Song Chi.
Năm 2013 đã bước sang tháng Hai, nhưng đối với phần đông người VN, năm mới chỉ thật sự bắt đầu khi Tết Âm lịch đến. Và như vậy, vẫn còn vài ngày nữa mới là năm mới, năm Quý Tỵ.
Tết với người Việt, không chỉ là dịp lễ lớn nhất trong năm mà còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Gia đình nào dù nghèo đến đâu cũng phải ráng chạy vạy cho có cái Tết, có mâm cơm cúng ông bà, miếng ăn ngon cho người già, tấm áo mới cho trẻ con khỏi tủi. Ai đi xa làm ăn ở đâu, ba ngày Tết cũng ráng trở về, tụ tập với gia đình.
Nhìn lại năm 2012, bức tranh toàn cảnh từ chính trị-quốc phòng-xã hội-kinh tế-giáo dục-văn hóa-thể thao-môi trường… đều u ám. Nhất là kinh tế. Những ai ở xa, chỉ cần theo dõi ngay chính báo chí nhà nước, thời điểm từ trước Tết Dương lịch cho đến trước Tết Âm lịch, nhất là những bài viết tổng kết tình hình cuối năm trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, cũng thấy ngay điều này.
Còn với người dân đang sống trong nước, trừ một thiểu số giàu có, việc phải đối phó với sự khó khăn, khủng hoảng về kinh tế vốn đã kéo dài trong năm, càng hiện rõ khi Tết về. Vì vậy, sẽ có không ít người, không ít gia đình năm nay không có Tết hoặc chỉ có một cái Tết hết sức đạm bạc.
Nhưng ngay cả khi chưa cần đến tình hình kinh tế sa sút thì hầu như những năm sau này, cứ Tết đến là người Việt lại phải đối mặt với những cái lo, những nỗi ám ảnh giống nhau.
Nỗi ám ảnh thứ nhất là tiền (tất nhiên, cũng loại trừ một thiểu số giàu có).
Với những người đi làm lãnh lương tháng, dù là nghề gì, làm cho tư nhân hay nhà nước, cũng đều trông chờ vào món tiền thưởng cuối năm của công ty, cơ quan. Không biết cái cụm từ “tiền lương tháng mười ba” có từ bao giờ nhưng ở VN, đa số các công ty, cơ quan vẫn có lệ thưởng cho công nhân viên, gọi là tiền thưởng Tết, mừng Tết hay "tiền lương tháng mười ba". Nếu công ty, cơ quan nào ăn nên làm ra thì tiền thưởng có khi gấp mấy lần tiền lương tháng, nhưng nếu làm ăn thất bát, thì một phần ba tháng lương cũng chưa chắc đã có.
Ngược lại, đối với các ông giám đốc, chuyện lo tiền thưởng Tết cho nhân viên cũng là nỗi ám ảnh không kém, nhất là khi kinh tế sa sút.
Nông dân và công nhân, “hai giai cấp tiên phong, lực lượng nòng cốt của cách mạng” như đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn luôn luôn lặp đi lặp lại từ trước đến nay, trong thực tế là hai tầng lớp thiệt thòi nhất, nghèo cực nhất. Đa phần công nhân là từ các làng, xã nghèo bỏ lên thành phố hoặc đi đến tỉnh thành xa xôi khác để làm việc cho các xí nghiệp, nhà máy. Mức lương bèo bọt trên dưới 100 USD/tháng chỉ vừa đủ cho người công nhân sống chen chúc trong những chỗ trọ chật hẹp, tăm tối, ăn những bữa ăn thiếu chất rồi vắt kiệt sức mình làm việc có khi 12, 14, 16 giờ mỗi ngày để dành dụm gửi tiền về quê nuôi cha mẹ già, em nhỏ hoặc vợ dại, con thơ. Cứ Tết đến là đa phần công nhân ngóng chờ món tiền thưởng để về quê ăn Tết. Nhưng với tình hình như năm 2012 thì hy vọng đó nhiều khi cũng tắt ngóm.
Đã có những câu chuyện bi hài như doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn, hoặc nợ lương, đẩy công nhân vào cảnh không có Tết, có công ty còn đóng cửa khiến nhiều công nhân mất việc trước Tết như trong bài “Cám cảnh giám đốc bỏ trốn để xù lương” trên báo VietnamNet.
Có những nơi, như “tại chi nhánh Cty TNHH may-thêu giày An Phước- ở KCN Tân Bình, Q.Tân Phú, khoảng 700 CN đã ngừng việc phản đối kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán- 2013 của Cty” (“Bị trừ thưởng Têt vô lý, gần 700 công nhân ngừng việc”, báo Lao Động).
Rồi nào là “Đắng lòng cảnh công nhân phải nghỉ Tết sớm vì nhà máy hết…việc”, (báo Pháp luật VN), “Mất việc trước tết, công nhân đi đâu, về đâu?”, (báo Lao Động.), “Công nhân sắm quà tết: teo tóp theo lương thưởng” (báo Sài Gòn Tiếp Thị), “Cận cảnh đời sống công nhân giáp Tết” (báo VnEconomy)…
Một thành phần khác cũng khó khăn không kém khi Tết đến là giáo viên. Lương giáo viên đã thuộc loại thấp so với nhiều ngành khác trong xã hội, nhưng năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là tình trạng thưởng Tết quá bèo bọt lại tái diễn. Có những nơi như tỉnh nhỏ, vùng sâu vùng xa, giáo viên có được bịch trà hoặc gói kẹo hoặc cuốn lịch đã là may lắm.
Giới nhân viên văn phòng, công chức ở nhiều công ty cũng bị “găm” tiền lương, tiền thưởng, dẫn đến cảnh bi hài khác là nhân viên phải đi đòi lương như đòi nợ, thậm chí thuê xã hội đen, dọa kiện cáo hoặc vác ghế phang vào người sếp như trong bài “Nhân viên thẳng tay “tẩn” xếp vì bị nợ lương”, (VietnamNet).
Ngay cả ngành tài chính-ngân hàng, trước đây vài năm là một ngành thuộc loại hot đối với sinh viên và nhiều người, có mức lương thuộc loại cao, thì năm 2012 lại là một trong mấy ngành bị nhiều biến động, khủng hoảng nhất, dẫn đến tình trạng “Vi-rút không thưởng Tết lây lan chóng mặt trong ngành ngân hàng” (Cafef).
Sự chênh lệch giữa mức thưởng Tết giữa các ngành cũng vô cùng chênh lệch. Ngay năm nay, vẫn có những công ty thưởng Tết “khủng”, nhưng đó là “sếp” được thưởng, chứ không phải công nhân. (Bài “Ai nhận lương, thưởng tết “khủng” trăm triệu?”, báo Lao động).
Nỗi ám ảnh thứ hai là tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm mấy ngày Tết.
Bình thường chuyện thực phẩm “bẩn”đã là chuyện thường ngày ở VN. Cứ mở báo ra là thấy tràn ngập các thông tin loại này. Nhưng Tết đến, do mức độ ăn uống, mua sắm tăng cao nên thực phẩm “bẩn”, độc hại, hàng hóa dỏm, giả càng nhiều. Nào “Tràn lan thực phẩm “bẩn” dịp Tết”, (Người đưa tin), “An toàn thực phẩm dịp Tết: vẫn khó kiểm soát”, (Hà Nội Mới), “Ngán ngại thực phẩm tết không bao bì, không rõ nguồn gốc”, (Thanh Niên)…
Có khá nhiều nguồn thực phẩm bẩn, giả, độc hại là từ TQ tuồn qua theo đường biên giới, nhập lậu: nào gà thải, chân trâu bò thối, nội tạng thối…, gia vị, thực phẩm khô các loại, nước mắm pha chế hóa chất, bột ngọt giả, mới đây các cơ quan chức năng còn bắt được “Mứt trái cây làm bằng… nhựa xuất xứ Trung Quốc”. Rồi mực khô làm bằng...nhựa ở Hà Tĩnh, không biết nguồn gốc từ đâu, "Xem quản lý thị trường bắt lô mực khô nghi làm bằng...nhựa" (báo Dân trí).
Nhưng ngay chính người Việt mình cũng hại nhau. Nhiều nơi sản xuất nước tương, lạp xưởng, mứt Tết…có tận mắt chứng kiến mới thấy vô cùng mất vệ sinh. Giò chả, bún, phở, miến…thì ngâm hàn the để có màu trắng, dai. Nhiều chỗ mổ lợn, bò, nhất là điểm mổ lậu, nguồn thịt không còn tươi. Ngay cả siêu thị lớn cũng chưa chắc an toàn (“Bánh bao mốc xanh, thịt cá bốc mùi tại Co.opmart Hà Nội" (báo An ninh Thủ Đô).
Đó là chưa kể trong vô số hàng quán luôn luôn đông nghẹt người ăn vào những ngày Tết, có những nơi không chú ý vấn đề an toàn vệ sinh trong nguồn thực phẩm, trong nấu nướng, chế biến. Chẳng trách năm nào vào dịp Tết, số người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm cũng cao hơn ngày thường. Và con số người Việt bị ung thư cứ càng năm càng tăng.
“Theo bản thống kê mới nhất của Hiệp hội Ung thư Việt Nam, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 150 ngàn ca mắc bệnh mới và khoảng 75 ngàn người chết vì ung thư. Nếu cộng thêm với số bệnh nhân đã mắc tính đến thời điểm hiện tại, cả nước Việt Nam có khoảng từ 240 ngàn bệnh nhân cho đến 250 ngàn bệnh nhân.” (“Số người Việt bị ung thư tăng cao”, Thời báo).
“Trong một nghiên cứu tại khu vực ASEAN được công bố năm 2011, Việt Nam là nước có tỉ lệ người tử vong vì ung thư dạ dày cao gấp 5 lần các nước trong khu vực, cao hơn hơn 4 - 5 lần so với Lào, Philipines, Thái Lan.” (“Ung thư tăng vì người Việt bị "đầu độc" hàng ngày” (tin 24giờ).
Một nỗi ám ảnh khác là chuyện tàu xe về quê ăn Tết.
Không phải ai cũng có tiền đề đi máy bay, với những người lao động nghèo đi làm ăn xa, Tết đến lại thu xếp về quê, thì các phương tiện phổ biến vẫn là xe lửa, xe đò. Cảnh nằm ngồi vạ vật, chen chúc để mua vé xe lửa, xe đò về quê năm nào cũng diễn ra. Nạn xe "dù" được dịp này là tung hoành, tha hồ chặt chém, nhồi nhét mọi người chật cứng trên xe, phóng ào ào trên đường…Rồi tai nạn lại xảy ra do phóng nhanh, do đường quá xấu…
Ngày Tết đi chơi cũng lắm chuyện bực mình. Từ các khu vui chơi, công viên, hội chợ… ở các tỉnh thành cho đến các thành phố, địa điểm du lịch như Đà Lạt, Vũng Tàu, Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc…rất ít khi du khách cảm thấy thật sự hài lòng, niềm vui trọn vẹn. Khi thì bị chặt chém, khi thì dịch vụ vừa kém vừa đắt, đông người, thức ăn bẩn, nạn chèo kéo, móc túi…Chỉ có dân giàu đến những khu resort, nhà hàng, khách sạn cao cấp thì mới tránh được những tình trạng này. Những năm sau này người Việt tầng lớp có tiền còn nhân dịp Tết đi chơi xa ở nước ngoài, chứ không mặn mà du lịch ở các nơi trong nước nữa.
Nhưng lại nhắc lại, đó chỉ là một thiểu số. Nhìn chung, đã đến thế kỷ XXI rồi mà số đông người Việt vẫn phải khổ cực, đến cái Tết là dịp lẽ ra phải thoải mái tinh thần thì cũng không thoải mái được.
Nhưng dân ta lại vẫn cứ thích Tết âm lịch. Mới đây rải rác có những ý kiến cho rằng có nên bỏ Tết ta, ăn Tết tây vừa tiết kiệm một năm khỏi tốn tiền cho 2 cái Tết, mà Tết ta lại dài quá, tốn kém quá, bây giờ đâu còn mấy quốc gia ở châu Á ăn Tết Âm lịch, người Nhật cũng bỏ từ lâu, chưa kể Tết ta thì cũng là Tết…của Tàu thôi v.v…Nhưng đã có nhiều người không đồng ý. Suy cho cùng, bản thân cái Tết Âm lịch chưa chắc đã có tội tình gì, những nỗi khổ khi Tết đến vừa kể trên là do xã hội của chúng ta, do chính chúng ta gây ra, chứ chả phải do Tết Âm lịch!
Bài bình luận gần đây