Kami
-
Ngày 28.6.2012, trên trang mạng Diplomat có bài viết "Tại sao Trung Quốc không thể chọn lãnh đạo giỏi" (Why China Can’t Pick Good Leaders) của tác giả Minxin Pei. Đại ý tác giả Minxin Pei cho rằng, dưới mắt của giới ưu tú phương Tây thì doanh nhân và chính trị gia đều như nhau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực tế đồng nghĩa với “thông minh, có khả năng [lãnh đạo], năng động, quyết định, và hướng tới tương lai”.
Nhưng trên thực tế cho thấy rằng, thay vì chứng minh những thành tựu đã đạt được, sự đỡ đầu cá nhân và sức mạnh phe phái thì quan trọng hơn nhiều trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo hàng đầu, so với các yếu tố khách quan như lý lịch điều hành công việc. Cho dù tác giả Minxin Pei thừa nhận rằng so với những nhà lãnh đạo cách mạng tiền nhiệm ở Trung Quốc, thế hệ các nhà lãnh đạo hiện tại rõ ràng là được giáo dục tốt hơn, trẻ hơn, văn hóa tinh tế hơn.
Đánh giá của tác giả Minxin Pei không chỉ đúng với thực tế của Trung quốc, Việt nam hay những quốc gia cựu cộng sản. Mà điều này còn đúng với các quốc gia theo bất kể chế độ chính trị nào, kể cả các quốc gia theo chế độ tự do dân chủ, khi mà quyền lựa chọn các nhà lãnh đạo trên danh nghĩa thuộc về sự lựa chọn của nhân dân thì cũng không kém. Bởi ngay trong nội bộ đảng cầm quyền hay liên minh các đảng cầm quyền thì việc đề cử các vị trí lãnh đạo dù ở bất kỳ cương vị nào thì cũng phải dựa vào ảnh hưởng chính trị có được của nhân vật đó và sức mạnh phe phái trong nội bộ đảng cầm quyền hay liên minh các đảng cầm quyền. Như trường hợp Tổng thống thứ 43 của Hoa kỳ George W. Bush là con trai của tổng thống Hoa Kỳ thứ 41 George H. W. Bush, người được thừa hưởng ảnh hưởng chính trị có được của cha vag gia tộc Bush. Hay trường hợp người em rể của cựu Thủ tướng Thái lan Thackshin Sinawatra là ông Somchai Wongsawat – Quyền Thủ tướng và bà Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra vốn là em gái út, mà cuộc đời bà trước đó chưa một giờ tham gia hoạt động chính trị.
Điều đó cho thấy cho dù họ được lựa chọn như thế nào không quan trọng bằng vấn đề tố chất vốn có của họ đã và đang có, mà chuyện trứng Rồng lại nở ra Rồng là một thực tế tốt khó phản bác được. Tóm lại vấn đề là ở người (lãnh đạo) đó có hội đủ được các yêu cầu cần và đủ mà người lãnh đạo cần phải có hay không? Nhưng tối thiểu nhất bản thân người lãnh đạo trước hết phải là người tốt đúng nghĩa của nó ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Điều đáng lưu ý là, làm người tốt đã khó, nhưng nếu người lãnh đạo thiếu sự giáo dục thì là ai cũng khó mà nên người. Do đó làm người lãnh đạo tốt cũng vậy, nó cũng đòi hỏi yêu cầu về giáo dục sẽ còn cao hơn rất nhiều so với người bình thường.
Ở Việt nam hiện nay, thế hệ những người lãnh đạo hiện tại thật quá kém cỏi với những nhà lãnh đạo trước kia, kể cả cộng sản hay cộng hòa cũng thế. Những nhà cách mạng cộng sản tiền nhiệm thế hệ đầu như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng … , so với họ thế hệ các nhà lãnh đạo hiện tại thì rõ ràng thế hệ đầu là được giáo dục tốt hơn và có bản lĩnh, phẩm chất chính trị và trách nhiệm với đất nước, dân tộc hơn hẳn. Hoặc tương tự những nhà lãnh đạo cộng hòa như các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Văn Hương… thì thế hệ lãnh đạo sau này của họ khi còn nắm quyền lãnh đạo Việt nam cộng hòa và hiện tại hoạt động chính trị ở Hải ngoại tuy được đào tạo học hành nhưng họ thiếu vấn đề tố chất cần phải có của người lãnh đạo. Ví dụ như gần đây có một chính trị “da” ở hải ngoại, khi bình luận về vấn đề xung quanh sự đối đầu giữa Việt nam và Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền trên Biên Đông cho rằng “Cứ để cho Tàu Cộng và Việt Cộng đánh nhau, bom nguyên tử cũng được, chết hết người trong nước cũng ok,mấy triệu đồng bào hải ngoại sẽ về nhân giống lại dòng dõi Lạc Hồng”???”. Những tư duy mang tính sống chết mặc bay như thế thì làm sao mà đủ tư cách để làm người lãnh đạo được, cho dù là ở cương vị cấp lãnh đạo thấp nhất.
Ngoài việc phải là một công dân tốt đúng nghĩa, thì sau đây là 4 tiêu chuẩn người lãnh đạo ở mọi cấp cần phải có, đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với những người lãnh đạo ở mọi cấp, từ cấp cao đến cấp thấp. Một khi ai đó đã là người lãnh đạo thì trước hết phải có đạo đức tốt và khả năng trình độ cần thiết phải có để đảm trách công việc được giao. Nhưng quan trọng nhất trước hết là biết mong muốn mang lại lợi ích và hạnh phúc cho nhân dân, cho đất nước cho dân tộc, chứ không phải cho riêng cá nhân mình, khi đã đảm trách chức vụ lãnh đạo thì đừng bao giờ nghĩ rằng nhân dân phải mang lại những quyền lợi gì cho mình. Có như vậy thì mới hy vọng được sự phát triển và phồn vinh của đất nước, còn ngược lại thì đất nước sẽ chỉ có thụt lùi không có cơ hội phát triển. Nhưng quan trọng hơn ở những đất nước có bộ máy cán bộ lãnh đạo vô đạo đức cộng với thiếu kiến thức và trình độ sẽ đưa tới hậu quả vô cùng xấu, kinh tế chậm phát triển và đặc biệt đạo đức xã hội sẽ ngày một suy thoại nghiêm trọng.
1. Có trách nhiệm trong công việc:
Người lãnh đạo luôn phải biết nghĩ và đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết, sẵn sàng và luôn có trách nhiệm, chịu khó, nhiệt tình trong công việc của mình trong bất kỳ tình huống nào. Phải là người luôn có ý thức vươn lên và cầu tiến trong công việc, dám đối diện với các khó khăn và trở ngại trong công việc, cho dù ở bất kỳ cương vị nào, cao hay thấp. Vì lẽ thường, khi con người ta sinh ra, thì dẫu là người bình thường hay cán bộ lãnh đạo thì sự cần cù, chịu khó trong công việc luôn luôn chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mỗi người. Bất kể ai cũng vậy, khi đã có sự cần cù và chịu khó thì danh lợi hay tiền bạc sẽ nghiễm nhiên mà có, tự nó sẽ tìm đến. Và ngược lại đối với những kẻ lười biếng thì dẫu đang có danh lợi hay tiền bạc rồi cũng sẽ hết.
Đồng thời, người lãnh đạo ở mọi cấp phải xác định mình phải biết chấp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân mình ở cương vị của mình được đảm trách cho người khác, chứ không phải để lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình hy sinh quyền lợi của đại đa số quần chúng để trục lợi cho bản thân, gia đình và phe cánh của mình hoặc làm những việc vượt quá trách nhiệm cho phép. Trong trường hợp đó thì sự cần cù, chịu khó của người lãnh đạo sẽ trở thành việc làm có hại cho xã hội. Trong bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia nào cũng vậy, nếu đa phần những người đảm trách chức vụ lãnh đạo lại quá nhiệt tình trong công việc ngoài chức trách của mình, với mục đích trục lợi thì doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia đó khó mà phát triển được. Đồng thời việc cần cù chịu khó và chăm chỉ của người lãnh đạo phải được duy trì một cách liên tục, thường xuyên không ngừng nghỉ và không mệt mỏi. Thế hệ nối tiếp thế hệ, chứ không phải kiểu một phút chói lòa rồi phụt tắt, vì như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề một cách triệt để.
2. Không được chủ quan:
Trong mọi công việc, người lãnh đạo đừng chủ quan, xem nhẹ và đừng coi thường những việc cho là nhỏ, bởi việc lớn cũng từ những việc nhỏ mà ra, kể cả việc tốt hay không tốt cũng vậy. Vì thói chủ quan, coi thường những việc nhỏ sẽ tạo cho người lãnh đạo một thói xấu, đó là coi thường vấn đề bức xúc hay sự thiệt thòi của những người trong phạm vi trách nhiệm của mình đang đảm trách. Cần phải coi vấn đề bức xúc hay sự thiệt thòi của những người trong phạm vi trách nhiệm của mình là vấn đề lớn nhất, lớn hơn cả sự bức xúc hay hay sự thiệt thòi của cá nhân mình. Để rồi từ đó tìm ra những biện pháp giải quyết thỏa đáng và phù hợp, đừng quên, nhiều việc nhỏ sẽ tích tụ tạo thành vấn đề lớn vượt qua khả năng kiêm soát của cá nhân mình. Đồng thời cũng có nghĩa là đã là người lãnh đạo thì đừng nghĩ bao giờ có tư tưởng nghĩ đến những việc nhỏ nhen, đặc biệt những việc làm hòng trục lợi cho cá nhân mình.
Người lãnh đạo nên cảnh giác những việc mà coi là nhỏ, vì trong vị trí và môi trường công việc của họ sẽ có nhiều cám dỗ vật chất tự nó sinh ra, tự nó tìm đến mà họ không phải mất công tìm kiếm. Nếu cứ coi những cái đó là nhỏ nhặt để rồi chặc lưỡi, thì sẽ là tự họ đã gây nên mầm tai họa, vì sự tham lam nghĩ đó là chuyện vạch vãnh sẽ là cha đẻ của thói tham nhũng và trục lợi. Bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia nào mà không có hoặc có rất ít những người lãnh đạo không coi thường những việc nhỏ và không để ý những cái nhỏ nhen thì ắt rằng, doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia đó tiến tới sự thịnh vượng và bền vững không mấy khó khăn.
3. Có kiến thức:
Kiến thức và sự hiểu biết là vấn đề không thể thiếu đối với những người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, nhưng những kiến thức và hiểu biết này phải là những hiểu biết và kiến thức đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của nhân loại chứ không là những kiến thức và hiểu biết mang tính bưng bít và ngu dân. Đặc biệt là nhằm phục vụ cho lợi ích của một nhóm nhỏ cai trị. Người lãnh đạo có kiến thức và hiểu biết để phục vụ cho việc phát triển doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia của mình đảm trách chưa đủ mà còn cần phải có kiến thức và hiểu biết để phòng tránh những vấn đề phát sinh từ bên trong hay bên ngoài trong quá trình phát triển. Cần phải hiểu sự phát triển là yếu tố quan trọng của sự thịnh vượng, giàu có, hiểu được điều đó cộng với các biện pháp phòng tránh những vấn đề bất ổn định. Nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề người lãnh đạo phải tự giác chấp hành luật pháp theo tiêu chí mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, đây là phương tiện phòng tránh và đảm bảo sự ổn định và bền vững doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia của mình.
Ngoài ra người lãnh đạo còn phải biết giữ tài sản và tiền bạc của doanh nghiệp, tổ chức hay quốc gia của mình đảm trách, biết giữ là ý thức trái ngược với việc lãng phí, vứt tiền qua cửa sổ hòng tạo cơ hội để trục lợi cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích của mình. Đó là sự hiểu biết cần thiết cho ý thức phòng và chống sự thoái hóa, biến chất đạo đức. Không có ai mong muốn hay tự mình thoái hóa, biến chất đạo đức, mà sự tha hóa tự nó hình thành và phát triển ngay trong mỗi cá nhân. Biết phòng, biết chống sự suy thoái về đạo đức vẫn chưa đủ mà còn phải có hiểu biết về cách xử lý và giải quyết vấn đề được và mất. Ai được và ai mất là vấn đề phát sinh từ lòng tham của con người từ xưa đến nay và trở thành bản năng, ai cũng muốn được mà không ai muốn chịu mất. Điều mà hầu như không bao giờ có. Người lãnh đạo phải có kiến thức và sự hiểu biết để so sánh sự lợi hay hại trong vấn đề được hay mất để quyết định, nếu mất ít mà có lợi nhiều thì vẫn phải chịu mất. Ví dụ như người nông dân phải bỏ vốn để mua thóc giống cho việc trồng lúa là việc mất cần phải mất. Mất để cho việc thu hoạch trong vụ mùa tới. Ngược lại người lãnh đạo chấp nhận để mất của nhiều người, mất nhiều của người khác để có lợi cho cá nhân, gia đình hay nhóm lợi ích của mình là điều không thể chấp nhận được, việc này phải hết sức thận trọng và đòi hỏi đạo đức của người lãnh đạo.
4. Biết sắp xếp và giải quyết công việc cho hiệu quả:
Người lãnh đạo có kiến thức và sự hiểu biết nhưng chưa đủ, mà còn phải biết sử dụng các kiến thức và hiểu biết đó trở thành các chủ trương thích hợp, phù hợp và biến các chủ trương đó trở thành thực tiễn thông qua việc chỉ đạo điều hành. Có nghĩa là phải vừa biết nghĩ vừa biết làm, không phải là dạng người chỉ giỏi nói mồm nhưng khi bắt tay vào làm thì không làm được, điều đó chỉ được có ở kẻ tham mưu, giúp việc. Nhưng nếu người lãnh đạo như vậy thì công việc sẽ không thu được hiệu quả như mong muốn, mà cần phải vừa nói vừa làm, bởi có như vậy thì người dưới quyền họ mới tâm phục, khẩu phục. Đồng thời phải xác định việc nói đi đôi với việc làm là thể hiện đạo đức của người lãnh đạo, không phải dạng “nói như rồng leo, làm như mèo mửa” hay “nói một đằng làm một nẻo”, vì như vậy là sự lừa dối, là vô đạo đức.
Không chỉ biết đề ra chủ trương, biết tổ chức điều hành mà một yếu tố cần thiết của người lãnh đạo là phải quả cảm, dám làm đồng thời dám chịu trách nhiệm, không tránh né công việc. Bởi những kẻ tránh né công việc thường là những kẻ tránh né việc học hỏi và củng cố tri thức cần phải có cho bản thân mình trong việc lãnh đạo, đó thường là những kẻ ngu dốt. Người lãnh đạo có khả năng bắt tay vào làm được các công việc cụ thể là thể hiện trình độ và năng lực của bản thân họ, còn người lãnh đạo biết đề ra các chủ trương đúng đắn thích hợp, thực hiện tổ chức điều hành chính là thể hiện uy lực của họ đối với thuộc cấp trong phạm vi hẹp hay đối với đông đảo quần chúng nhân đân trọng phạm vi rộng trên toàn xã hội.
Tuy nhiên đối với mọi người trong xã hội cũng cần tránh tư tưởng cầu tòan, có sự đòi hỏi quá mức ở người lãnh đạo vốn có. Chúng ta phải chấp nhận những yếu điểm, những tồn tại của họ trên cơ sở đó để chỉ ra giúp cho họ thấy các nhược điểm, tồn tại cần phải khắc phục, tránh tình trạng thiếu công bằng. Ví như một cái cây thì cũng có cành cong, cánh thẳng, có chạc cây, đừng thấy cái cành cong thì đòi hỏi phải thẳng hoặc thấy cành thẳng thì lại đòi hỏi phải cong. Bởi làm như vậy sẽ làm nhụt chí của người lãnh đạo trong công việc của họ.
Kết:
Người ta thường nói “Làm người khó lắm” quả không sai, có bao giờ bạn tự hỏi tại sao con người sinh ra dù sống trong cùng môi trường và hoàn cảnh tuy có khác nhau nhưng lại có người tốt, kẻ xấu? Không phải những ai sinh ra và được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh tốt, vật chất đầy đủ đã là người tốt hoàn toàn. Ngược lại, không phải những ai sinh ra và được nuôi dưỡng trong hoàn cảnh không tốt, vật chất thiếu thốn đã hoàn toàn là người xấu. Vấn đề quan trọng nhất quyết định để cho mỗi người trở thành người tốt hay kẻ xấu đều phụ thuộc vào vấn đề giáo dục của xã hội và gia đình trong quá khứ. Một xã hội để sự xấu xa và giả dối lên ngôi thì không bao giờ hy vọng có những người lãnh đạo tốt và ngược lại.
Có người nói rằng làm lãnh đạo không khó, kể cả làm lãnh đạo một quốc gia. Có người còn quá dễ dãi khi cho rằng, ở Việt nam có ông y tá không học hành gì mà còn làm Thủ tướng 02 nhiệm kỳ, đồng thời là một trong tứ trụ triều đình được, thì tự bản thân họ cũng làm lãnh đạo quốc gia được. Tiếc rằng họ không chịu nghĩ cái ông y tướng kia làm lãnh đạo để rồi hậu quả ra sao? Khi mà quốc gia dưới sự dẫn dắt của ông ta, đạo đức xã hội băng hoại, xã hội không luật pháp hoặc có cũng như không. Kinh tế thì suy thoái, lạm phát triền miên, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt. Trong khi các quả đấm thép làm thất thoát tài sản quốc gia hàng trăm nghìn tỷ đồng, thất thoát một triệu tỷ v.v… thì ông Thủ tướng lại trjc lợi qua sự thất thoát đó. Làm lãnh đạo như thế thì đất nước sẽ chỉ có thụt lùi không có cơ hội phát triển, chứ đừng hy vọng được sự phát triển và phồn vinh của đất nước.
Không phải bất cứ ai tham gia hoạt động chính trị đều nuôi hy vọng khi đoạt được quyền lực họ sẽ có một xuất (ghế) lãnh đạo, nhưng thực tế số có suy nghĩ như thế này là số không nhỏ. Mà những người này phần lớn không xác định được cho mình các yếu tố và điều kiện cần và đủ cho một người lãnh đạo cần phải có để tự làm tấm gương để tự soi mình. Điều đó sẽ có hậu quả không tốt cho bản thân họ hay tổ chức, doanh nghiệp (ở mức thấp) hay lãnh đạo quốc gia (ở mức cao) mà họ sẽ trở thành lãnh đạo trong tương lai.
Ngày 03 tháng 7 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây