You are here

Cục Điện ảnh Việt Nam lại o ép đạo diễn Việt Kiều?

Sau bộ phim kinh dị Ngôi nhà trong hẻm không mấy thành công về mặt doanh thu, đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt (sinh 1978) chuẩn bị cho ra mắt bộ phim có những yếu tố bạo lực Bẫy cấp 3 vào ngày 18/5 tới đây, thông qua nhà phát hành lớn nhất Việt Nam là MegaStar, thì bất ngờ Cục Điện ảnh Việt Nam hạ lệnh cấm chiếu dưới mọi hình thức.
 
Lý do mà cục này đưa ra là phim có yếu tố sex và bạo lực trên mức cho phép, đi ngược lại thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, giới thạo tin thì cho rằng sau vụ lũng đoạn hơn 2 triệu USD tài sản công, mà thực chất là tiền thuế nhân dân, cục này đâm ra quờ quạng, nên cấm lung tung.
 
Mới đây (tháng 3/2012) cục này cũng đã ra lệnh cấm siêu phẩm The Hunger Games, một phim lập hàng loạt kỷ lục phòng vé và thu hút giới phê bình tại Mỹ cũng như nhiều nước khác. Lâu nay Việt Nam được xem là “ăn theo” Trung Quốc trong các chính sách văn hóa nghệ thuật, chỉ có phim là hay tiên phong và thông thoáng hơn, thế nhưng phim này lại được thông qua để công rạp tại Trung Quốc vào tháng 6 tới đây. Trước tình thế này, có thể nói Cục Điện ảnh Việt Nam bị ọt-rơ, mà dân gian quen gọi là cầm đèn chạy trước ô tô.
 
Một điều đáng nói nữa, dù phim The Hunger Games không qua được cửa kiểm duyệt của Cục Điện ảnh với lý do có nhiều cảnh bạo lực, nhưng tiểu thuyết cùng tên vẫn được xuất bản trước đó (sách của công ty Nhã Nam). Có thể hiệu ứng của hình ảnh (xem) sẽ khác với hiệu quả của tưởng tượng (đọc), thế nhưng trên các diễn đàn liên mạng, nơi phần đông giới trẻ Việt Nam đã xem phim này, họ nói phim chẳng có gì đáng nghi ngại, có chăng là cơ quan kiểm duyệt tự nghi ngại mà thôi. Điều này cũng cho thấy tại Việt Nam có nhiều luật chồng chéo nhau, kiểu rừng nào cọp nấy, văn học thì được mà điện ảnh thì không, có khi ngược lại.
 
Trở lại chuyện tối ngày 9/5, sau khi hội đồng duyệt phim quốc gia xem Bẫy cấp 3, một thành viên của hội đồng này tiết lộ với báo giới trong nước rằng lý do chính để phim không được duyệt là vì nội dung thiếu logic. Nó bị xem là “bán thành phẩm” bởi: hòa âm kém; âm thanh lúc to lúc nhỏ; quay bằng máy ảnh… Hội đồng duyệt cũng cho rằng phim thiếu tính giáo dục, lo ngại sẽ ảnh hưởng tới thị hiếu người xem.
 
Cái này hoàn toàn đi ngược với văn bản mà Cục Điện ảnh đưa ra, nơi mà phim bị ghép tội đi ngược thuần phong mỹ tục Việt Nam. Mà “thuần phong mỹ tục” thì gồm những cái gì, tiêu chí và nhận diện ra sao, chẳng có văn bản pháp luật nào ở Việt Nam định nghĩa cho được.
 
Đó là chưa nói, nếu phim dở như hội đồng kiểm duyệt đề cập thì nó chẳng vi phạm điều gì của Luật Điện ảnh để cấm phổ biến. Bởi ai cũng biết trước một tác phẩm nghệ thuật, hay/dở là tùy quan điểm; phim này chiếu bán vé, cứ để người xem quyết định việc chi tiền giải trí của mình là hợp lý nhất. Bởi thực tế cũng cho thấy, nhiều phim do nhà nước đầu tư sản xuất, được tuyên truyền hết lời, nhưng khi chiếu chẳng mấy người xem, vì nó vừa ấu trĩ về nội dung tư tưởng, vừa lạc hậu về kỹ thuật và thủ pháp điện ảnh.
 
Chính tác giả Trần Lê trên báo Công an TP.HCM đã cho biết phim Mùi cỏ cháy - vừa được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh Diều vàng, trước đó là Bông Sen bạc tại Liên hoan phim VN - suất chiếu 19h10 tối thứ Bảy ngày 5/5/2012 tại rạp Đống Đa (TP.HCM; và là rạp duy nhất tại Sài Gòn hiện nay có chiếu phim này) chỉ có 7 người xem, với giá vé 40.000 đồng, trong khi các phim giải trí có giá vé gần gấp đôi.
 
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng sự thật thì người dân ít khi được xem phim do tiền của mình đầu tư (phim nhà nước), một phần vì nhà nước không muốn chiếu rộng rãi (?), hoặc chiếu ở những rạp kém chất lượng mà người dân không muốn đi xem. Riêng các phim được tuyền truyền rầm rộ, chiếu tràn lan thì người dân không đi xem, vì nó quá dở hoặc ấu trĩ.
 
Phim Bẫy cấp 3 là tác phẩm đầu tay của Lê Văn Kiệt tại Việt Nam, nhưng khi phim hoàn tất, anh và nhà sản xuất thấy không tự tin trong việc chào hàng, nên mới sản xuất Ngôi nhà trong hẻm để thế chỗ. Việc phim này bị cấm chiếu thì chắc chắn các nhà đầu tư phải chịu thua lổ nặng nề, rất khác với phim nhà nước chiếu không cần người xem, vì không sợ lổ. Trong khi giải pháp để phim này được công chiếu vẫn còn, nhưng hình như Cục Điện ảnh cố tình làm lơ.
 
Theo khoản 2 điều 39 của Luật Điện ảnh Việt Nam thì: “Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi”.
 
Phân loại phim là việc làm vừa khoa học vừa đúng với quy luật cạnh tranh nói chung, nó cũng là thông lệ bình thường của phần lớn các nước muốn hướng đến xã hội văn minh. Thế nhưng trong nhiều năm qua, dù luật quy định như vậy, Cục Điện ảnh cứ ngang nhiên cấm nếu họ thấy không thích.
 
Tại đất nước có nền công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới là Mỹ, thì Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association of America, MPAA) có hệ thống phân loại phim như sau, với các chữ cái (viết tắt) được dán mác lên poster, bìa đĩa:
- G: General Audiences/ Có thể công chiếu rộng rãi. Mọi người đều có thể xem.
- PG: Parental Guidance Suggested/ Cha mẹ nên có hướng dẫn cho con khi xem. Một số hình ảnh có thể không thích hợp cho trẻ em.
- PG-13: Parents Strongly Cautioned/ Các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý. Một số hình ảnh không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi.
- R: Restricted/ Phim có giới hạn. Không dành cho người dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng.
- NC-17: No Children 17 or Under Admitted/ Không dành cho trẻ dưới 17 tuổi. Có cảnh, lời tục tĩu, dâm dục, khỏa thân, bạo lực, sử dụng các chất kích thích trong phim.
 
Phòng Phân loại Phim và Văn học (Office of Film and Literature Classification, OFLC) của Úc thì dán nhãn như sau:
- E: Miễn phân loại. Những phim này không chứa những nội dung gây ra bất đồng.
- G: Phổ biến. Dành cho phim loại nhẹ.
- PG: Khuyến cáo nên có hướng dẫn của cha mẹ. Dành cho phim loại nhẹ.
- M: Khuyến cáo chỉ nên cho khán giả trưởng thành. Dành cho phim loại trung bình.
- MA15+: Không phù hợp với độ tuổi dưới 15. Những người dưới 15 chỉ được xem khi đi cùng cha mẹ hay người bảo hộ. Dành cho phim loại nặng.
- R18+: Hạn chế, chỉ dành cho người trên 18 tuổi. Dành cho phim có nội dung nhạy cảm ở mức độ cao.
- X18+: Hạn chế, chỉ dành cho người trên 18 tuổi. Mức phân loại này dành cho nội dung khiêu dâm (chỉ bán tại ACT và NT, nhưng cũng có thể được đưa tới các bang khác qua đường bưu điện).
- RC: Loại từ chối. Những phim này bị cấm bán hay thuê ở Úc.
 
Viện Phim và Nghệ thuật nghe nhìn (Instituto de Cine y Artes Audiovisuales, INCAA) của Argentina thì phân loại:   
- ATP: phù hợp với mọi độ tuổi, ATP viết tắt từ “Apta (para) Todo Público”, có nghĩa là cho tất cả công chúng.
- 13: chỉ phù hợp với 13 tuổi trở lên
- 16: chỉ phù hợp với 16 tuổi trở lên
- 18: chỉ phù hợp với 18 tuổi trở lên
- X: Tình dục rõ ràng
- E: Miễn phân loại. Dành cho những bộ phim về thể thao, âm nhạc...
 
Các hệ thống phân loại này được nhiều nước trên thế giới học hỏi, với các điều chỉnh nho nhỏ cho phù hợp với luật pháp, văn hóa, tôn giáo của mỗi nước.
 
Việt Nam có luật đề cập đến việc phân loại nhưng các cơ quan chức năng thì tìm cách lờ luật để cấm vô tội vạ là một biểu hiệu của độc tài và độc quyền. Bởi để phân loại thì thường cần đến chuyên môn, nghiệp vụ, còn cầm thì gần như không, cứ nói “không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt nam” là xong. Câu này có thể dùng cho mọi loại hình nghệ thuật mà họ muốn cấm; đương nhiên không cần phải chứng minh.
 
Với lại, hội đồng kiểm duyệt được chọn ra thường có 5 người, chỉ cần một người trong này có gu xem phim bất thường hoặc ghét đạo diễn nào đó kiên quyết loại trừ, những người còn lại sợ trách nhiệm, thì xem như công sức của cả hãng phim phải đi bụi. Giới thạo tin nói rằng phía sản xuất phim Bẫy cấp 3 đã không biết điều và không “phải đạo” với hội đồng kiểm duyệt của Cục Điện ảnh (!?) lần này.
 
Chính động thái cấm này tạo cơ sở quyền luật, sự nhiêu khê, tắc trách và các động tác hối lộ để mua giấy phép trong nhiều năm qua. Chính động thái cấm cũng là câu trả lời tại sao nền điện ảnh Việt Nam (ra đời cuối thế kỷ 19, lâu đời hơi cả nghệ thuật cải lương - thập niên 20 và chiếc áo dài - thập niên 30) trong mấy chục năm qua không thể phát triển, dù phương tiện và nhân lực ngày một nhiều hơn.