Không cần cực đoan về tiếng Hoa
Trần Đông Đức
Gần đây, bộ giáo dục Việt Nam đề xuất một chương trình dạy tiếng Hoa đại quy mô trong chương trình giáo dục phổ thông cơ sở gây nên phản ứng "bài Trung phản Cộng" khắp nơi. Bộ giáo dục Việt Nam bị sượng vì bị nhân dân Việt Nam tố cáo chính sách này là do khuynh hướng thân Trung áp đặt. Cho nên, “Giáo Dục-Bộ” phải nói phớ sang là chương trình này chỉ để dành cho các học sinh dân tộc Hoa. Hơi bị xạo hết chỗ nói đấy!
Dân tộc Hoa ở Việt Nam chắc không cần tới chính sách này vì truyền thống dạy tiếng Hoa trong cộng đồng này khá hoàn hảo. Tuy được hưởng theo chính sách dân tộc thiểu số theo mô hình 54 dân tộc của Việt Nam, người Hoa là một bộ phận to lớn hơn của cộng đồng Hoa Kiều hải ngoại có một kinh nghiệm truyền bá tiếng mẹ đẻ hay ho hơn dân tộc Kinh và Việt Nam nói chung. Mượn áo của dân tộc Hoa để áp đặt chính sách dạy tiếng Trung Quốc càng biểu lộ sự bối rối về chính sách thân Trung, chối đằng trời nhé!
Đây rõ ràng là một thỏa hiệp mang tính giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc cho nên danh không chính, ngôn không thuận thường bị nhân dân vạch mặt.
Dân chúng Việt Nam cần phải làm gì
Tuy nhiên, ở góc cạnh quần chúng, vì sự căm thù cao độ với dã tâm của Trung Quốc, đồng thời kết án sự nhu nhược của nhà cầm quyền Việt Nam dẫn đến những thái độ bài Hoa trong việc học tiếng Hoa là không cần thiết.
Tiếng Hoa, xét cho cùng là một ngôn ngữ lớn có địa vị quan trong trên thế giới. Đặc biệt, trong khu vực Đông Nam Á, nếu người Việt Nam có điều kiện phá bỏ bức tường của ngôn ngữ này thì cũng sẽ là một ưu điểm nâng cao vị trí cạnh tranh không những về kinh doanh mà luôn cả các phương diện văn hóa học thuật khác.
Về đặc điểm riêng của Việt Nam, biết chữ Hán (cho dù qua tiếng Hoa hiện đại) một cách quy củ còn là một sự vun bồi vào lỗ hổng to lớn của văn hóa truyền thống ngàn năm. Ngày xưa, cha ông ta cũng dùng Hán tự làm phương tiện sáng tác mà bây giờ chỉ còn nằm trong các viện bảo tàng Hán Nôm. Có nhiều áng văn chương như Bình Ngô Đại Cáo cũng dùng Hán Văn toàn diện, lưu danh thiên cổ đọc vào thấy khí phách độc lập chứ đâu phải biết chữ Hoa hay chữ Hán là bị Hán hóa gì đâu.
Do chính sách phế Hán tự sang chữ Quốc Ngữ đã làm một cách quá triệt để không để lại sự lựa chọn nào cho sở thích Hán-Nôm. Hôm trước, cái bài Tây Sơn Hành miêu tả cảnh chăn gối hay thế mà đâu còn mấy ai đọc được nguyên tác để cảm nhận hết chất phong hoa tuyết nguyệt, thiên địa tình trường của người xưa. Rất là đáng tiếc!
Vậy thì, trong đợt này, cần có một sự tương kế tựu kế để điều chỉnh nhận thức. Học tiếng Hoa coi như là một dạng tâm lý để nhận biết kẻ thù, là một vũ khí trả đũa như kiểu cha con nhà Trọng Thuỷ mượn nỏ thần của Mị Châu bắn vào mục tiêu về phương diện ý chí. Đứng ở vị trí này mà khai thác tâm lý cầu tiến thì chúng ta không cần gì phải có lấy thái độ bài tiếng Hoa để làm lu mờ lập trường chống Trung Quốc ở những khu vực quan trọng hơn.
Còn nhớ thời xưa, thời chúng ta phế bỏ Hán tự là do tâm lý Âu hóa quá mạnh. Chúng ta phế chữ Hán bởi vì trước mặt có một ngôn ngữ Pháp quá ngon lành. Tưởng là người Việt sẽ có ưu thế song ngữ Pháp - Việt, oách hơn cả nhân dân Trung Quốc đa số đang mù chữ... Ngay lúc đó, Trung Quốc cũng có xu hướng muốn phế chữ Hán chuyển sang mẫu tự Latin. Tuy nhiên, giấc mơ này không hoàn thành bởi vì Hán Tự, Hoa Ngữ, Trung Văn chính ra là ba khu vực.
Gần đây, phương pháp học chữ Hán có phần cải tiến và tiếng Trung Quốc cũng là một ngôn ngữ hiện đại sống động, khó có thể nhắm mắt lơ được.
Trong Hoa Ngữ nói chung nó còn có sự đa dạng mà cho tới giờ này nhiều thổ ngữ, tiếng mẹ đẻ có cả triệu người nói vẫn chưa bao giờ có ký hiệu. Tất cả đều nhờ ký hiệu qua chữ Hán (Hán Tự) để móc nối nhau. Ngày nay, khi nói đến Hoa Ngữ chính ra là ám chỉ vào Trung Văn (Tiếng Trung) tức là tiếng phổ thông tại Trung Quốc hiện nay. Ở Đài Loan, tiếng này được gọi là Quốc Ngữ.
Nếu bộ giáo dục Việt Nam tôn trọng tiếng mẹ đẻ của dân tộc Hoa ở Việt Nam thì nên dạy tiếng Triều Châu, tiếng Quảng Đông, tiếng Khách Gia nhé! Các thứ tiếng này có cự ly cách xa với phương ngữ Bắc Phương (tiếng phổ thông) không khác gì tiếng Việt Nam ta với chúng nó. Chỉ vì có chữ Hán làm gạch móc nối cho nên cứ tưởng là chung chung tiếng Hoa với nhau như thế.
Cũng nói thêm, ngoài các khu vực ngôn ngữ khác trong tiếng Hoa như vùng Triết Giang, Phúc Kiến có những thứ phương ngữ còn gọi là "tiếng Mán", vì một người ngoài địa phương này không bao giờ có thể hiểu biết ngôn ngữ này. Tuy cũng được xếp là dân tộc Hán, người Hoa đấy nhưng mà ngôn ngữ mẹ đẻ hoàn toàn riêng biệt, ngữ hệ khác biệt theo tiêu chuẩn ngôn ngữ học. Do nhờ thông hiểu tiếng Trung Quốc phổ thông, những cộng đồng "tiếng Mán" này thường có giao lưu bề mặt với toàn dân Trung Quốc và lại trở thành một khu vực cấu kết riêng tạo thành thế lực.
Do đó, biết tiếng Hoa hay Hán ngữ nói chung chính là dần dần nhận thức được đặc điểm này để trang bị cho đời sống một phương tiện cạnh tranh mang tính lợi nhiều hơn hại. Lấy lập trường này mà cân nhắc thì chương trình dạy tiếng Hoa nên duyệt sớm.
Cũng phải nói thêm, mặt trái của vấn đề là qua các chương trình tiếng Hoa, sự tẩy não và nhồi sọ về chính trị "Trung Việt quan hệ" bị lợi dụng là điều không thể tránh khỏi. Không khí hừng hực chống Tàu và những thứ gì liên quan đến Tàu, mà đại diện là cộng sản Trung Quốc như bị mất chút khí thế...
Cần điều chỉnh thái độ
Tuy nhiên thái độ này có thể điều chỉnh một cách chính xác và thực tế hơn khi người học có điều kiện nhìn vào chân tướng của văn hóa Trung Quốc.
Muốn tinh thâm chữ Hán thì cần học từ nhỏ. Muốn học nói tiếng Anh chuẩn thì phải học từ nhỏ. Đây chính là nguyên tắc áp dụng cho trên 80% dân số loài người, trừ các thần đồng ngôn ngữ. Nếu ai không có điều kiện tiếp xúc chữ Hán thời thơ ấu, sau này lớn lên muốn học cũng rất khó. Cũng như tiếng Anh, nếu không bắt được giọng trong khoảng thời gian nhi đồng thì mất ưu thế lưu loát sau này. Người Tàu cũng nhận ra ưu thế này cho nên tìm mọi phương tiện để trang bị cho thế hệ con cái có một phương tiện vào đời. Mỗi người Trung Quốc thường nói tiếng mẹ đẻ (phương ngữ), tiếng phổ thông, và học thêm ngoại ngữ để được coi là có học hành.
Do đó, chương trình Anh - Hoa cần được đưa vào Việt Nam đại trà hơn cho nhân dân, đặc biệt là dân tộc Kinh lấy đó làm phương tiện quán triệt Đông Tây.
Hiện nay, một người dân tộc thiểu số ở Việt Nam lại có ưu thế ngôn ngữ hơn thì tự dưng dân tộc thiểu số ấy lại trở thành ưu thế tinh hoa. Dân tộc Kinh, mở mắt ra phải đối diện với bầu trời của thế giới. Việt Nam là một trong những nước có ngôn ngữ cô lập ở Đông Nam Á, không học tiếng khác, chỉ nói tiếng Kinh thì làm sao tránh khỏi chuyện bị mù văn hóa.
Chuyện bộ giáo dục phải nói phớ sang tiếng Hoa là tiếng dân tộc thiểu số chứng tỏ áp lực quần chúng quá mạnh. Nhưng ở một mặt khác, quần chúng Việt Nam nên hiểu đây là một phương tiện giao lưu, học của nó để tạo sức đề kháng chứ không để bị cảm xúc mong manh "bị Hán hóa" này nọ.
Cá nhân mềnh học chữ Hán từ nhỏ, sau này học sang tiếng Hoa mà cũng chống Trung Quốc và bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh rất hăng hái chứ không hề có cảm giác mất mát hời hợt nào. Mỗi khi người Việt biết tiếng Hoa tiếng Hán của nó chính lại là một mũi tên bắn ngược vào thành trì văn hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, nếu học tiếng Hoa rồi thì biết mặt chữ Hán và âm Hán Việt của nó, điều kiện nảy mầm khi gặp trúng người biết giỏi tiếng Việt mà linh hoạt thêm một tẹo là cũng là tự nhiên đọc ra rất nhiều chữ Nôm một cách tình cờ và thú vị. Kinh nghiệm này nhiều người học tiếng Hoa trải qua. Do đó, học thứ ngoại ngữ này cũng sẽ tạo sức linh hoạt lên, trang bị cho người Kinh một thứ vũ khí văn hóa sắc bén.
Lo ngại gì chứ!
Bài bình luận gần đây