Có lẽ vụ thấm nước của con đập thủy điện SôngTranh 2 là đề tài nóng nhất hiện nay. Nóng vì nó liên quan đến hàng trăm ngàn con người dưới hạ nguồn với nỗi lo về viễn ảnh con đập bị vỡ do thấm nước không còn khả năng giữ nước như thiết kế.
Đã có hàng trăm ý kiến về lỗi kỹ thuật làm cho con đập trở nên nguy hiểm. Ý kiến của GS.TSKH Phạm Hồng Giang, chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của một đập nước thủy điện không được phép để nước thấm chảy qua.
GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, hiện đang giảng dạy tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng sau khi đi thực tế tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 đã cho rằng nếu có một cơn dư chấn bất thường do động đất ở khu vực này có thể phá hủy đập bất cứ lúc nào.
Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My lo lắng cho sinh mạng của hơn 400 ngàn dân trong huyện là trên hết. Ông yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phối hợp với cơ quan chuyên môn thành lập hội đồng thẩm định để nghiên cứu kiểm định lại hiện tượng trên có thật sự nguy hiểm hay không, qua đó có kết luận cụ thể, minh bạch, chứ không thể nghe kết luận từ một phía của Ban quản lý thủy điện.
Những tin tức trên báo chí thì như vậy nhưng chừng như Bộ Công Thương vẫn chưa có đánh giá đúng đắn về các luồng ý kiến này. Bằng chứng là mặc dù tập đoàn điện lực EVN đã lên tiếng xác nhận đây là lỗi kỹ thuật và họ sẽ cố gắng khắc phục, nhưng khắc phục cách nào thì lại là một vấn đề tranh cãi khác.
Người dân các khu vực hạ lưu như huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn đang sống trong cơn hồi hộp bởi họ không biết đập Sông Tranh 2 sẽ vỡ vào lúc nào. Những người dân này đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ cấp chính quyền trung ương, đặc biệt là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có trách nhiệm cao nhất quản lý các Bộ dưới quyền.
Người ta chưa nghe một lời nào từ Thủ tướng chính phủ yêu cầu cơ quan cụ thể nào đó điều tra về việc những khe nứt của con đập, cũng như tác hại của nó ra sao nếu bị vỡ. Thủ tướng là người từng tham dự vào rất nhiều việc, nhiều đến nỗi báo chí đã than việc gì cũng đè lên vai ông. Tuy nhiên vụ SôngTranh 2 có liên quan đến sự an toàn của hơn 400 ngàn con người thì không nghe ông lên tiếng chỉ đạo.
Tuy nhiên một nhân vật vừa lên tiếng chịu trách nhiệm khi nói thủy điện Sông Tranh 2 an toàn là Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng. Ông Vượng khẳng định rằng sẽ không có sự cố nào xảy ra đe dọa an toàn cho con đập này và ông sẽ chịu trách nhiệm nếu lời nói của ông không đúng dự thật.
Nghe ông Thứ trưởng nói ắt có người thở phào nhưng người ta tin con số đó rất ít. Họa chăng là người làm việc hay bà con trong bộ Công thương còn người bên ngoài cái bộ ấy khó ai tin ông Vượng được.
Là một thứ trưởng phụ trách khá nhiều lĩnh vực trong đó kiêm phụ trách vai trò Chủ tịch các hội đồng, Trưởng các ban chỉ đạo khác theo các lĩnh vực có liên quan nhất là điện lực, Thứ trưởng Vượng được xem như có kiến thức về các lĩnh vực mà ông được giao. Thế nhưng khi nghe ông bỏ ngoài tai đề nghị phương án di tản người dân để tránh đại họa nếu xảy ra bằng những tuyên bố rất cảm tính như vậy thì người dân không thể không giật mình.
Sinh mạng dân chúng không thể đem ra cá cược với một ông Thứ trưởng vốn được cất nhắc lên từ chiếc ghế Phó chủ tịch tỉnh Thái Nguyên. Trong cương vị hết sức hành chánh này ông Vượng không có cách nào chứng minh rằng ông hiểu biết tường tận đến từng thông số của con đập Sông Tranh 2. Ông rút ra kết luận từ cấp dưới, vốn cũng là công bộc của chính phủ mà khả năng và nhận thức trách nhiệm của họ đang là câu hỏi rất lớn đối với nhiều người. Ông Vượng không thuyết phục được ai khi trong tư cách thứ trưởng lại nói về kỹ thuật. Muốn nói về kỹ thuật thì ông Vượng phải chứng tỏ tại sao ông am tường và tuyên bố như vậy. Ông không thể hứa thay cho nhân viên dưới quyền cho dù ông có thiện chí.
Thiện chí của Thứ trưởng Bộ Công Thương tuy rất tốt vì ít nhất ông đã dám đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng chưa đủ vì ông cần phải chứng minh cái trách nhiệm đó xuất phát từ những hiểu biết tường tận của một chuyên gia chứ không phải là một Thứ trưởng chuyên lo về hành chánh. Ông Vượng chủ trì nhiều cuộc họp nhưng không chỉ định trách nhiệm con đập là của ai, chủ đầu tư là tập đoàn điện lực EVN, hay người thảo bản thiết kế? Tất cả những khảo sát và quyết định cho việc xây dựng con đập cũng bị buộc trách nhiệm vì các công đoạn này đã được phê duyệt để đi vào thực hiện.
Việc phải làm của Thứ trưởng Vượng là xem xét lại những hồ sơ đó và tập hợp ý kiến chuyên gia nên làm thế nào. Kế tiếp ông Vượng phải trình lên Thủ tướng cùng những đề xuất phải làm gì, có cần sả nước để sửa chữa vết nứt hay không? Di tản người dân lúc này lợi hay hại và tại sao? Kế hoạch nào để trám những vết nứt được xem là tối ưu nhất mặc dù tốn kém công của và thời gian....Tất cả các việc làm ấy là trách nhiệm của ông chứ không phải là một lời tuyên bố suông không thuyết phục.
Mới đây trong các cuộc họp để quyết định có nên lên phương án di tản người dân hay không, Bộ Công thương đã đóng kín cửa không cho báo chí tham gia. Hành động này làm dư luận hết sức khó hiểu vì đây không phải là chuyện gì nhạy cảm mà trái lại rất cần sự góp ý từ nhiều phía vì nó liên quan đến sinh mạng người dân. Bộ Công thương không thể tự quyết định vì thẩm quyền của một bộ không đủ lớn để bảo đảm cho mạng sống của hơn 400 ngàn cư dân trong vùng. Họ đòi hỏi sự bảo đảm cao hơn, ít nhất là Thủ tướng và cùng lúc có sự giám sát của quốc hội.
Hãy minh bạch cho dân chúng biết mạng sống của họ đang nằm trong tay ai. Không ai có quyền phớt lờ điều cốt lõi này để nói cho hả miệng và nhất là mượn dịp để đánh bóng tên tuổi của mình bằng những câu nói có cánh nhưng rỗng tuếch.
Bài bình luận gần đây