Song Chi.
Thêm một ngày 17.2 đã đi qua mà không hề có một hành động tưởng niệm nào của nhà nước VN đối với cái ngày mà 34 năm trước, 17.2.1979, Đặng Tiểu Bình đã hạ lệnh cho quân đội TQ tấn công VN trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước với mục đích “dạy cho VN một bài học”.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, nhà nước cộng sản VN cố tình quên và bắt người dân VN cũng quên, như thể cuộc chiến tranh ấy chưa từng xảy ra.
Cũng may mà có internet và những nguồn thông tin khác, để người VN yêu nước còn có thể chia sẻ với nhau, dặn dò nhau, dặn dò các thế hệ tương lai, không được phép quên cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng khốc liệt, sự dã man của quân lính TQ, sự tráo trở của nhà cầm quyền TQ, cái chết của hàng chục ngàn người lính và hàng ngàn dân thường VN trong những ngày tháng ấy.
Nhắc nhau nhớ không phải để nuôi hận thù nhưng để tỉnh táo, để hiểu rõ thực chất mối quan hệ dù được trát bao nhiêu lớp son phấn “16 chữ vàng, đồng chí anh em” của hai đảng, hai nhà nước cộng sản Việt-Trung nhưng vẫn luôn luôn có những bằng chứng cay đắng ngược lại.
Nhắc nhau nhớ bởi vì từ hàng ngàn năm trước, trong mấy thập niên vừa qua và cả tương lai trước mắt, mối nguy hiểm lớn nhất về sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của VN luôn luôn là từ nước láng giềng phương Bắc này.
Đối với nhà nước cộng sản VN, có một nghịch lý lớn luôn tồn tại trong cách đánh giá, nhận định đưa đến cách ứng xử rất khác nhau với quá khứ, với những “cựu thù”.
Trong khi một cuộc chiến tranh cố tình bị lãng quên, một ngày lễ tưởng niệm cũng không dám tổ chức, ngay tên gọi kẻ gây ra cuộc chiến cũng không dám nhắc tới, những người lính đã hy sinh cũng phải chịu cảnh mồ ma lạnh lẽo không ai thăm viếng… thì một cuộc chiến tranh khác, đã lùi xa 40 năm, lại cứ được nhắc nhớ thường xuyên, kỷ niệm tưng bừng hàng năm, láy đi láy lại những điệp khúc chiến thắng, quân xâm lược, đế quốc… Sự đời trớ trêu, ai bây giờ mới thực là thù ai bây giờ nên là bạn, cái gì nên khép lại cái gì vẫn phải nhớ, thì nhà nước VN lại cứ lẫn lộn. Mà nhìn lại từ khi mới ra đời cho đến nay đã 83 tuổi, đảng cộng sản VN vẫn cứ luôn luôn nhầm lẫn trong nhận định bạn và thù như thế.
Không chỉ có những nhận định không chính xác về bạn-thù trong từng giai đoạn khác nhau của lịch sử, xuất phát từ việc luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ lên trên hết, đưa đến những tai hại vô cùng to lớn cho đất nước, cho dân tộc, đảng và nhà nước cộng sản VN còn có những khiếm khuyết nặng nề khác:
Không biết, không muốn hoặc học rất chậm những bài học của lịch sử. Đối với nhà cầm quyền TQ chẳng hạn, nếu như năm 1979 khi cuộc chiến tranh nổ ra, phía VN có bị bất ngờ vì vẫn còn tin vào mối quan hệ giữa hai bên thì điều đó cũng còn có thể hiểu được. Đến khi VN quay trở lại chấp nhận bình thường hóa quan hệ giữa hai nước kéo theo muôn vàn tai hại sau đó đã là sai lầm quá lớn, nhưng cho đến tận bây giờ mà vẫn không tìm cách dứt ra khỏi mối quan hệ bất cân xứng và nguy hiểm này thì không còn gì có thể biện minh được nữa.
Cũng như vậy, khi thế giới đã thay đổi, Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ, VN vẫn không “nhúc nhích”, và cho đến bây giờ, khi ngay cả Myanmar cũng đã chuyển hướng dân chủ hóa thì VN vẫn không muốn thay đổi. Hay việc mất bao nhiêu năm để nhìn ra những khuyết tật của nền kinh tế bao cấp và sửa sai, chuyển sang kinh tế thị trường, khi đa số người dân VN đã đứng bên bờ vực của sự chết đói. Và bây giờ, vòng xoáy lại lặp lại, kinh tế VN đang gặp phải những bế tắc, khủng hoảng do "lỗi hệ thống", nhưng nhà nước VN vẫn không dám mạnh dạn cải tổ đến cùng.
Có thể kể ra rất nhiều những ví dụ về sự chậm chạp, cố tình trì hoãn, kéo lùi bước tiến của đất nước chỉ để kéo dài tuổi thọ của chế độ như vậy.
Không dám nhìn lại và công khai, minh bạch những sai lầm trong qúa khứ. Lịch sử VN từ khi đảng cộng sản ra đời hay nói khác đi cái lịch sử chính thống được viết, được tuyên truyền, giảng dạy từ sách giáo khoa, báo chí truyền thông nhà nước bao nhiêu năm qua là một thứ lịch sử đầy sai sót, dối trá, đầy những khoảng tối bị bưng bít.
Một dân tộc với những thế hệ được sinh ra, dạy dỗ và lớn lên bởi một thứ lịch sử như vậy sẽ không thể nào có đủ sức mạnh để nhìn nhận đánh giá chính xác về chính mình, về thế giới xung quanh, rút ra những bài học đúng đắn từ quá khứ, và có những bước đi kịp thời hòa cùng với dòng chảy chung của thế giới. Ngược lại, một đảng cầm quyền cũng sẽ không bao giờ có được tính chính danh, niềm tin và sự đồng thuận gắn kết của nhân dân-tức sức mạnh nội tại lớn nhất, nếu trong bản thân đảng lại tồn tại những khiếm khuyết nặng nề này.
Bài bình luận gần đây