You are here

Nỗi sợ của ông chủ Kremlin

 
Wacław Radziwinowicz - Lê Diễn Đức dịch
 
Biểu tình "màu trắng" tại Moscow ngày 24/12/2011 - Ảnh:  Reuters
 
Lời người dịch: 
 
Luật mới về biểu tình được nước Nga đưa ra hơn hai tuần nay đã gây nhiều tranh cãi. Mức phạt tối đa từ 5 ngàn Rúp (1 USD tương đương 30 Rúp) được tăng lên 300 ngàn cho người tham gia và 600 ngàn cho người tổ chức.
 
Ngay sau khi quốc hội Nga thông qua luật biểu tình, hôm 12/6 hàng chục ngàn người bao gồm đủ các xu hướng chính trị khác nhau đã tuần hành phản kháng.
 
Theo tờ Libération ngày 11/6, "việc ban hành bộ luật mới chống biểu tình đã không mang lại lợi thế gì hơn cho ông Putin. Thực tế cho thấy rất đông người dân Moscow tham gia cuộc tuần hành đã tỏ thái độ phẫn nộ vì họ cảm thấy tổng thống Putin đang đưa đất nước quay trở về thời Liên Xô cũ với những cấm đoán, bắt bớ, lục soát nhà riêng một cách tùy tiện".
 
Tờ báo kết luận: "Mặc dù trở lại với quyền lực tối cao hồi tháng 5/2012 và ngay sau đó đưa ra các biện pháp xiết chặt kiểm soát đối lập, Vladimir Putin hơn bao giờ hết lại càng trở thành mục tiêu của phong trào phản kháng. Khẩu hiệu "Nước Nga không Putin" một lần nữa trở nên thời sự trong khi Putin vẫn luôn sẵn sàng tìm mọi cách răn đe loại trừ những đối thủ cạnh tranh chính trị với ông ta".
 
Bài bình luận dưới đây về sự kiện trên của ký giả Ba Lan đăng trên nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 6/6/2012 hy vọng mang lại ít những điều cần suy ngẫm cho người Việt, những người mong đợi một bộ luật biểu tình tại Việt Nam ra đời, nhằm luật hóa quyền biểu tình được Hiến pháp CHXHCNVN năm 1992 (bổ sung năm 2001) bảo hộ.
 
Tôi cho rằng, các thế lực thực quyền của ĐCSVN trì hoãn đưa ra luật biểu tình chỉ vì không muốn gây phức tạp thêm cho những hành vi đán áp dân chúng, vì dân chúng hoàn toàn chính đáng khi tham gia biểu tình yêu nước, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, chống lại thái độ ngang ngược và âm mưu bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Hành động thể hiện lòng yêu nước của dân chúng trớ trêu thay lại đúng với những gì mà các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã từng khẳng định và Luật biển mà Quốc hội CSVN vừa mới thông qua hôm 21/6/2012.
 
Thực tế thì nếu muốn nhà cầm quyền CSVN có thể ra một luật biểu tình nào đấy chẳng khó khăn gì. Trong trường hợp ấy, nhất định họ sẽ "sáng, suốt" học tập kinh nghiệm của ông chủ Kremlin tham quyền cố vị Putin. Và cũng giống như Putin, các ông chủ Ba Đình trong thâm tâm có lẽ không muốn chống lại những cuộc biểu tình yêu nước, nhưng họ thẳng tay dập tắt chỉ vì lo sợ các cuộc biểu tình yêu nước có thể chuyển hóa thành phong trào xã hội đối kháng.
 
Qua sự kiện Algeria, bài viết cũng cảnh báo chúng ta trước thông tin nhà cầm quyền CSVN đang có ý định mua lại 20 chiếc may bay chiến đấu đã sử dụng Su-30 và có thể là cả MiG-29. Hệ thống độc quyền không bị kiểm soát đã từng dẫn đến dấu hiệu tham nhũng trong các hợp đồng mua ca-nô tuần tra biển tân trang (của Ukraine) hay những còn tàu nát trong những năm qua (vụ Vinashin).
 
*****
 
Nỗi sợ của ông chủ Kremlin

Wacław Radziwinowicz
 
 
Cuộc biểu tình phản kháng hôm 12/6/2012 tại Moscow - Ảnh: Reuters
 
Điều gì làm Putin lo sợ nhất? Những tên cướp của giết người? - Không. Bọn trộm cắp đã lấy đi của đất nước hàng tỷ đôla? - Cũng không.
 
Nỗi sợ hãi lớn nhất trong điện Kremlin là những công dân năng động thức tỉnh và biết cách nhắc nhở nhà cầm quyền về các quyền công dân của họ. Theo phác họa của "đảng cầm quyền" Nước Nga Thống Nhất của điện Kremlin và với sự vội vã đưa hiệu lực pháp luật vào đời sống những sửa đổi về các cuộc tụ họp công cộng, thì chính các công dân năng động sẽ là những người bị trừng phạt nặng nề hơn những tên cướp của giết người và bọn ăn cắp.
 
Vài ngày trước đó, bản án đã được đưa ra cho Sepovyaz Sergey, một trong những thủ lĩnh của cái gọi là băng đảng Sapkov trên tháp canh Kushchevsky, đã nhiều năm khủng bố ở vùng Krasnodar Krayi. Băng đảng này đã tước đoạt đất đai của nông dân, giết hại những người từ chối giao nộp đất. Trong tài khoản của chúng được ghi lại hàng trăm vụ cướp bóc, bắt cóc và hãm hiếp.
 
Bọn cướp này đặt quyền cai trị tối cao trong một tháp canh và ngang tàng tới mức hai năm trước đây trong một đêm đã giết chết 12 người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, và sau đó chúng tìm cách thiêu huỷ xác nạn nhận. Tòa án cáo buộc Sepovyaz tội phá hủy bằng chứng tội phạm và phạt y số tiền 150 nghìn Rúp.
 
Ngoài ra, cũng vài ngày trước đã kết thúc quá trình xét xử vụ án ba công ty Nga chịu trách nhiệm chuẩn bị đưa máy bay chiến đấu MiG-29 xuất khẩu sang Algeria, một đối tác rất quan trọng của Nga trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Họ đã lắp đặt trong máy bay những bộ phận đã qua sử dụng và bị lỗi, nhưng các tài liệu thì chứng minh rằng tất cả các bộ phận của máy bay đều mới xuất xưởng. Algeria đã phát hiện ra và tố cáo Nga xuất sang họ một đống phế liệu và không nhận những chiếc máy bay MiG này. Nga đã mất đi một hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD. Tòa án Moscow xử một trong các bị cáo 5 năm tù giam và hai người khác, phạt tiền 200 ngàn và 500 ngàn Rúp.
 
Theo luật mới về tụ họp công cộng, một thành viên tham dự bất kỳ cuộc biểu tình phản đối nào cũng sẽ đối diện với rủi ro bị phạt tiền 300 nghìn Rúp, có nghĩa là hai lần lớn hơn số tiền mà Sepovyaz bị phạt về tội liên đới trách nhiệm trong vụ án giết người hàng loạt.
 
Một nhà bất đồng chính kiến, ví dụ ​​tổ chức một cuộc đi bộ của độc giả với các nhà văn yêu thích của họ trên đường phố của Moscow sẽ đứng trước mối đe dọa với mức phạt tiền 600 nghìn rúp, tức là nhiều hơn cả vụ "máy bay MiG rởm". Số tiền này theo thống kê của Nga bằng mức thu nhập bình quân của người Nga trong hai năm.
 
Quy định hình phạt cao như vậy đối với những người tham gia biểu tình được lý giải như là nguyên do dẫn đến các hành vi vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh, gây thiệt hại cho cây xanh đô thị, cản trở giao thông đường phố, hoặc gây rối cho việc đi lại của người bộ hành, hoặc kết thúc bằng ẩu đả.
 
Tuy nhiên, tại Nga không ai có thể chắc chắn rằng "thủ phạm vô hình" sẽ không tạo ra một sự khiêu khích nào đó đối với các cuộc biểu tình hợp pháp, hoàn toàn hòa bình.
 
Ở Nga, không cần đồng ý của cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện những cuộc phản kháng một người. Nhưng khi một nhà đối lập cầm tấm bích chương đứng trước trụ sở quốc hội, thì sẽ có một người hoàn toàn xa lạ lập tức đi đến với anh ta và cũng cầm một tấm bích chương. Cuộc phản kháng trở thành của hai người chứ không còn là một người nữa và nhà đối lập vào tù.
 
Bây giờ trong các biểu tình của phe đối lập chỉ cần vài người tham gia cầm chai bia và đi trên cỏ là đủ để lực lượng an ninh OMON có thể bắt họ về tội vi phạm "vệ sinh", phá hủy màu xanh cây cối, và tòa án có thể đưa ra mức trừng phạt làm gia đình của những người tham gia biểu tình lâm vào tình trạng phá sản.
Luật mới hà khắc này trái với những gì mà các nhà tuyên truyền của đảng Nước Nga Thống Nhất nói, chẳng phải tất cả nhằm mục đích thiết lập trật tự trên đường phố, mà là muốn dẹp bỏ sự có mặt của công dân trên đường phố. Nhà cầm quyền một lần nữa muốn chấm dứt mọi cuộc biểu tình chống lại điện Kremlin và ông chủ mới của nó.
 
Kremlin muốn làm như thế vì lo sợ. Gần đây, một quan chức giấu tên từ điện Kremlin nói với các phóng viên rằng, Putin sợ nhất sự phản đối chính trị và đạo đức "màu trắng", kéo dài từ tháng 12 năm ngoái tại các thành phố lớn của đất nước, có thể biến thành một cuộc biểu tình xã hội phổ biến rộng rãi với quy mô tỉnh. Một mối đe dọa như thế thực sự tồn tại, bởi vì ở Nga trong thời gian gần tới đây sẽ có sự tăng giá đối với các dịch vụ công cộng, khí đốt, điện, thực phẩm đông lạnh - đã bị ngưng vào thời điểm bầu cử.
 
Vì vậy, Kremlin vội vàng đưa ra các quy định hà khắc cho mọi người thấy rằng những ai đó có ý nổi loạn trong đầu, thì sẽ bị bẻ gãy và còn đau đớn hơn trước - đánh vào túi tiền.●
 
Bản Việt ngữ © 2012 Lê Diễn Đức = RFA Blog
 
-------------------------------------------
Dịch từ nguồn: Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngay 5/6/2012: http://wyborcza.pl/1,75968,11874056,Strach_na_Kremlu.html