You are here

Nước Nga luôn luôn trung thành với các nhà độc tài

 
Dawid Warszawski - Nhật báo Ba Lan - Lê Diễn Đức dịch

 Hội nghị thượng đĩnh Nga-EU, St Petersburg 4/6/2012 - Ảnh: Website President of Russia

 
Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nga và Liên minh Âu châu (EU) diễn ra ở St Petersburg (hôm thứ Hai ngày 4/6/2012 - ND), Putin một lần nữa khẳng định lập trường dứt khoát của Nga phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào Syria - mặc dù các cuộc thảm sát gần đây ở Hauli, mặc dù đã có tới 15 ngàn nạn nhân trong cuộc nội chiến ngày mỗi đẫm máu hơn.
 
Trong khi đó Moscow cũng muốn có quan hệ tốt với EU, Mỹ và thế giới Ả Rập. Tại sao tất cả mọi thứ được phơi bày như thế mà Nga vẫn hỗ trợ công khai một chế độ tội phạm?
 
Trước hết, một việc hiển nhiên, lợi ích địa chính trị. Syria là đồng minh Ả Rập cuối cùng của Moscow, nước Nga đã đầu tư hàng tỉ đôla và có căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất tại quốc gia này. Putin cũng muốn chứng tỏ rằng - khác với Mỹ ở thời khắc quan trọng đã từng bỏ rơi các Tổng thống của Yemen và Ai Cập, trước đó là Shah của Iran - Nga là một đồng minh đáng tin cậy của các nhà độc tài và mỗi nhà độc tài gắn bó với Nga đều có thể nhận được sự hỗ trợ đến cùng.
 
Người Nga dường như đã không hoàn toàn thấy mùa xuân Ả Rập đã mở ra bình minh của nền dân chủ trong khu vực và họ hy vọng rằng các thế hệ tiếp theo của các nhà độc tài đánh giá cao sự kiên trì của nước Nga. Cuối cùng, sự của sụp đổ Bashar al-Assad sẽ là một quả đấm cho Iran, còn những khó khăn mà Tehran tạo ra cho phương Tây, sẽ làm giảm mối đe doạ gây áp lực lên Moscow (và cùng với, ít nhất cho đến gần đây, giá dầu tăng, một lợi ích quốc gia cơ bản của Nga). Nhưng khi chế độ Assad sụp đổ - sẽ là một kết cục như thế mặc dù không sớm xảy ra - Moscow mất đi các lợi ích và nhận gánh nặng về sự hỗ trợ cho chế độ độc tài đẫm máu. Sau đó, sẽ không ai còn nghi ngờ rằng, Putin đã đánh cược vào một con ngựa xấu. Có đúng không?
 
Nhưng không phải như thế. Thật vậy, bởi vì sự sụp đổ của chế độ Assad có thể cho thấy viễn cảnh tăng lên của các xung đột và không nhìn thấy hồi kết. Cũng giống như người Shiite của Iraq sau sự sụp đổ của Saddam Hussein, người Sunni với đa số ở Syria, dường như chắc chắn sẽ trả thù đẫm máu đối với những người đã ủng hộ Assad ngày hôm nay - vì chính từ sự lo sợ bị trả thù này - là những người theo giáo phái alawite, Kitô giáo và người Kurd. Nhưng nếu chế độ bị sụp đổ bởi can thiệp quốc tế, Putin sẽ có thể tuyên bố rằng ông ta có lý gấp đôi: khi quyết định hỗ trợ Assad, và khi phản đối sự can thiệp. Vì rằng sau sự sụp đổ của Assad chỉ có thể tồi tệ hơn.
 
Người Mỹ đã lật đổ Hussein và gánh trách nhiệm về cuộc nội chiến đẫm máu tiếp theo sau đó, mặc dù trong cuộc nội chiến này chiến binh mỗi bên nhắm vào mục đích loại bỏ "phía kia", hơn là xua đuổi người Mỹ.
 
Cuộc can thiệp của NATO ở Libya, một năm trước đây, được biết đến rộng rãi trong thế giới Ả Rập, bây giờ chỉ có 25% số người ủng hộ. Bởi vì với người Ả Rập - chế độ tạo dựng sau cuộc cách mạng mà họ giành chiến thắng, đã không làm họ vừa lòng.
 
Ngay cả những can thiệp vào Kosovo năm 1999, rất nhiều người bây giờ xem như một sai lầm, do cuộc đàn áp của người Serbia xảy ra sau đó.
 
Putin biết rằng sẽ tới lúc ông ta có thể nói: Tôi đã nói rồi mà, đúng không?
 

Với sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, Assad tung hoành bắn giết - Ảnh biếm hoạ OnTheNet

 
Chỉ có điều rằng, đánh giá quan trọng của việc lật đổ các nhà độc tài dựa trên hai tiền đề sai.
 
Đầu tiên, trách nhiệm về các cuộc nội chiến bùng nổ sau đó, người ta đổ hết cho kết quả của sự can thiệp. Trong khi đó, cuộc nội chiến đẫm máu nhất ở Algeria và Sudan đã nổ ra trong trường hợp không hề có can thiệp (và có lẽ sự can thiệp có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế).
 
Thứ hai, các chế độ độc tài không phải là lựa chọn thay thế cho các cuộc nội chiến, mà chúng là nguyên nhân của các cuộc nội chiến đó. Các chế độ này thực thi quyền lực bằng sử dụng bạo lực, đàn áp một nhóm này và dành đặc ân cho những nhóm khác ưa thích. Và các chế độ này dạy dỗ con người rằng phương pháp bạo lực là chính trị hiệu quả.
 
Đó là sự thật: nền dân chủ không đảm bảo cho một cuộc nội chiến sẽ không xảy ra (như Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ). Nhưng chế độ độc tài đảm bảo rằng, sẽ chắc chắn - và sẽ không kết thúc cùng với sự sụp đổ của nhà độc tài.
 
Ngày 7/12/2012
 
Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức - RFA Blog
 
----------------------------------------------------------------
(*) Bài được dịch từ Ba Lan từ bài "Rodja zawsze wierna dyktarorom" của ký giả Dawid Warszawski đăng trên nhật báo tri thức uy tín và lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 5/6/2012 (ảnh minh hoạ trong bài là của người dịch): http://wyborcza.pl/1,75968,11873260,Rosja_zawsze_wierna_dyktatorom.html