốc gác Việt Nam Cộng hòa còn chống đối dữ dội, năm 1989 Đông Âu và năm 1991 Liên Xô sụp đổ, ấy thế chế độ Việt Nam vẫn vững mạnh, thì bây giờ phe chống đối lấy gì mà lật đổ? Lòng dân ư? Tôi tiếp xúc và tôi thấy đa phần dân chúng ở Việt Nam chỉ muốn yên ổn phát triển làm ăn và họ muốn ôn hòa đối thoại để cải tiến những mặt trái của chính trị và xã hội".
Có thể đây là thiện chí, nhưng ông Hoàng Duy Hùng đã làm cái chuyện ruồi bu, kiến đậu, chúng tôi nói thế. Chế độ cộng sản sẽ chẳng bao giờ chấp nhận đối thoại cả. Sự "đối thoại" của họ chỉ là trò bịp bợm, dối trá, nằm trong chính sách tuyên truyền. Những con cừu sẽ chẳng thể nào ngồi chung bàn nói chuyện bình đẳng được với bầy sói.
Tôi cho rằng, sự thay đổi thể chế chỉ có thể trông chờ vào phong trào tranh đấu của dân chúng trong nước. Chỉ khi nào có một trào lưu xã hội rộng lớn, một lực lượng đối lập đủ mạnh thì lúc đó mới có sự đối thoại của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyên chỉ đối thoại khi bị dồn vào chân tường, bị áp lực mạnh của dân chúng. Mà điều này thì chưa nhìn thấy. Lực lượng bà con ở hải ngoại chỉ mang tính hỗ trợ, không có ảnh hưởng nào quyết định cho tiến trình dân chủ.
Chuyến đi Việt Nam của nghị viên Hoàng Duy Hùng mang đầy ngộ nhận, thậm chí ngây thơ. Và mọi nguời tin rằng, kỳ bầu cử tới, ông Hoàng Duy Hùng sẽ khó có cơ hội tái đắc cử.
Rượu vào lời ra, nhưng tuyệt nhiên chằng có ý kiến nào cực đoan, thái quá. Khi chia tay chúng tôi để lại số phone cho nhau và hẹn sẽ tái ngộ.
Một buổi chiều tối thật ý nghĩa và vui vẻ, đồng cảm. Những con người bình thường, rất bận rộn, ít quan tâm đến chính trị, nhưng khi gặp nhau và nói đến Việt Nam đều có những ưu tư giống nhau.
Cuối tháng Tư buồn. Một cuộc gặp mặt tình cờ, nói được với nhau bao điều cùng trăn trở, đượm tính nhân văn. Trăn trở về đất nước xa xôi với những niềm chia sẻ sâu xa.
© Lê Diễn Đức - RFA Blog
Bài bình luận gần đây