Hôm nay tòa án Hải phòng tiếp tục xử vụ phá nhà ông Vươn mà hình như dư luận không ai đếm xỉa gì tới kẻ bị xét xử sẽ lãnh bản án như thế nào. Mọi bức xúc, tuyệt vọng lẫn hy vọng đã trôi theo bước chân của anh em ông Vươn khi trở lại nhà giam. Vụ án xử quan chức Tiên Lãng nhạt nhẽo và tốn rất ít giấy mực của cả hai lề.
Nhưng từ vụ xử án hôm nay nhiều người nói thẳng ra tính chất sắp xếp có chủ ý của vụ án. Đáng lẽ kẻ phá nhà ông Vươn phải bị xử trước rồi sau đó mới xử tới chuyện anh em nhà ông Vươn bắn lực lượng cưỡng chế thì đúng với quy trình vụ án hơn. Hỏi để mà hỏi thế thôi, bản án đã xong, phúc thẩm hay không phúc thẩm thì cũng thế. Kết quả không đến từ công lý mà đến từ Bộ chính trị cho nên không thể nói rằng tập đoàn Hải Phòng ngoan cố.
Tuy nhiên nếu quay lại với trình tự thời gian xảy ra vụ án sẽ có nhiều câu hỏi bất ngờ.
Sáng ngày 5 tháng 1 năm 2012, Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng là ông Nguyễn Văn Khanh cầm đầu lực lượng cưỡng chế cùng với khoảng 100 người gồm công an và quân đội. Kết quả là bị anh em ông Đoàn Văn Vươn dùng súng hoa cải bắn trả khiến 6 người bị thương, trong khi đó bản thân ông Vươn vắng mặt vì lên Viện Kiểm Sát Nhân dân Hải Phòng để kháng cáo nhưng vẫn bị kết án là kẻ chủ mưu.
Chỉ hơn một tháng sau, ngày 10 tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức họp các bộ ngành để xem xét vụ này và sau đó ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Thủ tướng đã họp báo cho biết có bốn điểm chính mà Thủ tướng kết luận như sau:
-Về quyết định giao đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, quyết định thứ nhất giao 21 ha đất là đúng, nhưng quyết định thứ hai giao thêm 19,3 ha (thời hạn 14 năm) là chưa đúng với quy định Luật đất đai.
-Quyết định thu hồi đất của ông Vươn với lý do hết thời hạn sử dụng cũng trái luật. Luật đất đai quy định 5 trường hợp thu hồi đất, nhưng gia đình ông Vươn không nằm trong 5 trường hợp trên.
-Huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng.
-Công tác tổ chức thực hiện cưỡng chế cũng có nhiều sai sót, gây thương vong cho lực lượng tham gia. Việc phá nhà có sự chỉ đạo của một số lãnh đạo địa phương.
Hàng ngàn bài báo trong thời gian này nêu vụ án Đoàn Văn Vươn như một điển hình áp bức của chính quyền địa phương và cũng là đầu giây mối nhợ dẫn đến tình trạng bất công khó tha thứ đối với bộ máy cầm quyền Hải Phòng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được ngợi khen là người sáng suốt và nhanh nhạy trong việc giải tỏa sức căng thẳng của dư luận. Ai đó còn khen ông đã can đảm khi lên tiếng kết tội một đám sai nha, mù quáng làm theo những kẻ cường hào ác bá mới nằm chính trong lãnh địa của ông vì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là một đại biểu quốc hội đơn vị Hải Phòng.
Thủ Tướng lúc ấy là nơi báo chí dựa vào để viết bài, vừa được tiếng bảo vệ người cô thế, vừa an tâm sẽ không ai dám chỉ đạo viết thế này hay viết thế khác. Ai cũng nghĩ chỉ vài tuần lễ sau thì vụ án ông Vươn kết thúc, và không ít người còn hồn nhiên tin rằng công lý đã trở lại với người cùng khổ.
Nhưng vận hạn của Thủ Tướng đã tới kéo theo bản án 5 năm tù giam của ông Vươn.
Việc làm thức thời mặc dù là duy nhất trong suốt hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Dũng không vượt qua được bản án âm thầm dành cho ông trong Hội nghị Trung ương 6. Vào ngày 15 tháng 10 năm 2012, tức là 8 tháng sau khi Thủ tướng bênh vực cho nhà ông Vươn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt cho một cái tên mới mà lịch sử chưa bao giờ có tiền lệ, ông Dũng trở thành đồng chí X và đổi lại không bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật, như một ân huệ, hay một thỏa hiệp chính trị nào đó thì tuyệt đối bên ngoài không ai hay biết.
Cái mà người ta biết là ông Dũng bị bao vây tứ phía, triệt tiêu mọi ngõ ngách khiến ông khó thể an vị như trước, và dĩ nhiên những gì mà ông Dũng làm có vẻ được dư luận đánh giá cao thì phe ông Trọng không để yên cho ông ta thủ lợi.
Kết luận về vụ án Tiên Lãng của ông phải bị đánh trả, và từ sau cái ngày đại hội 6 ấy, tập đoàn Hải Phòng nhận được pháo lệnh tiếp tục hành trình chà đạp công lý bằng cách xem những kết luận của ông Dũng là không hề hiện hữu cho dù ông vẫn là thủ tướng đương nhiệm.
Bản án này ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách lãnh đạo Đảng cao cấp nhất vẫn có thể can thiệp cho dù hy sinh một vài đàn em cò con nhưng ông vẫn không làm. Mối hiềm khích phe phái đã làm ông rối trí và kết quả phiên tòa cho thấy ông không cần được tiếng là công tâm bởi hai lẽ: Thứ nhất ông bị Bộ chính trị thuyết phục rằng nếu tha bổng vụ này thì khả năng bùng nổ những vụ án khác là không thể tránh khỏi vì hồ sơ đất đai đang nằm hàng đống tại văn phòng Quốc hội. Nhưng điều thứ hai mới quan trọng hơn đối với ông: đồng chí X.
Phản ứng của Thủ tướng Dũng thì sao?
Ông Thủ tướng đã chứng tỏ cho giới chính trị quốc tế biết ông là một tay sừng sỏ. Khi tuyên bố bảo vệ ông Vươn chưa chắc xuất phát từ thiện ý muốn mang công lý tới cho người dân, nó chỉ là cách lấy lòng của một tay buôn chuyến, khen người bán giỏi giang chỉ để được mua hàng hóa với giá bèo. Giống như khi tuyên bố trước Quốc hội phải ban bố luật biểu tình ông Dũng biết chắc rằng Quốc hội sẽ không nghe theo ông mà làm cái điều Đảng không bao giờ muốn. Nói và không hề sợ bị buộc phải giữ lời là nét đặc thù của hệ thống Chủ nghĩa xã hội vì thế Thủ tướng cũng có thể nuốt lời vô tư như hàng đống Bộ trưởng từng làm.
Ông Dũng còn giữ ghế là may huống chi đèo bòng việc mấy anh nông dân ngớ ngẩn. Vì công lý mà chấp nhận mất ghế không phải là cá tính của ông Thủ tướng.
Thế giới cộng sản sau khi đóng màn sắt, hạ màn tre bây giờ bước sang màn kịch. Kịch hay đến nỗi đánh lừa được dư luận trong vụ án ông Vươn thì phải khen tay đạo diễn quá tài. Người xem ra về sau khi màn hạ vẫn tin rằng ông Dũng và ông Trọng không dính tới vụ này chỉ tại Hải Phòng bao che thuộc hạ.
Chỉ tội nghiệp cho các nhân vật trong vai nạn nhân, gần tới chết vẫn kêu tên người đã hại mình!
Bài bình luận gần đây