Nghe cụm từ “công an VN kết hôn”, chắc nhiều người nói: kệ họ, nhưng thực ra, cũng có vài hệ lụy đến mình.
Các bạn thử lên mạng tìm kiếm cụm từ “công an kết hôn” thì sẽ thấy nó không “kệ họ” chút nào. Tôi tìm được vài thắc mắc (người thật việc thật) sau đây, xin nêu ra:
“Xin chào luật sư! Em và bạn trai yêu nhau đã được 3 năm. Và chúng em có ý định cưới. Bạn trai em làm trong ngành công an. Nên giờ em đang gặp 1 số rắc rối và không biết nên giải quyết thế nào. Xét ba đời thì ông bà nội em đều là Đảng viên, có công với đất nước. Ông bà ngoại em thì đã từng bị lính Mỹ bắt vào tù, còn về tội dạng gì thì em chưa tìm hiểu rõ. Ba em đã từng ở tù vì tội chứa chấp gái mại dâm (3 năm). Bên ngoại em cũng có người đi nước ngoài, chị gái của mẹ em lấy chồng là người việt và đang sống ở Mỹ. Vậy thì xin hỏi luật sư, nếu chúng em muốn cưới nhau thì liệu có thể cưới được không? Vì em nghe nói gia đình vợ cũng phải 3 đời trong sạch. Em không theo thiên chúa giáo”.
Một thắc mắc khác:
“Em có được cưới anh ấy không? Em và anh ấy quên nhau được 3 năm. Gia đình em, ba và chú thì đang làm CA, cũng có chức vụ. Gia đình anh ấy, ba lúc trước cũng làm CA, nhưng về hưu sớm, ba mẹ anh ấy li di, mẹ lấy chồng khác, người chồng sau theo đạo Tin lành nên mẹ và anh ấy cũng theo đạo. Bây giờ, em cũng đang xin vào CA. Em không biết là nếu em vô làm trong ngành thì em và anh ấy có thể lấy nhau không? Em được biết là trên giấy tờ anh ấy không có đạo, nên được xác nhập vào Đảng trong thời gian đi bộ đội. Xin hãy tư vấn giúp em, em xin cảm ơn rất nhiều”.
Và:
“Tôi dự định kết hôn với một anh bạn làm trong ngành công an. Tôi nghe nói, việc kết hôn với người trong ngành công an, ngoài quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình còn phải thẩm tra, xác minh lý lịch của người bạn đời ngoài ngành rất chặt chẽ! Xin cho biết, việc xác minh lý lịch để kết hôn đối với ngành công an được quy định ra sao? (Trần Thị Lan Chi, huyện Tân Biên, Tây Ninh)”
Trước những câu hỏi kiểu này, trên mạng, cũng qua miệng các luật sư, có các trả lời khác nhau.
Phản đối. Ví dụ:
“Anh không thấy quy định pháp luật nào như vậy cả. Anh chỉ thấy PL nghiêm cấm việc ngăn cản kết hôn tự nguyện, tiến bộ thôi. Em cứ yên tâm, vui vẻ kết hôn nếu muốn. Nếu có ai cấm em kết hôn vì lý do này thì cứ alô cho anh. Luật sư Nguyễn Đình Tuấn, 0903293928, email: lstuannd@gmail.com, Giám đốc Công ty luật Nhật Chiêu - Đoàn luật sư Hà Nội”.
Đồng tình. Ví dụ:
“Theo quy định của ngành công an nhân dân, mỗi cán bộ chiến sĩ khi xây dựng gia đình phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, xác định tương lai hạnh phúc của mình thật sự chín chắn để quyết định đi đến hôn nhân. Nếu đã xác định lập trường tư tưởng thì mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự viết đơn xin tìm hiểu gia đình, viết hai đơn, một đơn nộp cho đơn vị công tác, một đơn nộp cho Phòng Tổ chức cán bộ. Thời gian tìm hiểu từ ba đến sáu tháng, tùy thuộc vào mức độ tình cảm của hai bên.
Qua thời gian tìm hiểu, nếu cả hai thấy tâm đầu ý hợp và quyết định đi đến hôn nhân thì bản thân phải tự viết đơn xin xây dựng gia đình như trình tự trên. Bản thân phải động viên người bạn đời của mình kê khai lý lịch cho thật đầy đủ. Trong lý lịch phải khai cả ba đời; quá trình hoạt động của ba đời trước và sau năm 1975; có ai theo ‘chế độ cũ’ không? Có thân nhân xuất cảnh không? Có theo tôn giáo nào không?...
Phòng Tổ chức cán bộ có trách nhiệm thẩm tra, xác minh người bạn đời và tất cả những người thân trong gia đình tại nơi sinh sống và nơi làm việc. Thời gian thẩm tra, xác minh từ 2 đến 4 tháng, nếu không có gì trở ngại thì Phòng Tổ chức cán bộ sẽ gửi thông báo cho phép xây dựng gia đình đến đơn vị công tác, lúc đó các bên mới tiến hành đăng ký kết hôn và tổ chức cưới.
Trường hợp lý lịch, nhân thân của người bạn đời không phù hợp thì bản thân cán bộ, chiến sĩ phải chọn lựa một trong hai ‘con đường’, hoặc ‘tình yêu’, hoặc ‘sự nghiệp’, (Luật gia Huỳnh Minh Vũ)”.
Sở dĩ có sự tù mù và nghịch lý này, vì có ý kiến phân tích rằng: Đây là tài liệu mật của ngành công an nên không có phổ biến hoặc trên mạng để “đôi lứa” được rõ.
Có ý kiến cho rằng muốn biết chi tiết công an kết hôn như thế nào thì xem: Quyết định số 1275/2007/QĐ-BCA ngày 26/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và xem xét việc kết hôn của cán bộ CAND với người ngoài lực lượng công an.
Bên cạnh đó: Theo quy định tại điểm H khoản 2 mục II, thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch thì: “đối với trường hợp người đăng ký kết hôn là cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thông báo cho Thủ trưởng đơn vị của người đó để biết”.
Cũng có ý kiến cho rằng: “Điểm khác biệt duy nhất là những người công tác trong ngành công an nhân dân khi kết hôn thì vợ/chồng họ phải được xét lý lịch (ba đời) như lúc họ vào ngành. Vì đây là ngành lực lượng vũ trang nên thủ tục này để hạn chế những rủi ro trong ngành có thể xảy ra sau này. Việc xét lý lịch ba đời của vợ/chồng ngoài ngành hiện nay cũng thoáng hơn trước đây. Tiêu chí xét về: tôn giáo, thái độ chính trị, yếu tố nước ngoài của vợ/chồng, cha mẹ của vợ/chồng và ông bà nội và ngoại của vợ chồng”.
Mục đích tôi viết bài này là để khuyến cáo các cô gái khi yêu ai đó, ngoài chuyện tìm hiểu thông thường thì ngay từ đầu phải biết người mình yêu có phải, hoặc có ý định thành công an hay không? Nếu phái hoặc có, thì bạn phải xem lại lý lịch 3 đời của gia đình mình, kẻo thiệt thân và khổ tâm.
Tôi biết một trường hợp, từng là nhà báo, sau đó quyết trở thành công an chìm (an ninh) mà bỏ vợ con để “tẩy rửa” lý lịch, rồi làm lại từ đầu.
Tôi biết vài trường hợp khác, khi xét lý lịch, phát hiện ra gia đình cô gái từng có người theo Quốc dân đảng - đã chết, mà chàng trai quyết theo lý tưởng, nên cô gái phải ôm bầu nghẹn ngào, vì họ “mần trước tâu sau”. Cũng có nhiều chàng trai muốn bỏ lý tưởng để theo vợ, nhưng sợ bị trả thù, nên chấp nhận hèn.
Theo quan niệm của phần nhiều người Việt (xin miễn bàn đúng sai ở đây) thì trong các cuộc tình, con gái và phụ nữ thường chịu nhiều thiệt thòi hơn, vì dễ mất cái ngàn vàng, dễ mang bầu hoặc lây bệnh. Cho nên, trước việc xét lý lịch như vậy, đề nghị các bạn gái hãy tỉnh táo, đừng vì đẹp trai, cao to hay lắm tiền của con nhà CA mà nhắm mắt “thiêu thân”, để rồi hỡi ôi. Hiểu tự khai lý lịch của mình thật kĩ… trước khi mần tình hoặc trao thân cho chàng CA.
Việc xét lý lịch này, chắc còn hơn việc xét môn đăng hộ đối thời trung cổ; hoặc cũng tương đương như việc xét giai cấp cao thấp ở nhiều nước.
Chưa có một thống kê nào về những tình cảnh éo le hay bi kịch trước hôn nhân, chỉ vì lý lịch, khi một ngày phát hiện ra một trong hai người là CA; nhất là CA chìm, ít khi lộ diện. Nhưng chắc chắn một điều, những trường hợp này không ít, các bạn thử quan sát những CA quanh mình, ở độ tuổi sắp kết hôn, mà xem. Hoặc qua các thắc mắc (phần đông là của phụ nữ) ở trên mạng thì đủ rõ.
Quanh chuyện này chắc chắn còn nhiều hậu quả xã hội, nhưng tôi chưa đủ thông tin để nêu ra ở đây. Nhưng nói như ông bà ta thì “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, với kiểu xét lý lịch này, thì nếu người xấu/ác sẽ xấu/ác hơn. Cho nên, đây đó mới lưu truyền khẩu quyết về giác ngộ cho VN: “Công án chính là công an”.
Bài bình luận
NAARCH