Song Chi.
Chỉ trong vòng hơn 3 năm, một số người tôi quen đã phải bước chân vào tù ngục, chịu đựng những bản án nặng nề, phi lý, phi nhân sau những phiên tòa bôi bác như trò hề.
Trong số đó có luật sư Lê Công Định, người mà ngày mai 1 tháng Mười là sinh nhật lần thứ 44.
Lê Công Định bị bắt đã hơn 3 năm, (kể từ ngày 13 tháng 6 năm 2009).
Một ngày tù nghìn thu ở ngoài.
Tôi nhớ lại ấn tượng của mình về Định trong một vài lần hiếm hoi tiếp xúc, trò chuyện ở ngoài đời. Định có khuôn mặt sáng sủa, hiền lành, trí thức, đẹp trai. Phong cách lịch sự dễ mến, giọng nói nhỏ nhẹ từ tốn. Một người trí thức, thông minh. Còn bài viết của Định gửi đăng trên BBC hồi đó thì tôi đọc nhiều. Định viết tốt. Một con người phải nói là đang có trong tay hầu như tất cả những gì mà nhiều người khác mơ ước: một nền tảng học vấn vững vàng, đã từng giành được học bổng du học ở cả Pháp và Mỹ, (trong đó đi Mỹ là học bổng Fulbright danh giá), một sự nghiệp đang lên, thành đạt, vợ đẹp, cuộc sống thong dong về tiền bạc. Thế nhưng vì cái tâm với đất nước, con người ấy đã lên tiếng và rồi phải vào tù.
Tất cả sự nghiệp coi như mất hết. Hạnh phúc gia đình cũng mất.
Không phải ai cũng có đủ can đảm đánh đổi những gì mình đang có khi lên tiếng vì sự bất bình trước những bất công phi lý trong xã hội cho đến cái sai lầm của mô hình thể chế chính trị, của con đường mà cả dân tộc đang buộc phải đi theo dưới sự lãnh đạo của một đảng cầm quyền.
Nhất là khi người đó lại đang có quá nhiều thuận lợi trong cuộc sống như Lê Công Định.
Hay như người thanh niên trẻ Nguyễn Tiến Trung, với cái cười rất lạc quan hồi đó, tương lai cũng đang phơi phới.
Từ xưa đến nay luận điệu của nhà cầm quyền VN khi nói về những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ thường là “những kẻ bất tài, thất bại nên bất mãn với cuộc sống, với chế độ, quay sang chống đối…”. Câu nói đó không đúng với Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung cũng như với rất nhiều người khác. Từ ông Hoàng Minh Chính, tướng Trần Độ, nhà báo Bùi Tín, nhà văn Dương Thu Hương, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, doanh nhân Lê Thăng Long, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ v.v…
Khi Lê Công Định bị bắt, báo chí “lề phải” mới hôm nào còn rất ca ngợi trình độ, nhân cách của luật sư Lê Công Định, được lệnh, lại đồng loạt bôi nhọ Định và những người bạn vừa bị bắt xuống tận bùn đen. Như đã từng và sẽ còn bôi nhọ, bịa đặt đủ thứ điều xấu xa cho bất cứ ai trong những trường hợp tương tự.
Ở VN, một khi ai đó dám lên tiếng nói lên những sự thật mà nhà cầm quyền muốn che dấu hoặc những có những quan điểm bị nhà cầm quyền cho là đi ngược lại quan điểm của họ như ủng hộ đa đảng, đa nguyên, canh tân hệ thống luật pháp, chính trị của Việt Nam, ví dụ như Lê Công Định và những người bạn của mình, thì không chỉ phải vào tù với những bản án nặng nề mà coi như cả cuộc đời, sự nghiệp cũng chấm dứt. Bởi khi vừa bị bắt, nhà cầm quyền đã huy động báo chí truyền thông quốc doanh bôi đen luôn cả nhân cách, sự nghiệp của người đó. Cho dù sau khi ra tù, mãn hạn tù cộng với thi hành xong thời gian bị quản thúc, thì cũng khó làm việc, gầy dựng lại sự nghiệp ở VN.
Nói như vậy để thấy cái giá phải trả cho sự dấn thân, dám lên tiếng ở VN là vô cùng đắt. Lại càng đắt hơn trong sự đơn độc giữa một xã hội mà phần lớn người dân hoặc bị nhà nước nhồi sọ đến mức không biết rằng mình đang bị cướp mất những quyền tối thiểu gì và cuộc sống của dân mình so với dân các nước khác ra sao, hoặc không quan tâm đến chính trị, chỉ lo cho cuộc sống của mình và gia đình, hoặc sợ hãi, bạc nhược….
Những người bị bắt khác mà tôi quen biết còn có 3 blogger nổi tiếng Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, Anh Ba SG tức luật gia Phan Thanh Hải và Công Lý và Sự thật tức cựu công an, luật sư, nhà báo Tạ Phong Tần.
Cả 3 người đều là con em của chế độ này, không những thế, anh Nguyễn Văn Hải, người Bắc, từng là bộ đội, Phan Thanh Hải, cũng người Bắc, là con một gia đình cách mạng, Tạ Phong Tần từng là cựu công an.
Và họ cũng không phải là những người thất bại trong cuộc sống để phải bất mãn với chế độ. Anh Nguyễn Văn Hải sau nhiểu năm kinh doanh đã tạo dựng cho mình một cuộc sống có thể nói là không cần phải vất vả mưu sinh nữa, với 5 căn nhà-chia cho vợ cũ sau ly hôn 3 căn, giữ lại cho mình 2 căn, anh có thể sống nhẹ nhàng với thu nhập cho thuê nhà và theo đuổi sở thích nhiếp ảnh hoặc cà phê, bù khú với bạn bè. Phan Thanh Hải có một gia đình êm ấm, có công ty tư vấn luật riêng. Tạ Phong Tần nếu không vướng vào những chuyện như thế này thì cũng có thể thong dong mà sống vì một thân một mình, không có gì khó.
Với cả 3 con người này, cũng như rất nhiều người trước đó, nhà cầm quyền càng khó giải thích với thế giới vì sao ngày càng có những con người là con đẻ của chế độ, được học tập và lớn lên trong lớn lên trong môi trường của nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN”, lại “bất mãn với chế độ”.
Nhưng chính vì từng là người lính nên Nguyễn Văn Hải càng phẫn nộ khi thấy một phần thân thể của đất nước là thác Bản Giốc, hàng trăm kilomét dọc biên giới phía Bắc cũng như Hoàng Sa Trường Sa bị mất vào tay nước láng giềng, càng lo âu khi thấy âm mưu bành trướng của TQ ngày càng rõ rệt.
Là người có học luật, cũng như các luật sư khác từng bị sa vào vòng lao lý ở VN, Phan Thanh Hải khó mà chấp nhận được một cái xã hội không được xây dựng trên một nền tảng pháp quyền vững chắc và một nhà nước đứng cao hơn luật pháp, hành xử bất chấp luật pháp như nhà nước VN.
Từng là công an, Tạ Phong Tần hiểu rõ trong giới công an, có những kẻ lộng hành nhũng nhiễu tác oai tác quái với dân lành, coi thường luật pháp, chà đạp lên nhân quyền ra sao.
Và họ phải lên tiếng.
Những con người ấy khi bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa chắc cũng biết rằng không thể thoát khỏi sự trừng phạt của một nhà nước độc tài, chỉ quen bịt miệng nhân dân. Nhưng chắc cũng không thể ngờ bản án dành cho họ lại nặng nề đến thế. Cũng chỉ vì xui rủi gặp trúng thời điểm có những kẻ trong nội bộ lãnh đạo cao nhất ở VN muốn dùng bản án này để vừa làm vui lòng Trung Nam Hải, vừa để răn đe giới blogger nói riêng và tất cả những ai muốn lên tiếng nói chung!
Đó là chưa kể rất nhiều người khác mà tôi quen, tuy chưa phải vào tù dài hạn nhưng thường xuyên bị sách nhiễu, gây áp lực phải mất việc làm, bị mời ra quán café “nói chuyện” với công an hoặc mời lên đồn “làm việc”, bị giữ lại một vài ngày nếu đi biểu tình phản đối TQ, thậm chí những trò đê tiện hơn như bị gây tai nạn té ngã xe ngoài đường, bị đấu tố ở phường, bị ném chất bẩn, hôi thối vào nhà…
Sỡ dĩ nhà cầm quyền ngày càng dám áp dụng với những người dũng cảm đủ mọi thứ thủ đoạn xấu xa, từ những trò dấu mặt, sách nhiễu cho đến những bản án phi nhân bất chấp dư luận trong và ngoài nước là bởi vì người dân đã cho phép họ làm như thế. Bằng vào sự im lặng trước vận mệnh của đất nước, tương lai của dân tộc trong đó có tương lai của chính mình, con cháu mình, và trước sự bất công chụp lên đầu người khác.
Chỉ trong vòng 3 năm, khi TQ đã đi được những bước rất dài trong việc xâm phạm chủ quyền của VN trên biển Đông đồng thời bủa lưới bao vây buộc VN phải lệ thuộc về mọi mặt, thì ngược lại, nhà cầm quyền VN cũng đã đi những bước rất dài trên chặng đường tiếp tục nhu nhược với kẻ bành trướng và siết chặt bàn tay sắt với nhân dân.
Một ví dụ nhỏ, mới ngày nào, khi TQ vừa tuyên bố sẽ thành lập thành phố Tam Sa, người dân Sài Gòn, Hà Nội đã đổ xuống đường biểu tình và trước những động thái bất ngờ nhưng quyết liệt này, TQ buộc phải hoãn kế hoạch lại. Còn bây giờ thì TQ ngang nhiên tổ chức lễ thành lập thành phố Tam Sa, xây dựng cơ sở vật chất, hành chính cho thành phố Tam Sa v.v...
Nhưng bây giờ thì những người yêu nước đã bị nhà cầm quyền đàn áp đến nỗi khó mà thực hiện nổi những cuộc xuống đường dù vẫn chỉ với mục đích phản đối TQ (!), lòng yêu nước thì đã bị dội cho những gáo nước lạnh đến… nguội ngắt và những người đi đầu trong việc biểu tình hay lên tiếng về họa ngoại xâm thì bị giáng cho những bản án tù giam cộng với thời gian quản chế từ 15-17năm!
Câu hỏi đặt ra nhức nhối trong lòng mọi người VN còn thao thức với số phận đất nước, đó là 5-10 năm nữa TQ sẽ đi đến đâu, VN sẽ như thế nào, và bao nhiêu con người nữa vẫn phải tiếp tục vào tù?
Bài bình luận
Song Chi Yêu nước thương dân !
Viêt Nam không còn nửa
Song Chi,Nguoi tre co long voi dat nuoc