Kami
-
Quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước Việt nam và Trung quốc đang xấu đi rất nhanh, tuy vậy để có một thái độ dứt khoát mang tính đoạn tuyệt từ phía đảng CSVN đối với phía Trung quốc, như đã từng xảy ra hồi thập kỷ 70 của thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Lê Duẩn thì còn thua xa. Nhớ lại thời kỳ đó chủ trương bài Hoa được thể hiện rõ ràng và thực hiện triệt để và cương quyết, Hiến pháp Cộng hòa XHCN Việt nam đã ghi rõ Trung quốc là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm.
Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, phía Trung quốc đã bộc lộ âm mưu bành trướng của mình, với thủ thuật nói dối đúng lúc, nói dối nhiều lần với tham vọng bá quyền độc chiếm Biển Đông cùng với các hành động bán quân sự nhằm khiêu khích đối phương. Điều đó đã và đang tạo nên những diễn biến phức tạp trên Biển Đông về chủ quyền lãnh thổ các nước trong khu vực. Ngược lại trong vấn đề Biển Đông, về phía Việt nam cũng có thái độ lừng chừng, nhún nhường dường như để thể hiện chính sách ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, hòng để không mất lòng các cường quốc. Trong nhiều tuần qua, chính quyền Việt nam mặc dù đã cho báo chí, các tổ chức ban ngành cấp thấp đưa tin hoặc chỉ trích hành động xâm lược của phía Trung quốc, xong đó chỉ là các hành động mang tính lấy lệ.
Song điều đặc biệt là phía các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của đảng CSVN và chính quyền của họ không hề chính thức lên tiếng thể hiện lập trường trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Mà ngược lại họ còn thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung quốc của những người yêu nước ở các thành phố lớn như Hà nội, Sài gòn. Các hành động này bị coi nhằm lấy lòng Trung quốc, điều đó đã khiến cho dư luận người Việt trong và ngoài nước rất bức xúc, hoang mang, không hiểu chính quyền có lập trường ra sao và sẽ đối phó thế nào trước sự lấn tới quá mức từ phía Trung quốc? Đây cũng là hậu quả của việc thiếu sự minh bạch và công khai trong việc thông tin lập trường của chính quyền Việt nam cho người dân biết, hay khả năng chiến tranh cục bộ trên Biển Đông (xa hơn là cuộc chiến tranh trên bộ) điều mà đảng CSVN và chính quyền của họ lo lắng nhất là điều khó tránh khỏi. Vậy thái độ, đối sách hay cách tính toán của lãnh đạo chính quyền Việt nam là gì và tại sao lại như vậy?
Nếu so sánh tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thời gian hiện nay với những năm sau 1975, đặc biệt là những năm trước cuộc chiến tranh Biên giới với Trung quốc. Thì thấy rõ đảng CSVN và chính quyền của họ đang ở tình thế cực kỳ nguy hiểm, và sự tồn vong của họ đang hết sức bấp bênh. Nếu xảy ra một cuộc chiến tranh với Trung quốc vào thời điểm hiện tại thì cái gì cũng có khả năng xảy ra, kể cả là sự sụp đổ của chính quyền hiện tại. Đó chính là lý do giải thích vì sao các lãnh đạo nhà nước Việt nam đang cố tình chơi bài ù lì, không biết, không nói vì không rõ (!?) Từ các nguồn thông tin trong nội bộ đảng CSVN cho thấy có những điều thuộc về tuyệt mật, họ không thể hoặc không thể công bố rộng rãi được.
Cung Hữu nghị Việt - Trung, công trình "thước đo" phản ảnh mối quan hệ Việt - Trung bị bỏ bẵng, bỗng những ngày này đang được gấp rút đổ thêm đất nền
Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy các phát biểu của các lãnh đạo chính quyền phần nào cũng bọc lộ quan điểm của đảng. Ví dụ như ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch trong cuộc họp ngày 7-8-2012 đại diện của 42 nhân sĩ yêu nước với lãnh đạo UBND TP HCM, cho rằng "Về việc chống Trung Quốc, Đảng đã làm được nhiều việc trên các mặt quân sự, ngoại giao. Quan điểm của Đảng là mềm dẻo nhưng kiên quyết. Phải giữ ổn định để bảo vệ thành quả bao năm nay và để phát triển. Phải mạnh để bảo vệ tổ quốc tốt hơn". Hay mới nhất, trên báo GDVN ngày 17.8.2012, có bài viết với tựa đề "Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, Việt Nam chúng ta vẫn phải tỏ thiện chí" nói về cuộc trao đổi giữa ông Phạm Nguyên Long - nguyên là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á - Viện Khoa học xã hội Việt Nam với phóng viên, đã kiến cho không ít bạn đọc bất ngờ. Qua những dẫn chứng kể trên đã phần nào phản ảnh một thông tin đang lưu truyền trong thành phần các cán bộ chủ chốt cấp Bộ, ngành, tỉnh và thành phố do trung ương quản lý, từ đầu tháng 6 năm 2012 đến nay. Đó là văn bản đánh giá, phân tích chi tiết tình hình kinh tế, chính trị xã hội giai đoạn hiện tại - Các giải pháp xử lý và đối phó trước tình hình mới trong thời gian trước mắt. Điểm đáng chú ý là văn bản này đã hé lộ việc đảng CSVN và chính quyền của họ rất lo ngại nếu chiến tranh với Trung quốc xảy ra. Đồng thời nội dung của văn bản cũng khẳng định bằng mọi giá sẽ phải kiềm chế, không được để xảy ra đụng độ. Theo văn bản này thì bối cảnh và hậu quả của một cuộc chiến tranh với Trung quốc vào thời điểm hiện nay là hết sức bất lợi và nguy hiểm. Cụ thể:
Đánh giá, phân tích chi tiết tình hình kinh tế, chính trị xã hội giai đoạn hiện tại
1. Trong vòng gần 30 năm đổi mới, tình hình chính trị, xã hội và kinh tế có những diễn biến hết sức phức tạp. Sự ủng hộ của quần chúng nhân dân đối với đảng và chính quyền đã thấp tới mức kỷ lục chưa từng có, khoảng trên 60% (theo số liệu thống kê chính thức của nhà nước). Đặc biệt trong số không ủng hộ đảng có một bộ phận không nhỏ các cán bộ, đảng viên, các thành phần có công với cách mạng... và các Tôn giáo. Cộng với sự thiếu dân chủ, mất đoàn kết, bè phái trong nội bộ lãnh đạo đảng và chính quyền vô cùng trầm trọng. Làm ảnh hưởng tới sự đồng thuận trong đảng và trong dân trong việc xây dựng một khối đoàn kết dân tộc nhằm bảo vệ thành quả cách mạng. Với các yếu tố đó thì khả năng sẽ xảy ra biến loạn cao, có thể dẫn tới khả năng chia cắt đất nước khi có xung đột với Trung quốc trên biển, trên bộ.
2. Thời điểm hiện tại hội tụ đầy đủ các yếu tố cho một cuộc nội chiến và nhanh chóng trở thành hiện thực nếu như có sự can thiệp, giúp đỡ, ủng hộ của các nước láng giềng hoặc các quốc gia khác. Đã và đang có những biểu hiện, những hành động cụ thể rất ráo riết, đặc biệt là ở khu vực phía Nam hiện nay. Đặc biệt đã và đang có các biểu hiện của một trào lưu trong giới lao động tự do, đó là một làn sóng muốn xù nợ, bỏ chạy theo kiểu thuyền nhân hay tham gia, ủng hộ sự biến loạn với hy vọng có sự thay đổi chính thể.
3. Do việc lơi lỏng trong việc quản lý mạng thông tin internet, còn nhiều thiếu sót, sơ hở. Cộng với ảnh hưởng tâm lý của cuộc chiến tranh Bắc - Nam (1954 - 1975) còn sót lại vẫn còn in đậm trong một bộ phận lớn dân chúng phía Nam, chưa có biểu hiện giảm bớt mà ngày càng gia tăng. Điều này sẽ là thùng thuốc súng chờ khi có ngòi nổ và bị kích hoạt sẽ lập tức nổ tung. Đặc biệt là mầm mống là sự liên kết giữa thành phần trí thức cấp tiến, lực lượng dân oan mất đất ở nông thôn, cộng với các phần tử bất mãn, chống chế độ kể cả trong nước và nước ngoài. Bởi trong lịch sử dân tộc, mỗi khi có biến hoặc chiến tranh thì các phần tử chống đối chính quyền sẽ lập tức nổi lên và liên kết với nước ngoài, chấp nhận làm tay sai cho ngoại bang hòng giành quyền lực.
(Văn bản kể trên còn nhắc đến, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã cho thấy những thời kỳ các thế lực thù địch chống phá Việt Nam bao giờ cũng kết hợp đánh cả bên trong lẫn bên ngoài, thực hiện nội công, ngoại kích, mua chuộc nhiều tên chống lại dân tộc. Như Kiều Công Tiễn liên kết với quân Nam Hán (năm 938). Trần Thiêm Bình liên kết với quân Minh (năm 1406). Lê Chiêu Thống dẫn đường cho quân Thanh xâm lược (năm 1789) v.v …)
4. Vẫn còn nguy cơ phục thù từ một số quốc gia khác là sự thật, nguy cơ chia cắt đất nước sẽ chịu tác động của yếu tố này cộng với tư tưởng cát cứ, không phục tùng trung ương của một số lãnh đạo địa phương. Hiện tại, với số lượng gần 200 ngàn người Trung quốc ở Campuchia, và số tương đương ở Lào là một hiểm họa rất lớn ở biên giới phía tây, cả trên bộ và trên biển. Đó là chưa kể đến một số lao động tự do người Trung quốc đang làm việc ở Việt nam không có khả năng rà và kiểm soát hết.
5. Trong trường hợp nếu để xảy ra nội chiến giữa các phe phái ở Việt nam, đặc biệt là sự có mặt của phe dân chủ mang màu sắc Tư bản Chủ nghĩa, việc Trung quốc can thiệp bằng quân sự dưới chiêu bài bảo về thành quả Xã hội Chủ nghĩa (theo yêu cầu của một số phần tử cơ hội trong đảng) là có nguy cơ cao. Và phải chuẩn bị đối phó phía Trung quốc dùng kế "Tiện tay dắt bò - mượn đường diệt Quắc" tận dụng cơ hội này để cướp quyền lãnh đạo đối với đảng CSVN
Các giải pháp xử lý và đối phó trước tình hình mới trong thời gian trước mắt
a. Lấy sự ổn định về chính trị làm trọng tâm, để bảo vệ thành quả cách mạng của đảng, của nhân dân và để bảo vệ sự bình an của tổ quốc, giữ vững sự an toàn của chế độ. Bằng mọi cách phải vô hiệu hóa và bớt lửa để giảm sự cuồng nhiệt của các phần tử chống đối, đồng thời sẵn sàng triệt tiêu mầm mống bạo loạn. Đặc biệt là các tỉnh phía Nam mà trọng điểm là Sài gòn.
b. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các lực lượng vũ trang, nắm vững trách nhiệm trong tình hình mới, trung thành tuyệt đối với đảng trong bất kỳ tình huống nào. Chống sự lệch lạc và diễn biến xấu về tư tưởng, để cho các thế lực thù địch lợi dụng và kích động. Một mặt gấp rút kiện toàn, hoàn thiện lực lượng, thiết bị quân sự mới, để có đủ điều kiện bảo vệ và phòng thủ đất nước. Giữ vững sự ổn định của chế độ.
b. Tăng cường quản lý chặt chẽ đường biên giới phía tây, kể cả trên bộ và trên biển giáp với Lào, Campuchia. Chú ý theo dõi, giám sát kỹ một số chủ tịch cấp tỉnh, huyện ở một số địa phương vùng giáp biên giới và kẻ cả một số cán bộ cao cấp ở trung ương, để phòng và chống sự mua chuộc lôi kéo của Trung quốc.
c. Đối với nhóm các trí thức khoác áo cấp tiến kích động gây rối, cộng với các phần tử bất mãn sẽ phân cấp sâu cho dân phòng ở các cấp phường, quận xử lí thẳng tay, miễn không gây chết người tại chỗ là được.
d. Trong thời gian hiện tại, kiên quyết xử lý triệt để các hiện tượng tụ tập đông người trái phép nhằm gây rối trật tự công cộng, tiến tới gây bất ổn trật tự và an toàn xã hội. Đặc biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các cá nhân lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin nhằm gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội.
e. Tăng cường thắt chặt và nâng cao tầm quan hệ quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước Việt nam - Trung quốc lên một tầm cao mới và không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết thủy chung, tin cậy lẫn nhau và hợp tác toàn diện, mọi mặt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
V.v... và v.v...
Tóm lại trong lúc này hơn lúc nào hết đảng CSVN và chính quyền của họ rất lo sợ có chiến tranh với Trung quốc xảy ra, đằng sau đó là hàng loạt vấn đề hệ lụy đầy nguy hiểm ảnh hưởng tới sự sống còn của họ. Trong hơn 67 năm lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, một lần nữa đảng CSVN và chính quyền của họ đang đứng trước một tình thế mang nhiều thử thách trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... Tình trạng tham nhũng tràn lan, công khai, có tổ chức của cán bộ lãnh đạo dưới danh nghĩa của các nhóm lợi ích khong có chiều hướng suy giảm mà ngày một tăng cao. Khoảng cách phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm người ngày càng cao, giá cả leo thang, lạm phát phi mã là ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động chân chính. Cộng với hiểm họa thù trong, giặc ngoài, tình trạng mất đoàn kết trong đảng là hết sức trầm trọng, lòng dân không yên, không theo và không ủng hộ chính quyền như trước. Về thời là như vậy.
Về thiên, hiện tượng bầu trời như bị rạch đôi bằng một bên mây đen cuồn cuộn và một bên màu trắng, trong cơn bão chiều 17.8.2012 trên hồ Tây, Hà Nội trong bão Kai-tak. Hay như vụ sụt lún, xẻ đôi đường Lê Văn Lương sáng ngày 19.8.2012, ngày kỷ niệm Cách mạng thang tám, thuộc địa phận La Khê (Hà Đông - Hà Nội... là những điềm chẳng lành. Phải chăng đây là dấu hiệu xấu, là điềm gở cho đảng Cộng sản Việt nam và chính quyền của họ trong thời vận này? Điều này cũng có thể liên quan đến nhận định của báo quân đội Nhân dân ngày 19.8.2012 cho rằng "Khó khăn, thách thức càng lớn, càng phải kiên định". Còn về nhân thì không hòa như đã phân tích ở trên
Vạn vật của vũ trụ tuân theo quy luật "Cùng tắc biến, biến tắc thông", đó là theo nguyên lý âm dương. Có nghĩa là tận cùng của dương là âm, tận cùng của âm là dương. Điều đó có nghĩa mọi cái đến tột cùng sẽ tất phải biến, sẽ tất phải suy và khi suy sẽ tự xuất hiện lối thoát. Đây là câu trả lời lý do vì sao lãnh đạo Việt nam đang giữ thái độ ù lì như hiện nay. Phải chăng đó là cách xử lý hợp lý nhất trong một không gian đầy biến động, thì cách ngồi yên hay giữ im lặng là vàng đôi khi lại là giải pháp hợp lý.
Biết được tình thế hiện nay của đất nước và hiểu được cách phản ứng, xử lý của ban lãnh đạo đảng CSVN là như vậy, cũng là biết yếu điểm của họ. Thiết nghĩ cũng có nhiều điều bổ ích cho mọi người. Nhất là những người mong muốn sự thay đổi toàn diện về chính trị, họ sẽ biết mình cần phải làm gì cho phù hợp khi chiến tranh Việt nam - Trung quốc lúc xảy ra.
Ngày 20 tháng 8 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận
im lang la chap nhan cai
Trung Hoa -Việt Nam đời đời bất diệt
anti Kami
Tẩy não
Trích dẫn: "d. Trong thời