Trong hai năm trở lại đây, trên dải đất hình chữ S có tên Việt Nam này có những biến động đáng kể, sự biến động này cho thấy một cuộc cách mạng bắt đầu nhen nhóm, âm ỉ và có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào nếu thời cơ chín muồi. Từ Tiên Lãng đến Văn Giang, Đông Triều… Tất cả sự kiện đều cho thấy một dấu hiệu chung: Cách Mạng! Tạm gọi cuộc cách mạng này là Cách Mạng Nông Điền.
Điểm đặc biệt của cuộc Cách Mạng Nông Điền này nằm ở chỗ nó hàm chứa yếu tố đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền và ý hướng tiến bộ, có sự lồng ghép, đan xen của nhiều cuộc cách mạng trong một cuộc cách mạng. Sở dĩ có tính chất này vì một số điều kiện khá đặc biệt làm tiền đề, trong đó, đáng kể nhất phải nhắc đến: Tính độc tài của đảng Cộng sản Việt Nam; Yếu tố nghèo đói của đại bộ phận nhân dân; Sự ru ngủ quá lâu tinh thần dân tộc; Sự mập mờ trong nhận diện kẻ thù và; Sự thiếu vắng của tinh thần dân chủ nội tại.
Thực chất, đã có nhiều cuộc cách mạng mang những cái tên khác, hình hài khác xuất hiện và mau chóng bị dập tắt ở Việt Nam, những phong trào yêu nước tiến bộ đã và đang xuất hiện ngày một lớn mạnh, lan tỏa và hoạt động ở các phong trào, các tổ chức, đảng phái cũng nhằm mục tiêu đi đến cách mạng, giải thể độc tài, nâng cao dân chủ, tiến bộ. Nhưng rất tiếc, mọi hoạt động này đều gặp phải lực cản rất lớn từ nhà nước độc tài Cộng sản. Bởi sự xuất hiện của bất kì tổ chức, bất kì hoạt động có tính dân chủ nào cũng đều là kẻ thù của Cộng sản vì ý thức dân chủ là thứ thuốc độc mạnh nhất để giết chết cơ thể chính trị độc đảng, độc tài và độc trị.
Và để đảm bảo nền độc tài được duy trì lâu bền, nhà nước Cộng sản Việt Nam đã thực hiện chính sách ngu dân bằng con đường nhồi sọ chính trị trong học đường, giảng đường, nhồi nhét tính đồi trụy trong từng ngóc ngách xã hội, từ việc khuyến khích, miễn thuế cho người nấu rượu gạo dùng men Trung Quốc cho đến làm ngơ cho những tụ điểm ăn chơi sa đọa, vừa bắt vừa buông đối với gái điếm và tổ chức nhiều tụ điểm ăn chơi, nhậu nhẹt sau khi múa lửa lắc vòng với cái tên mỹ miều: Sinh hoạt đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, mọi hành trạng và chiến lược dân sinh của nhà nước Cộng sản Việt Nam đều nhắm đến ba mục tiêu: Giảm thiểu dân trí (vì có dân trí thì con người sẽ biết suy xét, suy tư về thân phận của mình và thân phận đất nước); Triệt tiêu dân khí (bằng cách tuyên truyền sự “ưu việt”, “dân chủ”, “tiến bộ” của đảng Cộng sản và sẵn sàng bắt bớ, đánh đập, đàn áp, ám hại, giết tróc bất kì người nào đặt ngược vấn đề, hoài nghi những gì Cộng sản đã tuyên truyền); Bóp nghẹt dân sinh (bằng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đầy nhập nhằng, rắc rối và cửa quyền, ưu tiên cho tập đoàn kinh tế nhà nước trong vấn đề vay vốn và lãi suất, trù dập những tập đoàn kinh tế tư nhân bằng mọi giá. Xa hơn một chút là thời kỳ kinh tế tập thể, hợp tác xã và tập trung theo chế độ tem phiếu, khiến cho con người muốn có cái ăn phải xếp hàng, chầu chực và quì lụy ông thuế vụ, bà lương thực đến độ hèn hạ, nhục nhã…), mọi hoạt động kinh tế của người dân đều phải phụ thuộc vào sự hài lòng của đảng Cộng sản, nếu lỡ miệng nói điều không hợp lòng đảng, bị chụp mũ chính trị thì xem như xong đời, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đều dành về tay đảng với danh nghĩa “tài sản toàn dân do nhà nước quản lý”, yêu cầu an cư của con người bị phụ thuộc vào nhà nước, đời sống bấp bênh, vô định.
Một khi ba mục tiêu này đã thực hiện, xem như đảng Cộng sản đã đứng giữa vòng đai an toàn, không có cuộc cách mạng nào có thể nảy nở, trưởng thành ở Việt Nam! Và, cũng chính yêu cầu bứt thiết bóp nghẹt dân sinh để đảm bảo độc tài lâu dài của đảng Cộng sản đã đưa dân tộc Việt Nam đến con đường nghèo đói, dân trí thấp kém, một bộ phận không nhỏ nhân dân thiên về hành xử thô bạo vô văn hóa, phi đạo dức và man rợ, man trá, khiến cho một bộ phận không nhỏ nhân dân trở thành những con cừu ngoan ngoãn và luôn sợ hãi cây gậy của chế độ, sống cầu an, mặc kệ, mang lại bầu không khí buồn ngủ, ngễnh ngãng, lơ mơ suốt mấy mươi năm trên đất nước, đẩy tinh thần dân tộc vào con được bị ru và tự ru, bạc nhược, đớn hèn.
Và xa hơn một chút, sự đánh tráo khái niệm, loa lấp và giấu nhẹm bộ mặt kẻ thù, không dám nêu đích danh kẻ thù của đất nước, dân tộc, bắt tay với kẻ thù, đi đêm với quân ngoại xâm, bịt mắt toàn dân và mị dân của đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy dân tộc vào con đường mù quán căm thù “giặc pháp”, “giặc Mỹ”, “ngụy quân, ngụy quyền”, trên thực tế, thù những “giặc” trên đây cũng là tuyên chiến với sự khai hóa, tuyên chiến với văn minh, tiến bộ và ném trái phá vào tinh thần anh em để duy trì lòng thù hận đồng bào, nồi da xáo thịt. Còn kẻ ngoại xâm, kẻ thù dai dẵng của dân tộc thì hoàn toàn không nhắc tới và được nhào nặng trở thành anh em của nhân dân, kẻ ban ơn cho Việt Nam… Mặc cho Trung Quốc xâm lăng biên giới, giết tróc đồng bào, phá hoại tài sản trong những năm 1979 và chiếm cứ biển đảo, tiếp tục lấn biên giới, giết con dân Việt Nam trong những năm gần đây cho đến bây giờ, nhà nước Cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng giữ luận điệu “bốn tốt, mười sáu chữ vàng” với chúng. Chính vì sự tuyên truyền lệch lạc của nhà nước mà đại bộ phận nhân dân vẫn xem Trung Quốc là bạn, không hề hay biết gì về nạn ngoại xâm, không nhận thức được đâu là kẻ thù, đâu là bạn.
Chính những thành tố bên trên đã đưa đến hệ quả là tinh thần dân chủ nội tại (yêu cầu bức thiết về dân chủ trong mỗi cá nhân) và tinh thần dân chủ ngoại giới (có được thông qua quan sát, tri kiến, cảm nhận, thụ đắc từ chung quanh mình) càng mất đi. Thế hệ sinh sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 trên toàn đất nước bị nhồi nhét một thứ giáo dục phi nhân tính, đậm đặc thù hận và thực dụng và mọi thông tin về nền dân chủ thế giới bị bịt kín. Nền dân chủ nội tại gần như thiếu vắng trên đất nước.
Hệ quả quá trình điều hành đất nước lâu dài của nhà độc tài Cộng sản là mọi cuộc cách mạng về dân chủ đều bị chết non khi đến Việt Nam vì nó không có môi trường sinh trưởng, hiểu trên mọi nghĩa! Trong chừng mực thế mạnh của kẻ độc tài thì đảng Cộng sản hoàn toàn thắng lợi trong chiến lược của họ. Nhưng, có một điều mà đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều không nhìn thấy hoặc có nhìn thấy nhưng cố tình bỏ lơ: Nhu cầu an cư, tâm lý sống cái nhà, chết cái mồ.
Khi mọi cuộc cách mạng tiến bộ tại Việt Nam bị chết non, thì phía sau cái chết đó, lại mọc lên một sự sống mãnh liệt khác với hình hài và tố chất vừa rất riêng lại vừa rất phổ quát: Cuộc Cách Mạng Nông Điền. Đứng trên góc độ người nông dân, họ vốn nghèo khổ, trải qua thời kì phong kiến đói khổ, trải qua thời kì Cộng sản bạo liệt, man trá, sức đề kháng của họ chỉ còn đủ để dùng trong việc kiếm cơm mỗi ngày mà tồn tại, sinh nhai và tiếp nối dòng dõi. Họ không mấy quan tâm về dân chủ, nhân quyền hay tiến bộ, họ thụ động trong vấn đề thời cuộc, lịch sử và họ không muốn nhắc đến. Nhưng, một khi mảnh đất mấy đời cha ông của họ đã dày công khai hoang, gầy dựng bị động chạm, bị cướp, thậm chí mảnh đất của họ đã bỏ công, bỏ của ra gầy dựng cũng bị cướp trắng, thì ý thức đấu tranh của họ sẽ bùng cháy bất kỳ giờ nào.
Trong tình trạng hiện tại, sau hàng loạt tham nhũng, vết nhơ, phá nát tài nguyên thiên nhiên, bùng nổ dân số… vấn đề nhà ở, đất ở trở nên nóng sốt. Và, không bỏ lỡ cơ hội bòn rút, cướp cạn này, đảng Cộng sản nhảy vào cuộc, thu hồi đất (mặc dù họ hoàn toàn không có cái quyền kì cục này!), giải tỏa, đền bù với giá rẻ mạt, biến những vùng đất sinh sống của nhân dân thành những núi tiền bỏ túi trong lĩnh vực địa ốc. Đây là sai lầm có hệ thống xuất phát từ lòng tham, tính xảo quyệt và vô cảm của Cộng sản, dẫn đến sự bất bình, phản kháng trong nhân dân. Sự bất bình và phản kháng này có tính hệ thống, đi từ cá nhân sang tập thể những người đồng cảnh ngộ, bắt nguồn từ phản kháng bản năng vì bị bứt bách, trù dập, đè ép đến sự phản kháng có tư duy, suy tư về thân phận của người nông dân trong chính bản thân đến nỗi thống khổ chung của người nông dân Việt Nam, sự bất an trong cộng đồng những người dân thấp cổ, bé miệng, có nguy cơ bị nhà nước cướp cạn bất kì giờ nào. Cuộc Cách Mạng Nông Điền có thể bùng nổ bất kì giờ nào trên toàn cõi Việt Nam.
Và, cuộc Cách Mạng Nông Điền sẽ là cuộc cách mạng có tính đan xen, cộng hưởng của nhiều thành phần tầng lớp trong nhân dân, trong đó có cả những trí thức, những nhà hoạt động dân chủ và nhiều trí thức trong các lĩnh vực khác. Nếu như mọi cuộc cách mạng về Dân Chủ, Đa Nguyên, Nhân Quyền… bị chết non tại Việt Nam thời Cộng sản thì Cách Mạng Nông Điền sẽ là nơi khế hợp của mọi cuộc cách mạng từ hình thức cho đến nội dung, từ hành động cho đến tư tưởng. Cuộc Cách Mạng Nông Điền, trên ý nghĩa lịch sử, đó là cuộc cách mạng tất yếu phản ánh hệ quả mấy mươi năm đàn áp của chế độ Cộng sản độc tài tại Việt Nam để đi đến một nền dân sinh mới cởi mở và tự do hơn có tên Dân Chủ. Vì, một khi độc tài chưa chết đi, một khi dân chủ chưa có trên đất nước, thì người dân sẽ chẳng bao giờ được an cư lạc nghiệp!
Bài bình luận
Muốn có cách mạng thực sự thì
Xay dung luc luong cach mang
Xay dung luc luong cach mang