Tự hỏi lòng mình, trong 10 năm qua, Việt Nam có điều gì nổi bật, không cần suy nghĩ nhiều, tôi sẽ trả lời: Mạng internet; sự xuất hiện của các ngân hàng; làn sóng bất đồng chính kiến; và chuyện từ thiện. Ở đây tôi xin đề cập đến vấn đề của “lòng hảo tâm” này.
Xin miễn bàn về ý nghĩa cao đẹp và tích cực của việc làm từ thiện; và cũng xin lỗi những ai đã/đang/sẽ làm từ thiện và nhận từ thiện. Bài viết này không cố ý và cũng không muốn vô tình hay gián tiếp đả kích việc từ thiện.
Từ điểm nhìn cá nhân, thực tình mà nói, tôi không hiểu vì lý do gì mà khoảng 10 năm gần đây từ thiện lại um sùm như thế tại Việt Nam; đặc biệt ở miền Trung. Chỉ cần vào Google gõ hai chữ “từ thiện” thì phải có đến hơn 22 triệu kết quả, trong khi “dân sinh” (hơn 3,5 triệu kết quả), “dân trí” (gần 3 triệu), “dân chủ” (hơn 1 triệu), “phúc lợi xã hội” (gần 6 triệu), “bảo hiểm xã hội” (gần 6 triệu)… [kết quả tình cờ, khảo sát lúc 14h ngày 19/6, mạng Google tại TP.HCM).
Gõ cụm từ “truyền hình trực tiếp về từ thiện” cũng có gần 4 triệu kết quả, trong khi ai cũng biết, để làm dịch vụ trực tiếp thì rất tốn kém. Ngay cả cụm từ “giới lãnh đạo làm từ thiện” cũng có gần 4 triệu kết quả.
Từ thiện bây giờ trở thành hình ảnh quen thuộc của giới chính khách, lãnh đạo, doanh nhân, trí thức, showbiz, tu hành… cho tới cả sinh viên, học sinh. Đa phần là từ thiện tự nguyện, một phần nhỏ hơn là từ thiện bắt buộc, kiểu góp 1 ngày lương… Một số doanh nghiệp đóng trên từng địa bàn cũng phải làm từ thiện bắt buộc, nó giống như tiền bảo kê khu vực. Có nhiều trường hợp ở vùng sâu vùng xa, một doanh nghiệp về làm từ thiện chỉ 5-7 suất học bổng cho học sinh nghèo (mỗi suất 500 ngàn đồng), riêng tiền mà xã đứng ra tiếp đoàn khách này có khi còn nhiều hơn mấy lần. Có xã từ chối nhận từ thiện vì hết kinh phí tiếp khách, dù ở trên huyện trên tỉnh luôn chỉ đạo nhận từ thiện cho có phong trào, xem như địa bàn này còn nghèo để được giảm thuế, thêm tài trợ, lãnh đạo có bất tài, sai sót cũng cho qua được…
Gõ cụm từ “ăn chận từ thiện” cũng có đến hơn 12 triệu kết quả thì đủ thấy từ thiện cũng là cơ hội cho nhiều người trục lợi - mà họ, đương nhiên là giới lãnh đạo ở từng địa phương. Nhiều khi bão lụt ở tỉnh nào đó tại miền Trung, chúng ta cứ lấy số tiền từ thiện công khai trên báo chí chia cho số dân của tỉnh đó thì sẽ thấy kết quả lớn hơn số mì gói thực tế mà người dân nhận được rất nhiều lần. Có khi chia trung bình người dân nhận được cả triệu đồng, nhưng thực tế họ chỉ nhận được khoảng 50 ngàn đồng, số tiền còn lại chia đều cho lãnh đạo, phòng ban các cấp. Đó là chưa kể, ngay tại tỉnh đó, số người được nhận mì gói hay tiền từ thiện cũng chỉ là một bộ phận nhỏ của tổng dân số. Cho nên, sự trục lợi từ thiện là rất nhiều lần so với số mà người dân nhận được.
Ngay cả từ “lợi dụng từ thiện” cũng có hơn 1,5 triệu kết quả; “trục lợi từ thiện” có gần 1 triệu kết quả; “tham ô tiền cứu trợ” có gần 4,5 triệu kết quả… thì đủ thấy tình hình thật chẳng có gì đáng làm vui.
Từ thiện lấn lướt
Quan sát trong 10 năm qua, có thể thấy vô số tổ chức và cá nhân xuất sắc trong công việc từ thiện tại Việt Nam; và cũng có vô số trường hợp trá hình, đồi bại, lợi dụng. Thế nhưng điều đáng quan tâm nhất là sự lấn lướt của từ thiện, rất đáng ngờ.
Sau 1975, một trong những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên truyền và hứa ra rả là giáo dục miễn phí, y tế cộng đồng và xóa nghèo đói. Tất cả lời hứa đó, ví dụ học phổ thông miễn phí, đã không thành hiện thực, thậm chí đi thụt lùi, nếu so với lúc khởi điểm. Hiện nay, đây là ba cái đích mà từ thiện hướng đến rất nhiều, vì nhà nước ngoài thu tiền ra, thì mọi thứ đang thả nổi.
Cũng thật éo le và buồn cười khi giáo dục tự nhận mình là quốc sách, nhưng giấc mộng phổ cập tiểu học luôn bất thành. Con số lúc nào cũng nói hơn 90% dân số biết chữ, vậy mà trong các chuyến từ thiện, các nhà thiện tâm thấy số trẻ em mù chữ vẫn khá nhiều. Nếu quả thật chỉ có 10% dân số không biết chữ, mà dân số khoảng 92 triệu như hiện nay, thì con số cũng không hề nhỏ. Thực chất, số mù chữ nhiều hơn, có thể lên đến 12%, nếu chỉ tính từ 8 tuổi trở lên (tuổi vào lớp 3, nghĩa là đã biết đọc biết viết).
Theo thống kê của Ủy ban dân số VN, năm 2010, số trẻ em sinh ra ước khoảng 1,24 triệu; có 40/63 tỉnh thành phố có trẻ em sinh ra giảm, còn lại 23 tỉnh có trẻ em mới sinh đã tăng như Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu… Mà những tỉnh này số người mù chữ khá đông. Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu tân công dân, mà giáo dục thì vẫn học phí quá cao, nhiều phần dựa vào viện trợ và từ thiện, vậy thì số người mù chữ chắc con lâu mới giảm xuống tối thiểu.
Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội từng thông báo: cuối 2008 Việt Nam có 13% gia đình thuộc diện nghèo. Căn cứ được tính như sau: người có thu nhập dưới 200.000 đồng/tháng ở nông thôn và 260.000 đồng ở đô thị thì bị liệt vào diện nghèo. Nếu tính theo chuẩn nghèo mới - dưới 300.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 390.000 đồng ở đô thị - thì tỷ lệ người nghèo sẽ lên tới 17% dân số, tương đương 3,3 triệu hộ (lưu ý, con số này đã được nói giảm nói tránh). Với thu nhập theo chuẩn nghèo mới, tính trung bình, với số tiền này người dân mua được khoảng 30 kg loại bình thường, đủ gia đình 4 người ăn trong 1 tháng.
Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất khẩu khoảng 3,3 triệu tấn gạo, xếp nhất nhì thế giới, nhưng trong nước thì vẫn còn 3,3 triệu gia đình đói nghèo, mà đa phần họ là nông dân mất đất. Vậy là từ thiện có đất để phát triển.
Từ thiện nhiều khi lấn lướt cả bảo hiểm y tế, phúc lợi và an sinh xã hội; thậm chí lất lướt luôn Hội Chữ thập đỏ. Có những việc đáng lý những tổ chức này phải lo, phải làm, giờ đẩy luôn cho từ thiện, xem như mình bớt/ hết trách nhiệm.
Càng gần thủ đô Hà Nội, người ta làm từ thiện càng ít đi, dù quan tâm trên miệng thì gần giống nhau.
Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương - Hà Nội với sự tài trợ của Quỹ châu Á cho biết, hơn 68% doanh nghiệp ở Hà Nội và 84% doanh nghiệp ở TP.HCM có quan tâm đến từ thiện. Tuy nhiên, làm từ thiện thì khác nhau, 66% doanh nghiệp của TP.HCM đang làm ít nhất một hoạt động từ thiện, trong khi Hà Nội chỉ có 8%. Báo cáo này cũng cho biết thêm, trung bình mỗi năm doanh nghiệp ở TP.HCM chi hơn 28 triệu đồng cho từ thiện, trong khi Hà Nội chỉ gần 3,5 triệu đồng.
Từ thiện là điều nên làm, nhưng sẽ trở thành bất thường khi các quan chức Việt Nam cũng thường xuyên trích tiền công quỹ để làm điều này. Đáng lý với cương vị của họ, việc thay đổi xã hội và phát triển đất nước mới cần làm, chứ lấy tiền của dân để từ thiện cho dân thì bi kịch quá.
Vài nhà bất đồng chính kiến Việt Nam kể rằng khi họ làm việc với an ninh hoặc đại diện của chính quyền, sau một hồi căng thẳng, họ thường được khuyên là nên dồn tâm sức làm từ thiện, đi theo hướng này không có lợi.
Một nhà nước mà từ thiện nổi trội hơn phúc lợi xã hội; ngân hàng thì mọc lên như nấm, bấp chất nợ công chồng chất và nguy cơ phá sản của hàng triệu doanh nghiệp; sự bất bình và bất đồng chính kiến hiện diện khắp nơi… thì nguy cơ đại loạn là điều khó tránh khỏi.
Bài bình luận gần đây