You are here

Aung San Suu Kyi và ASEAN

Đào Trung Đạo, RFA
Từ hơn nửa năm nay có lẽ gương mặt chính trị được thế giới chú ý nhiều nhất là bà Aung San Suu Kyi. Sự chú ý kèm theo sự ngưỡng mộ dành cho bà trên chính trường thế giới làm nhạt đi hình ảnh của nhiều gương mặt lãnh đạo chính trị khác, nhất là của Á châu.
Thông tin báo chí thế giới – nhất là thông tin báo chí Mỹ-Âu - hướng ống kính về bà và quê hương của bà là nước Myanmar/Burma/Miến Điện từ khi bà được chính quyền quân phiệt chấm dứt tình trạng giam giữ tại gia kế đó là việc bà tham dự cuộc bầu cử bổ túc thành phần Quốc hội Miến cùng với những thành viên khác của Liên đoàn Quốc gia Dân chủ của bà. Kết quả bầu cử không cần tiên liệu: Aung San Suu Kyi đã đắc cử với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối của cử tri, và  những ứng viên khác của Liên đoàn Quốc gia Dân chủ cũng được cử tri bầu chọn với số phiếu tín nhiệm cao.
    Hiển nhiên danh tiếng của bà Aung San Suu Kyi trên thế giới đã được biết đến và nhìn nhận từ hai thập kỷ nay nhưng trong những tháng nửa đầu của năm 2012 qua chuyến công du hai tuần lễ các nước Tây âu danh tiếng và uy tín của bà trở thành một sự kiện chính trị. Tên tuổi Aung San Suu Kyi đã được gắn liền với hai chữ Dân chủ. Aung San Suu Kyi đồng nghĩa với Dân chủ.
   Sự chú ý về mặt chính trị đặt vào những chuyến công du hai tuần lễ cuối tháng 6/2012 đến năm nước Âu châu sau 24 năm bị giam lỏng gồm Thụy sĩ, Thụy điển, Ái nhĩ lan, Anh, và Pháp của bà Aung San Suu Kyi chứng tỏ bà là một nhà lãnh đạo hàng đầu: 14/6 đến phòng danh dự của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy sĩ đọc diễn văn nói về những cải cách đang diễn ra ở quê hương bà và kêu gọi thế giới đầu tư vào Miến Điện, 18/6 đến Hàn Lâm Viện Thụy Điển ở Oslo dự lễ trao giải Nobel Hòa Bình được trao tặng cho bà từ 1991, 21/6 phát biểu trước lưỡng viện Anh quốc ở Phòng họp cổ kính Westminster ở London kêu gọi nước Anh trợ giúp một cách thực tế cho cuộc cải cách đang diễn ra để người dân Miến từ lâu bị sống trong cảnh khốn cùng có được những cơ may tốt hơn và cuộc sống tốt hơn, buổi sáng 26/6 có cuộc gặp gỡ với lãnh tụ đảng Lao động Ed Miliband và dự cuộc họp hàng tuần của đảng này, kế đó đến thăm đài BBC và được Tổng giám đốc Peter Horrocks cùng đông đảo nhân viên đài chào đón nồng nhiệt, sau đó đi xe lửa từ London đến Paris vào buổi trưa cùng ngày để đến điện Élysée dự tiệc tối và họp báo với Tống thống Pháp Hollande, và cuối cùng ngày 30/6 khi trở về quê hương bà được đông đảo dân chúng đón tiếp nồng nhiệt ở phi trường Rangoon kết thúc chuyến đi Âu châu hai tuần lễ với nhiều thành quả đạt được như một chiến thắng cho tiến trình cải cách Dân chủ ở Miến. Điều đáng chú ý là trong chuyến du hành này bà Aung San Suu Kyi đã được đón tiếp với nghi lễ danh dự chỉ dành cho những lãnh tụ chính trị hàng đầu của một nước như trước đây đã dành cho Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Giáo hoàng Benedict XVI và Nữ hoáng Anh… tuy hiện nay bà chỉ ở vị trí một dân biểu quốc hội. Điều này cần được đánh giá trong toàn cảnh bức tranh chính trị Á châu hiện nay.
   Trong khi thông tin trên báo chí Mỹ-Âu - rất nhiệt thành đưa tin về chuyến đi Âu châu của bà Aung San Suu Kyi thì các hãng thông tấn Á châu, nhất là ở những nước Á châu còn tồn tại những chế độ độc tài, xem ra việc đưa tin về sự kiện chính trị này rất hạn chế. Câu trả lời tức khắc trên mặt nổi chính trị cho câu hỏi “tại sao” thiết tưởng cũng không khó tìm. Nhưng nếu xét vấn đề cặn kẽ hơn và ở tầm nhìn xa thì chúng ta có thể có một số dự đoán cũng như đặt ra một vài giả thuyết cho câu hỏi này. Ở Việt Nam thông tin chính thống dù có đưa tin bà Augn San Suu Kyi và cuộc Tây du hai tuần lễ của bà thì cũng chỉ rất sơ lược, tránh nói đến những cải cách dân chủ ở Myanma/Miến do bà khời xướng và lãnh đạo. Về phần các trang mạng xã hội của nhiều blogger khác nhau cả trong và ngoài nước đã có nhiều cố gắng chuyển tải những thông tin đầy đủ hơn về những hoạt động của bà Aung San Suu Kyi đến dân chúng Việt Nam cũng như đưa ra những bình luận, so sánh hiện trạng chính trị ở Việt Nam với Myanmar để đặt câu hỏi và tìm nguyên do tại sao cải cách dân chủ lại xảy ra ở Myanma mà không ở Việt Nam, hay tỏ bày lòng mong ước cũng như sự chua xót phải chi ở Việt Nam có được một Augn San suu Kyi thì thật “đại phúc” cho dân tộc Việt, v.v…
   Phải chăng trước sự kiện bà Aung San Suu Kyi có những hoạt động chính trị nổi bật này chúng ta cũng nên đặt câu hỏi về vai trò chính trị của bà trên bản đồ thế giới trong những năm tháng tới đây, nhất là vai trò trong tương lai của bà trong Khối ASEAN.  Lý do chúng tôi muốn nêu vấn đề này ra vì:
   Thứ nhất, sách lược hướng về Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ chỉ ra về mặt chính trị chính quyền Obama cần thiết xây dựng sự liên kết bền vững không những với Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, nhưng trên hết phải là với những nước trong khối ASEAN.
   Thứ nhì, khi hướng về Châu Á – Thái Bình Dương nước Mỹ giương cao lá cờ Dân chủ Nhân quyền cho nên những cải cách về dân chủ đang diễn ra ở Myanma/Miến Điện là hiện thực hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho chủ trương này. Myanma/Miến Điện với Augn San Suu Kyi như biểu tượng của Dân chủ được Mỹ và các nước Tây âu coi như một kiểu mẫu cải cách cho những nước trong khối ASEAN còn tồn tại những chính quyền thiếu dân chủ và đàn áp nhân quyền. Đây là một thông điệp khá rõ ràng và cũng có thể là một “road map” Mỹ muốn những nước độc tài, thiếu dân chủ, nhân quyền thực hiện cải cách chính trị. Một điểm của “road map” này cần nêu rõ: sự thực hiện cải tổ chính trị phải do lãnh đạo và dân chúng trong nước bắt tay thực hiện, Mỹ và Tây âu chỉ hỗ trợ. Và nếu không cải thiện, thay đổi có nghĩa là sẽ xụp đổ vì trào lưu dân chủ nhân quyền trên thế giới có sức mạnh không thể ngăn cản.

   Thứ ba, sớm muộn bà Aung San Suu Kyi cũng sẽ trở thành người lãnh đạo cao nhất của Myanma/Miến Điện mà nước này lại là một thành viên của khối ASEAN cho nên khi  Aung San Suu Kyi lên nắm chính quyền  thì Mỹ và Tây âu sẽ có một đồng minh đáng tin cậy, có uy tín quốc tế nhất cho vai trò lãnh đạo, lèo lái khối ASEAN. Cho đến nay qua những cuộc họp của ASEAN trong hai năm gần đây những nhà lãnh đạo của cả Indonesia lẫn Việt Nam vẫn chưa chứng tỏ được khả năng cũng như uy tín và sự tin cậy để lãnh đạo khối này nhằm đạt được sự liên kết chặt chẽ hơn, trở thành đối trọng có thực lực đối với Trung Quốc.
   Sau chót, như chúng ta đã biết, khi chính quyền quân đội Myanma/Miến Điện vì sự sống còn của đất nước đã biết rút lui đúng lúc, đưa nhân vậtThein Sein vào chức vụ tổng thống để thực hiện cải tổ chính tri và thỏa hiệp với bà Aung San Suu Kyi sau khi có được những đảm bảo của Mỹ và các nước Tây âu (Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton và thủ tướng Anh David Cameron là hai lãnh đạo cao cấp nhất đã đến thăm bà Aung San Suu Kyi ngay sau khi bà được chính quyền Thein Sein trả tự do.) Động thái chính trị này của hàng ngũ tướng lãnh Myanma chỉ ra việc Myanma đã tách dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và tiến gần hơn với Mỹ và Tây âu.  Ngay cả chuyến công du hai tuần lễ vào tháng 6 vừa qua của bà Aung San Suu Kyi cũng nên được coi là một sự thỏa hiệp với Mỹ và Tây âu của giới tướng lãnh Myanma thông qua tổng thống Thein Sein – bất chấp tự ái và thể diện khi bà Aung San Suu Kyi được đón tiếp bằng nghi lễ dành cho một lãnh tự cao cấp nhất - để tìm kiếm trợ giúp về kinh tế và hậu thuẫn chính trị của Mỹ và Tây âu
   Sự kiện giới truyền thông Mỹ và Tây âu đưa tin về chuyến công du của bà Augn San Suu Kyi lên hàng đầu một cách trang trọng hẳn không thể được coi là một hành vi “đánh bóng” một lãnh tụ tương lai vì rõ rệt biểu tượng Aung San Suu Kyi không cần phải đánh bóng. Vậy phải chăng đó  là một chỉ dấu cho những động thái chính trị chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo khối ASEAN của bà Aung San Suu Kyi trong một tương lai không xa?
  
 
 

Bài bình luận

Chào bạn tôi đã đọc bài của bạn. Bạn gửi bài cho tôi vào email này nhé Rất cám ơn bạn