Là người từ Bắc vào Sài Gòn tôi cảm thấy sống và làm việc tại đây thoải mái hơn Hà Nội rất nhiều bởi thổ nhưỡng cũng như tính cách của người dân chung quanh, đặc biệt là láng giềng. Ngày nay phải nói rằng Sài Gòn không còn nhiều người sinh trưởng tại đây vì đời sống đã được pha trộn bởi di dân từ mọi miền đất nước. Sài Gòn đón nhận và hóa giải mọi khác biệt một cách tài tình và cứ mỗi lần giao tiếp với một người dân Sài Gòn chính gốc tôi lại được dịp hỏi han tỉ mỉ mọi điều, từ vị trí lịch sử của từng khu di tích cho tới thói quen ăn tiêu của người dân trước thời kỳ 1975.
Năm 1980 từ Hà Nội tôi vào Sài Gòn làm việc, cha mẹ tôi đều là người Cao Lãnh nên về lại Miền Nam là hạnh phúc của ông bà sau bao năm dấn thân cho cách mạng. Hai chị em tôi nghe nói về Sài Gòn rất nhiều trước đó nên khi cả nhà về lại Miền Nam thì hầu như suốt cả tuần hai chị em không tài nào ngủ được. Kỷ niệm khó quên nhất của chúng tôi là ngày đầu tiên đi chợ Bến Thành, trung tâm điểm của Sài Gòn và của cả nước. Tôi mua một chiếc kính râm còn em tôi thì mua một chiếc đồng hồ có hai cửa sổ và không người lái! Tôi nhớ như in giá của chiếc kính lúc ấy bằng hai tháng lương của bố còn chiếc đồng hổ thì khỏi nói, ít nhất là hai năm lương của một cán bộ cấp trung ương.
Người bán cho một cái giá gấp 5 lần giá thật và mẹ tôi đã nói thẳng với bà bán hàng là đừng nói thách. Lúc ấy tôi chả biết “nói thách” là gì và cứ nhìn mẹ thán phục. Bà bán hàng nghe tiếng miền Nam của mẹ - tuy lúc ấy đã ít nhiều lai Bắc - nên thấy khó “nhai” và cuối cùng chị em tôi mua được hai món này với giá “hời”…
Tuy thế khi sang một tiệm khác bên cạnh chúng tôi phát hiện ra mình vẫn bị lừa. Cái giá trả cho bà bán hàng vẫn cao gấp ba lần và từ đó hai từ “nói thách’ theo tôi trong mỗi phiên chợ, mỗi cuộc mua bán, ngay cả khi vào siêu thị hiện nay tôi vẫn cảnh giác với cái kinh nghiệm nói thách mà tôi đã học được từ nhiều chục năm trước.
Nói thách không phải bắt đầu từ người bán mà hình như cớ sự xảy ra từ lòng tham của người....mua. Người bán dĩ nhiên là muốn bán món hàng của mình cho nhanh với số lời hợp lý nhưng khi nói thật cái giá phải bán thì lại bị người mua … trả giá! Nói 10 đồng thì bị trả xuống 5 đồng vì vậy kinh nghiệm của họ là cứ nói 15 đồng để khi trả xuống 10 đồng thì vừa. Văn hóa “nói thách” (gọi theo thói của báo chí vì thời buổi này cái gì cũng có thể gọi là văn hóa) có lẽ là căn bệnh khó chữa trị nhất trong bất cứ thời nào, tuy nhiên hình như cái thứ văn hóa mạt hạng này đang lảng vảng đâu đó trong cách hành xử của các quan to, càng to thì “văn hóa nói thách” càng rõ nét.
Quan nói thách nổi tiếng hiện nay có lẽ là ông Đinh La Thăng vì ông chứng tỏ là người rất xuất sắc trong các phiên chợ chính trị. Hôm Quốc hội họp phiên đầu tiên ông Thăng rao hàng: Bộ Giao thông Vận tải của ông cần 40 ngàn tỷ để sử dụng. Ông yêu cầu dành số tiền tổng thu vượt dự toán để ông dùng vào các dự án của Bộ do ông lãnh đạo. Buồn cho ông Thăng, ông hét giá quá cao nên người mua là Quốc Hội bỏ chạy không một lời trả giá.
Buồn tình vì Quốc hội giả lơ, ông Thăng quay sang hét giá vào tai “nhân dân”. Ông đòi bán món hàng kỳ lạ là “thu thuế hạn chế phương tiện giao thông” và ngay lập tức cái anh nhân dân nghèo trất đã phản ứng bằng cách “nói không” với chủ tiệm La Thăng và món hàng “thu thuế” này lại được tồn kho chờ ngày xử lý.
Nhưng chủ tiệm không hề nản chí, ông tỏ ra là người bán hàng biết nói thách và nói thách không ngơi nghỉ. Nói thách như nói thật và nói nhiều lần sẽ trở thành quen tai khách hàng. Cái chân lý không bao giờ thay đổi này được ông Thăng tận dụng và ông tiếp tục rao bán món hàng mới hơn có tên “Quỹ tham gia giao thông”!
Người dân ngoài Bắc trong Nam nhìn nhau cười hực khi nghe tên món hàng quái dị này. Nếu cái “Quỹ tham gia” này được ông La Thăng bán trôi thì cửa tiệm của các bộ khác mặc sức mà bán các món hàng có những cái tên như: “Quỹ tự mình để dành máu” của Bộ Y Tế, “Quỹ bảo hiểm cho ngày ở tù” của Bộ Công an, “Quỹ dành cho thi rớt” của Bộ Giáo dục hay “Quỹ khắc phục tầm nhìn cho người khiếm thị” của một Bộ nào đó…
Trong lúc chờ đợi món hàng bán được ông La Thăng tiếp tục nói thách khi chính thức yêu cầu chính phủ cấp cho Bộ GTVT số tiền là 10 ngàn tỷ để đầu tư cho hệ thống văn phòng của Bộ ông ta đang làm chủ. Với mục đích theo như ông trình bày là Bộ của ông cần hiện đại hóa, công nghiệp hóa “chỗ ngồi” để phát triển khoa học kỹ thuật của ngành giao thông vận tải.
Chưa thấy ai lạc quan như ông Thăng và cũng chưa thấy ai có cái tư duy nhỏ tí như ông mà lại được làm tới chức Bộ trưởng. Một học sinh trung học có trí thông minh trung bình cũng hiểu rằng phát triển và hiện đại hóa ngành giao thông vận tải không thể bắt đầu từ cái ghế, mà nói văn hoa như ông Thăng là từ những căn nhà của Bộ. Dư luận lập tức tẩy chay cái “dự toán” quái gở này và chủ tiệm tạp hóa La Thăng đã gấp rút minh oan cho bà con thấy số tiền này nhân dân không cần lo vì sẽ được lấy từ vốn ODA chứ không lấy từ túi nhân dân và vì vậy bà con đừng “trả giá”.
Ông Thăng bán món hàng mà mình không làm chủ nên việc nói thách của ông không thể thành công. Người dân bây giờ đã quá kinh nghiệm với văn hóa nói thách ở chợ nên họ thấy ngay cái lì lợm của một anh bán tạp hóa vỉa hè, cố bán chỉ cần một món là đã đủ cho cả một ngày nắng gió.
Có một thứ mà ông Thăng có thể nói thách được mà không ai trách cứ vì đây là món mà ông ta đang làm chủ, hay ít ra là đang quản lý đó là con....nợ Vinalines.
Ông Thăng ra giá với chính phủ là muốn Vinalines trở lại vị trí làm ăn bình thường thì ông cần 100 ngàn tỷ để tái đầu tư vào nó. Sau khi bị dư luận và các nhà kinh tế phản bác, ông Thăng tự động rút giá xuống còn 68 ngàn tỷ. Khách hàng xem ra vẫn không thích thú gì lắm với ông Thăng vì sau bao nhiêu lời nói thách của ông, cái uy tín vốn ít nay đã bay theo những câu hét giá trên trời.
Ông Thăng quên là văn hóa nói thách khi áp dụng vào những thương vụ nhỏ lẻ thì không sao nhưng mang thứ văn hóa cấp ba này vào chính trường thì ông cần phải học thêm rất nhiều điều. Điều đầu tiên là món hàng năm ba triệu thì có thể nói thách được nhưng khi đã lên tới 100 ngàn tỷ mà còn nói thách thì ông nên đóng tiền vào “Quỹ khắc phục tầm nhìn cho người khiếm thị”.
Tội nghiệp mấy bà hàng xén của chợ Bến Thành, khi nhà nước kêu gọi bán đúng giá thì các bà đã cắn răng làm theo mặc kệ cho khách hàng trả giá. Cũng nên tội nghiệp cho ông chủ tiệm La Thăng vì ông không bán hàng trong chợ Bến Thành nên không học được bài học quý giá mà các bà “đồng nghiệp” đã học.
Cái mà người ta đang hồi hộp nhất là nếu một trong những món hàng mà ông Thăng đang rao bán lại được nhóm lợi ích nào đó giật giây, hay áp lực để trở thành hiện thực thì cả nước sẽ tham gia vào một cuộc nói thách vĩ đại để sống còn.
Tất cả phải nói thách vì không thể nói thật trong cái guồng máy mà giả dối đã trở thành chân lý.
Bài bình luận gần đây