Trong đời sống không phải luôn luôn đều là màu hồng, thế nhưng khi gặp bất hạnh, ngay cả những niềm hy vọng dù le lói nhất cũng giúp cho người ta đánh tan những giây khắc tuyệt vọng để sống còn. Tuyệt vọng chỉ xuất hiện khi một con người sát bến bờ của cái chết và không còn gì cho họ bám víu để tiếp tục sống dù là cái sống thắt thỏm. Một bệnh nhân ung thư ở thời kỳ cuối, không người thân, không tiền bạc chẳng hạn.
Tuyệt vọng chỉ hồi sức khi phép lạ xảy ra và người ta dù muốn dù không vẫn cố tin vào phép lạ. Mầm sống của con người không dễ dàng bị hủy diệt bởi niềm tin mong manh đó. Trông mong vào phép lạ là niềm hy vọng buồn bã nhất của con người.
Tôi cũng đang chờ một phép lạ trong những thất vọng của căn bệnh giáo dục. Khi clip quay cóp tại phòng thi Đồi Ngô tung lên mạng với bao lời mắng mỏ thì con bệnh giáo dục đã đến giai đoạn cuối. Báo chí xem vụ này là nghiêm trọng và liên tục đưa tin. Trong khi cả xã hội lên án căn bệnh thành tích của ngành giáo dục đã sinh ra quái thai “giám thị canh chừng cho học sinh quay cóp” thì một vài người có học vị đến giáo sư cho là không nên lấy tiêu cực để chống tiêu cực! Ý kiến dù sao cũng cần nhiều chiều, nhưng cái chiều của ông giáo sư này thì thật đáng xấu hổ cho cái gọi là giáo dục Việt Nam. Tôi thất vọng, và tiếp tục chờ xem…
Rồi tới phiên ông Bộ trưởng Giáo dục. Không ai ngây thơ chờ đợi một phát biểu mạnh mẽ của ông. Làm sao mạnh cho được khi chỉ tiêu bao nhiêu em phải đậu trong kỳ thi trung học phổ thông do ông và bộ sậu của ông soạn thảo được cả nước thuộc lòng và xem là chuyện bình thường?
Chính cái chỉ tiêu ngu xuẩn ấy mà người ta gọi là bệnh thành tích đã đẩy người giáo viên vào sát bức tường ô nhục của sự giả dối. Ông Phạm Vũ Luận nhẩn nha nói rằng các em quay clip còn trẻ chưa hiểu vấn đề nên bị bọn xấu lợi dụng để làm việc này. Phải suy xét cho các em và nên giáo dục để các em tránh bị kích động lôi kéo. Ông Luận cũng không quên trách móc tại sao lại công bố cái clip khiến cho việc quản lý điều hành của cơ quan chức năng khó khăn thêm!
Từ thất vọng, lời nói của ông Luận kéo tôi gần sát bờ của tuyệt vọng.
Là người trách nhiệm trước việc làm sai trái của nhân viên dưới quyền ông Luận không nhắc tới người vi phạm là các giám thị phòng thi, lại hồ đồ nói những việc làm này là từ bọn xấu lôi kéo còn các em do còn nhỏ chưa hiểu biết gì.
Một sự đánh tráo khái niệm rất thô thiển và rất đáng phẫn nộ. Ông Phạm Vũ Luận đã cáo buộc người phát hiện tiêu cực và giả vờ ngây thơ trước việc làm không thể chối cãi của những kẻ thực hiện lệnh của ông: “chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông mỗi năm”.
Cho tới khi xem cái clip thứ hai công bố, thấy được gương mặt của một cô giám thị trong phòng thi, lòng trắc ẩn của tôi lên tới cực độ và chỉ muốn khóc. Ai lên án cô giám thị này sẽ là người không có trái tim. Hãy suy nghĩ kỹ, cô làm cái công việc trớ trêu này thì có gì vui?
Cô đang là một cọng rơm trong giòng lũ băng hoại của ngành giáo dục. Tôi nhận thấy nỗi buồn trong đôi mắt cô khi đi thu lại tài liệu quay cóp do cô phát cho học sinh trước đó. Cô không còn là cô giáo nữa mà đã bị hệ thống này biến thành một robot mang nhãn hiệu đẹp đẽ có tên “giáo viên”.
Tôi rất muốn khóc khi chia sẻ với nỗi đau trong tận tâm hồn cô. Tôi cũng muốn khóc khi biết rằng sau khi vụ này ra ngô ra khoai thì chính cô và gia đình sẽ là những nạn nhân đầu tiên của Bộ Giáo dục. Cô sẽ bị tế thần như xưa nay nhiều người từng bị. Tôi chia sẻ nỗi nhục của con cái cô khi bị bạn bè chúng bêu rếu, khinh bỉ.
Và sau cùng tôi chia sẻ những gì mà cô đang chịu đựng hôm nay, vì chúng ta không thể thoát ra bộ máy công quyền chỉ sản sinh những con robot phục vụ cho sự ngu dốt và hãnh tiến. Trong hệ thống ấy có tôi, một phụ nữ cam chịu và bé mọn như cô, như những giám thị bị cấy vào bộ óc những lập trình mà thuật ngữ điện toán gọi là “error” nhưng vẫn hoạt động một cách bình thường!
Chúng ta đã quen và thành nếp với những suy nghĩ “tại sao phải khác người?”. Tự biện bạch “người ta sao mình vậy” là một cách thỏa hiệp với dối trá và đang khoét vết thương giáo dục sâu hơn. Người có bằng cấp từng được xã hội trọng vọng và đặt niềm tin vài chục năm trước bây giờ cùng nhau im lặng như chưa bao giờ là trí thức. Người ta chăm chăm theo dõi từng đồng lương cuối tháng mà quên mất đi giá trị sống của từng ngày.
Mỗi một ngày trôi qua, người có học chọn sự im lặng trước những sai trái của giáo dục làm cho những người thấp bé hơn họ im lặng theo vì mất phương hướng. Cả cộng đồng giáo dục sống trong tình trạng bầy đàn và chen chúc, ngụp lặn với nhau trong mớ lương còm cõi như bố thí. Người ta chấp nhận đồng lương dưới đáy xã hội mà không lên tiếng hỏi xem các ông phát lương cho chúng tôi như thế này làm sao học sinh chúng tôi giỏi cho được? Nếu không thể dạy cho chúng theo tiêu chuẩn mà các ông đưa ra thì chúng tôi có cách nào khác hơn là phải lén lút nâng điểm cho chúng để hài lòng các ông, còn chúng tôi thì bị mạt sát, khinh thường thậm chí bị ném đá vì những điều khốn nạn như vụ clip Bắc Giang?
Tuy đã tiếp cận với ranh giới của tuyệt vọng nhưng tôi vẫn cố chờ đợi một niềm tin nào đó từ thế hệ trẻ. Tôi chờ phép lạ. Tôi chờ một cuộc cách mạng giáo dục. Và tôi cả tin cuộc cách mạng ấy nếu có xảy ra chỉ có thể đến từ tay người trẻ, những thế hệ sau chúng tôi. Thế hệ chúng tôi và trước nữa đã quá già trong cách nghĩ trong khi thể xác lại diêm dúa một cách rất bất thường.
Không may cho tôi khi đọc một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ tập trung những ý kiến của những người mà tôi đang ao ước, chờ đợi. Đọc xong những ý kiến này tôi đau đớn như không thể đau đớn hơn. Tâm trí tôi chết lâm sàng. Tôi chết trong tuyệt vọng.
Một học sinh đã nhận xét người quay clip trên facebook của mình:
“...Thằng ngu này. Giám thị đã thương tình 12 năm ăn học mà thả lỏng cho mày lấy cái bằng tốt nghiệp, lại còn làm cái trò mèo này nữa. 95% năm sau khổ rồi”. “Thằng nào mà óc chó thế?”, “Lũ Bắc Giang ngu học. Năm sau mình khổ rồi”...
Khi một phụ nữ phản bác lại ý kiến của các em liền bị pháo kích:
“Chị có dám khẳng định là chị chưa bao giờ gian lận không? Thi xong rồi thì muốn phán thế nào cũng được cả. Em tin là thế hệ “già” đến 90% nhờ thế mà tốt nghiệp. Thế nên đừng nói giới trẻ!”
Nếu còn chút hy vọng gì vào phép mầu cách mạng giáo dục thì những chú robot con này đã đập tan đến từng centimet cuối cùng của niềm tin. Bây giờ thì tôi chấp nhận ý kiến cho rằng cả xã hội này đã băng hoại mà không tự giác được sự băng hoại ấy. Người ta đã biến nhiều thế hệ trẻ hết sức khôn ngoan trong sự thỏa hiệp để sống còn nhưng lại tỏ ra ngu muội một cách khó hiểu trước các giá trị đạo đức. Chúng được lập trình theo khuôn mẫu của chủng loại robot giáo dục và hành động rập khuôn như nhau trong từng cách ứng xử. Người nào suy nghĩ hay hành động thoát ra ngoài cái lập trình ấy sẽ bị hệ thống thông báo tín hiệu “error” và trò chơi chấm dứt.
Entry này cũng chấm dứt bằng một sự tuyệt vọng thăm thẳm, đau đớn và rách nát.
Bài bình luận gần đây